Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ba và con gái
Thứ bảy: 09:30 ngày 04/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Con gái là tình nhân kiếp trước của ba”, tôi tin câu này đúng, ít ra là với tôi. Mẹ nẹt: gái lớn phải lấy chồng, định ở vậy theo ba nhõng nhẽo miết hả? Không lấy chồng, ba là người đàn ông duy nhất đời con.

(ảnh minh hoạ P. TK)

Ba tôi là nông dân, nông dân chính hãng nhưng tướng tá thư sinh, “trói gà không chặt”. Không đợi người ta dè bỉu, ba cũng xác nhận, mẹ mới là trụ cột gia đình. Các con xin gì, hỏi gì, ba cũng để mẹ quyết. Có lần, đó là lần duy nhất, tôi dám nhào vô đấm con bạn cùng xóm, cái tội dám bắt chước người lớn nói ba tôi sợ vợ.

Trước giờ, chuyện gì tôi cũng có thể kể ba nghe- trừ chuyện đó. Tôi đã biết ghét thói đời hóng hớt, nhiễu sự, thích phê phán người khác từ đó. Tôi ước cả thế giới phải đứng về phía mình, tôi ước ai cũng thấy ba tôi là một người ba… trên cả tuyệt vời.

Có thể, ba tôi không giỏi cày xới, không xốc vác, không làm lở núi lở non như mấy chú bác trong xóm. Có thể ba không quyết đoán, không nhìn xa trông rộng, không quyết được chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà- như mẹ - nhưng chưa bao giờ vì điều đó mà tình thương chị em tôi (tôi và con Út, mà tôi nghĩ kể cả anh chị mình) dành cho ba bị suy giảm. Ngược lại, chúng tôi- chính xác là tôi rất tự hào vì có một người ba như vậy, tôi gọi ba mình là “ông bố vĩ đại”.

Tôi đã không nhớ bắt đầu khi nào nhưng tôi lớn lên, trong ký ức đã ghi dấu điều này: hồi nhỏ, tôi và con Út ngủ với ba. Ngủ với ba sướng lắm, cành cạch quạt mo suốt đêm, chị em tha hồ vung tay vung chân, sáng dậy chỉ nghe ba than: “Hai đứa con gái rượu của tui, ngủ một nơi và dậy ở một ngả”.

Hồi đó, hai chị em thích nhất tiết mục buổi tối trải chiếu ra giữa sân nằm đếm sao rồi nghe ba kể chuyện. Ba tôi biết nhiều chuyện lắm. Ba kể chuyện cô tiên, ông bụt, kể về những ngày ở rừng, về những người bạn đội mũ in hình ngôi sao. Nằm nghe ba rì rầm kể, ngủ quên hồi nào không hay biết. Ba sẽ nhẹ nhàng bế từng đứa vào giường.

Ban đêm ngủ quậy, ban ngày vòi vĩnh ba làm cho đủ thứ đồ chơi, kể cả bắt ba dẫn ra đồng chạy tung tăng, cười rộn rã.

Chị em tôi chơi nghịch, banh bừa bãi trong nhà nên thường bị mẹ và chị Hai la. Nhưng ba thì không, mỗi lần đi đâu về, thấy nhà cửa đầy nhóc rác, ba hối dọn dẹp kẻo mẹ về đánh đòn. Mấy đứa bạn kể: mỗi lần nó bị ba đánh thì mẹ nhào vô đỡ đòn nhưng chị em tôi thì ngược lại, ba thường nhào vô đỡ roi của mẹ cho chị em tôi. Mẹ bực mình la: Ông cứ bắc thang cho con cái leo đầu leo cổ. Ba chỉ cười khì, tụi nó còn nhỏ… Mẹ càng la to: Ổng lúc nào cũng thấy con còn nhỏ.

Ba đã trở thành thầy giáo khi tôi chính thức đi học. Học với ba, cảm giác rất dễ chịu, sau này, tôi phải mang ơn sự hiền hoà bao dung đó để mình hứng thú với việc học. Ba cầm tay con tập viết, viết chữ ngã ngửa ngã nghiêng, ba giúp tới chừng nào cứng cáp mới thả.

