Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác sĩ Vũ Hán vắt kiệt sức chống dịch
Thứ năm: 09:02 ngày 13/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các bác sĩ tuyến đầu chống virus corona ở Vũ Hán quá tải trước số bệnh nhân ngày càng lớn và nguy cơ nhiễm bệnh cao do thiếu thiết bị bảo hộ.

Các y bác sĩ này phải điều trị cho hàng nghìn trường hợp nhiễm mới virus corona mỗi tuần ở Vũ Hán, thành phố tâm điểm của dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 12 năm ngoái. Nhiều bác sĩ phải tiếp đón bệnh nhân mà không có đủ khẩu trang chuyên dụng hoặc đồ bảo hộ, khiến họ phải tái sử dụng những dụng cụ lẽ ra phải thay thường xuyên này.

Phó thị trưởng Vũ Hán tuần trước cho biết thành phố có nguy cơ thiếu 56.000 khẩu trang N95 và 41.000 bộ đồ bảo hộ mỗi ngày. Đội ngũ y tế mặc đồ bảo hộ "sẽ đóng bỉm, giảm uống nước và giảm số lần đi vệ sinh", Jiao Yahui, một quan chức hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết.

Nhiều người trong số họ phải mặc một bộ đồ trong 6-9 tiếng, dù thực tế họ không nên mặc đồ bảo hộ quá 4 giờ khi ở trong khu cách ly. "Tất nhiên chúng tôi không ủng hộ phương pháp này, nhưng đội ngũ y tế thực sự không còn cách nào khác", bà Jiao thừa nhận.

Chính phủ Trung Quốc đã huy động cả nước tăng cường sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Hôm 10/2, 3/4 các nhà máy sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trung Quốc cũng đã nhập hơn 300 triệu khẩu trang và khoảng 3,9 triệu bộ đồ bảo hộ từ ngày 24/1.

"Dù chúng tôi nhận thêm khẩu trang, số bệnh nhân thậm chí còn tăng nhanh hơn", một bác sĩ giấu tên tại một bệnh viện lớn ở Vũ Hán cho biết. Theo cô, mỗi bác sĩ hoặc y tá sử dụng 2-4 khẩu trang mỗi ngày. "Nhu cầu sử dụng khẩu trang trong bệnh viện là rất lớn. Họ thường xuyên thiếu khẩu trang".

 

Một bác sĩ ở Vũ Hán được đồng nghiệp xịt dung dịch khử trùng hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Bác sĩ cũng buộc phải mặc những bộ đồ bảo hộ tạm thời, không đủ hiệu quả trong việc chống lại virus, Xu Yuan, 34 tuổi, một người Trung Quốc sống tại Mỹ cho hay. Xu đã tặng các thiết bị bảo hộ trị giá 5.000 USD cho bạn học cũ đang làm việc tại các bệnh viện ở Vũ Hán.

"Ngay khi cậu ấy mặc, bộ đồ bị nứt vì nó quá nhỏ", cô nói, nhắc đến một người bạn ở Vũ Hán phải mặc một bộ đồ bảo hộ suốt 5 ngày. "Cậu ấy khử trùng bộ đồ sau khi sử dụng mỗi ngày. Cậu ấy biết điều đó có thể vô dụng, nhưng vẫn tốt hơn là không có gì".

Khoảng 44% trong số 42.600 ca nhiễm bệnh và phần lớn trong số 1.113 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục là ở Vũ Hán, nơi khởi phát của dịch. Theo nhiều nguồn tin y tế địa phương, ít nhất 500 y bác sĩ tại các bệnh viện ở Vũ Hán đã nhiễm virus corona chủng mới tính đến giữa tháng một.

Chính phủ Trung Quốc thường thông báo các trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh Covid-19 riêng lẻ, nhưng chưa từng đưa ra con số thống kê tổng thể. Nguồn tin cho hay các bác sĩ, y tá tại Vũ Hán được yêu cầu không công bố những thông tin này.

Các rủi ro mà nhân viên y tế Vũ Hán đang phải đối mặt càng thu hút sự chú ý sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng hôm 8/2 do nhiễm virus corona. Bác sĩ nhãn khoa này qua đời hơn một tháng sau khi anh và 8 người khác cố cảnh báo về sự xuất hiện của một loại virus mới giống virus từng gây đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003.

 

Bác sĩ (trái) trò chuyện với một nam bệnh nhân trong khu cách ly ở Vũ Hán hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ ở Vũ Hán còn phải chịu thêm thách thức lớn khác, bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Vũ Hán, người có đồng nghiệp đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona mới, cho hay.

"Họ đã kiệt sức," cô nói. Một trong những đồng nghiệp của cô làm việc tại một phòng khám tiếp nhận 400 bệnh nhân chỉ trong vòng 8 giờ. Nhiều bệnh nhân trong số đó "chết rất nhanh hoặc không thể cứu được".

"Họ chịu rất nhiều áp lực", bác sĩ nói, thêm rằng bệnh viện nơi cô làm việc đã kiểm tra tâm lý cho các bác sĩ.

"Nhiều người dân Vũ Hán cũng rất lo lắng", một bác sĩ tại phòng khám cộng đồng ở thành phố cho biết. Ông và các đồng nghiệp nhận được cuộc gọi từ những người dân đang đau khổ, nhiều người không dám rời khỏi nhà vì lo sợ.

"Bạn có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của họ, nhưng tay bạn bị trói", bác sĩ nói, đề cập các gia đình có bệnh nhân bị mắc kẹt tại nhà mà không được điều trị y tế. "Chúng tôi không thể làm được gì".

Bác sĩ này cho biết ông và ít nhất 16 đồng nghiệp đang có triệu chứng tương tự nhiễm virus corona, như nhiễm trùng phổi và ho. "Là bác sĩ, chúng tôi không muốn làm việc khi đã trở thành nguồn lây nhiễm", ông nói. "Nhưng ngay bây giờ, không ai có thể thay thế chúng tôi".

Ông nói thêm rằng tất cả nhân viên y tế không bị sốt vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu. "Điều gì sẽ xảy ra nếu không còn ai làm việc ở tuyến đầu".

Nguồn VNE

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục