Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khi khám, chữa bệnh đã được Bộ Y tế đề xuất rõ tại dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Ảnh minh họa.
Theo dự thảo, người hành nghề khám, chữa bệnh (người hành nghề) có quyền được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hành nghề; được quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hành nghề; được bổ sung hoặc thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trên giấy phép hành nghề nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ bác sỹ là việc tại trạm y tế xã được phép chịu trách nhiệm chuyên môn thêm một phòng khám ngoài giờ hành chính; được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Theo dự thảo, người hành nghề có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết.
Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Người hành nghề có quyền được nâng cao năng lực chuyên môn: Được đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với trình độ chuyên môn hành nghề; được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về y tế.
Người hành nghề cũng có quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề. Cụ thể, người hành nghề được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến; được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Đồng thời, người hành nghề được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp; được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.
Nghĩa vụ đối với người bệnh
Theo dự thảo, người hành nghề có nghĩa vụ kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp thực hiện quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh; tư vấn, cung cấp thông tin; đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
Dự thảo nêu rõ, người hành nghề chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người hành nghề phải thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình; thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Người hành nghề thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh, đồng nghiệp hoặc vi phạm quy định; không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi.
Đối với đồng nghiệp, người hành nghề có nghĩa vụ hợp tác và tôn trọng đồng nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh; bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.
Người hành nghề cũng có nghĩa vụ tham gia bảo vệ và giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng; tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác. Chấp hành quyết định điều động của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định; chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.
Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nguồn Chinhphu