Học toán, những bài toán đố, ba giảng đi giảng lại, không khó chịu khi con hiểu chậm. Vì sự dìu dắt hiền lành đó mà tất cả những năm học tiểu học, tôi không thấy sợ bài tập về nhà, vì tôi đã có “gia sư” riêng.

Lên cấp hai, Tập làm văn là môn học mà tôi sợ nhất. Tôi viết văn rất yếu. Tới tiết trả bài, lần nào bài tôi cũng sẽ là một điển hình về lỗi chính tả và cách hành văn “dây cà ra dây muống”.

Ba bắt tôi đọc sách: “Đọc nhiều sách con sẽ thuộc mặt chữ, khó sai chính tả”. Khi học văn miêu tả, ba bắt con gà trống bỏ giữa sân và yêu cầu tôi ngồi nhìn ở nhiều góc khác nhau. Ba không quên nhắc tôi so sánh, liên tưởng mỗi khi miêu tả. Nếu tả bác nông dân, ba sẽ cõng tôi ra đồng nhìn bác nông dân cày ruộng và tôi sẽ phải hình dung những gì mình thấy, sẽ phác hoạ lại bằng ngôn ngữ.

Nếu tới bài Tập làm văn kể chuyện, ba dạy tôi cách tìm một câu chuyện có ý nghĩa, kể có đầu có cuối, muốn kể hấp dẫn phải biết biểu cảm khi kể. Để con gái tiến bộ, ba học Văn cùng con. Mỗi đêm, dưới ngọn đèn dầu, ba ra một đề văn và tôi sẽ làm.

Mỗi khi làm xong, ba bắt tôi kiểm tra lỗi chính tả nhiều lần. Nếu tôi viết chưa tốt, ba sẽ gợi ý để viết lại. Viết xong lại nhận xét, sửa chữa. Nhiệm vụ của tôi là đối chiếu bài mình và bài ba vừa sửa để rút kinh nghiệm. Cũng có khi, tôi và ba cùng viết một đề tài sau đó cha con đổi bài cho nhau để “học hỏi”.

Tôi vào trường cao đẳng Sư phạm, mỗi lời nói, cử chỉ, ăn mặc ba đều chỉnh sửa. Ba nói: mai mốt mình là cô giáo, dạy con người ta…

Tôi ra trường, xin làm cô giáo vùng cao, ba không gật đầu nhưng cũng không từ chối. Hồi đó, cái thời giáo án còn chép tay nhưng mỗi lần ba lên nội trú thăm con gái đều mở giáo án ra xem. Ba than viết chữ nét không đều, không thẳng, rồi ba kêu phải rèn chữ- làm như con gái vẫn là cô bé được ba rèn chữ năm nào. Tôi lúc nào cũng nũng nịu với ba.

“Con gái là tình nhân kiếp trước của ba”, tôi tin câu này đúng, ít ra là với tôi. Mẹ nẹt: gái lớn phải lấy chồng, định ở vậy theo ba nhõng nhẽo miết hả? Không lấy chồng, ba là người đàn ông duy nhất đời con.

Hồi đó chưa biết hẹn hò yêu đương gì nên mạnh miệng nói chắc nụi vậy. Tôi đâu có hình dung chuyện gì xa hơn khi được sống dưới vòm yêu thương, che chở của ba. Tôi đâu nghĩ được chuyện cây lớn trổ hoa, đò đầy rời bến cho đến một ngày, lão Nguyệt dắt đến trước mặt một nửa của mình, yêu chí chết và quyết định theo chàng về dinh.

Tôi lấy chồng xa.

Ngày tiễn con gái về nhà chồng, lúc họ gái chuẩn bị ra về, ba tôi lại cầm chặt tay, tính nói gì đó nhưng không nói thành lời rồi im lặng nhìn con bằng ánh mắt đứt ruột. Ba bước lên xe, tôi đứng nhìn theo, nước mắt rơi lã chã, bỗng thấy mình bơ vơ khủng khiếp giữa rạp cưới….

Con gái lấy chồng nhà tranh vách đất, sau đám cưới, ba đón xe, dắt lên tận nhà mẹ con con bò cái để con gái có thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập. Tôi không có tiền đưa, ba nói bán rẻ bán nợ, mai mốt gây dựng nên đàn bò rồi gửi lại ba mẹ sau.               

Ba không phải thợ hồ nhưng ngày vợ chồng con gái sửa ngôi nhà tranh thành nhà gạch, ba cầm bay, làm từ hôm mở móng đến ngày ngôi nhà hoàn thiện mới chịu buông bay.

Vợ chồng trẻ lục đục, hôm đó tôi nổi điên to tiếng, những tiếng mà một người vợ đức hạnh không nên nói. Ngay lập tức, tôi bị chồng cho ăn tát. Hai cái tức nhỏ gộp lại thành cái tức to, tôi nổi điên nách con về mẹ.

Ba tôi hiền, rất hiền nhưng vụ này không hiền chút nào. Ba nói, con gái đã lấy chồng rồi, về mẹ thì vợ chồng vui vẻ cùng về chứ đâu có cái chuyện một mình ẵm con về. Ba bảo có gì cũng phải về, vợ chồng bảo ban nhau, chừng nào qua cơn giận dỗi vợ chồng hãy chở con về ngoại chơi.

Mẹ bênh con gái, giải thích với ba nó bị chồng đánh. Ba thở dài, nhưng lại nói: phải nghe đầu đuôi từ hai phía và nhất định bảo tôi về. Nước mắt lưng tròng, tôi ẵm con ra đường bắt xe trở về, nghĩ giận ba quá chừng. Nhưng hôm sau đó, chồng tôi về xin lỗi ba mẹ. Khi anh hành xử như vậy, tự nhiên tôi cũng thấy cái sai của mình nên không buồn mà càng kính trọng ba hơn.

Hôn nhân được năm năm, vợ chồng không có những trận kình cãi nảy lửa - tôi chỉ ăn tát một lần vừa kể, nhưng đùng cái dắt nhau ra toà. Khi anh đề nghị, tôi đã không ngần ngừ đồng ý sau cái lần bắt gặp chồng và cô gái trẻ chở nhau vi vu dưới thành phố. Cả hai đều xác nhận hết duyên, tình cảm cứ nhạt dần sau ngần ấy năm chung sống thì “giải tán” là cách hay nhất.

Khi tờ đơn đã nằm trên toà, ba tôi lặn lội đón xe, vượt trăm cây số tìm con rể mong hoà giải. Nhưng chỉ đợi dài cổ rồi về chứ con rể lấy lý do công việc, vắng nhà cả ngày. Thật tệ, anh chỉ nhờ ba mẹ anh nói lại chứ không phải đích thân gọi điện nói với nhạc phụ một tiếng. Tôi buồn không kể xiết khi ba ra về bằng đôi mắt đẫm buồn.

Vợ chồng mọi thứ chia đôi, tờ giấy ly hôn đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tình tưởng sẽ trở thành đẹp nhất. Cả nhà tôi đều tỏ ra tức giận người chồng bạc tình bạc nghĩa- trừ ba. Ba nói: chắc hai đứa hết duyên, chứ thằng K nó chưa làm điều gì hỗn hào bất phải với nhà mình.

Hình như, nếu phải nghĩ xấu cho người nào đó thì ba không thể làm được. Xót, thương con mình nhưng cũng không nỡ nặng lời với con người. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ba sử dụng “quyền làm chồng”, ba không cho mẹ nói xấu con rể. Mẹ vẫn cằn nhằn, ba hét: chuyện tới nước này rồi, lo giải quyết chứ nói được gì, nó dù gì vẫn là “con rể”…

Hai mẹ con lủi thủi xứ người. Buồn nhiều khóc nhiều nhưng chỉ biết chấp nhận hoàn cảnh. Sau một tháng ly hôn, tôi mới đủ thăng bằng để đem con về thăm ngoại. Ba nói: mẹ con đừng lay lắt xứ người nữa, coi thu xếp về nhà, có ba có mẹ…

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Tin cùng chuyên mục