PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống diễn biến hoà bình: Vai trò của văn hoá trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Bài 1: Âm hưởng hào hùng
Thứ hai: 00:42 ngày 14/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn hoá nghệ thuật trong quân đội còn góp phần quan trọng phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, phê phán những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân

Giờ sinh hoạt văn nghệ của chiến sĩ Sư đoàn 5 (ảnh chụp trước 27.4.2021). Ảnh: Vũ Xuân Thu

Khi bàn về văn hoá quân sự và vai trò, vị trí của văn hoá trong quân đội, lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) phát biểu: “Hoạt động văn hoá, văn nghệ trong quân đội trở thành vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, văn hoá, góp phần đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Văn hoá nghệ thuật trong quân đội còn góp phần quan trọng phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, phê phán những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân”. 

Văn hoá quân sự thể hiện tư tưởng, triết lý, nghệ thuật quân sự bảo vệ Tổ quốc, phản ánh đời sống tinh thần, xu hướng thẩm mỹ, nhân cách, ý thức, tinh thần “bách chiến bách thắng” của quân đội. Văn hoá quân sự biểu hiện ở tính kỷ luật, tự giác, nghiêm minh, tình đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới; tinh thần nhân văn, nhân đạo, mục tiêu, lý tưởng, chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Trong giai đoạn hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đang xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Đó vừa là sự nhất quán, vừa là sự phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc phát huy các giá trị văn hoá quân sự, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội lên hiện đại là khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Văn hoá của QĐNDVN (văn hoá quân sự) là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được hình thành, phát triển, gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của quân đội, là một bộ phận của nền văn hoá dân tộc, đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn quân, toàn dân. Đặc trưng văn hoá quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân - quân đội nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thực hiện các chức năng: đội quân chiến đấu, công tác, lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị văn hoá của quân đội là tổng thể các giá trị đặc sắc, tiêu biểu trong các hoạt động văn hoá mang bản sắc, âm hưởng hào hùng của lực lượng vũ trang, của chiến tranh cách mạng, của đội quân cách mạng.

Đội quân này từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, viết nên trang sử anh hùng, bất khuất về người lính bộ đội Cụ Hồ, với truyền thống vẻ vang: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vưọt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, trên cơ sở nhận thức sâu sắc về văn hoá và vai trò của văn hoá trong thời kỳ mới, Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị tập trung chỉ đạo, xác định việc phát huy giá trị văn hoá quân sự là vấn đề có ý nghĩa chiến lược với một số nội dung chính yếu. Trước hết, phát huy nhân tố văn hoá quân sự trong việc nâng cao nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo tư duy mới, bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ về mặt tự nhiên - lịch sử, bảo vệ chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, mà còn phải bảo vệ nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sức mạnh của đất nước hiện nay không chỉ sức mạnh của lực lượng vũ trang, đó còn là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ được xây dựng bằng mọi nguồn lực của đất nước và con người Việt Nam.

Sức mạnh hiện nay là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của nội lực kết hợp ngoại lực. Điều đáng chú ý, phương thức bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng có sự nhận thức mới.

Vấn đề bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang ngày càng nổi bật, nhất là khi các thế lực thù địch tăng cường chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Chiến lược "diễn biến hoà bình" nhìn từ góc độ văn hoá là một chiến lược hết sức nguy hiểm, bởi nó sử dụng phương thức “phi vũ trang" là chủ yếu, hoặc bằng “sức mạnh mềm" (thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, viện trợ kinh tế, liên doanh, liên kết) từ đó len lỏi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Theo thời gian, thủ đoạn thâm độc này dần dần thẩm thấu vào tư tưởng, nhận thức của mọi người. Từ đó, làm chuyển hoá quan niệm của cả hệ thống chính trị về hệ giá trị tư tưởng chính trị - văn hoá dân tộc, từng bước đưa hệ giá trị văn hoá phương Tây vào đời sống xã hội của nhân dân ta. Do vậy, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát huy giá trị văn hoá quân sự, góp phần tích cực vào các hoạt động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch từ bên ngoài và những nguy cơ mâu thuẫn từ bên trong.

Tiếp theo, phát huy vai trò của văn hoá quân sự trong giáo dục tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, hành động trong toàn quân. Lòng yêu nước là phẩm chất hàng đầu, mang tính truyền thống của con người Việt Nam, đưọc hun đúc một phần thông qua tác động giáo dục của văn hoá quân sự.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, những câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, hay tuyên bố của vua Quang Trung trước lúc xuất quân đại phá quân Thanh... đã góp phần khích lệ lòng yêu nước của quân và dân ta, khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc. Hai tiếng “đồng bào” đưọc Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thường xuyên, chứa đựng một tố chất văn hoá sâu nặng như một vũ khí sắc bén, một sức mạnh mềm trong suốt quá trình cách mạng.

Bởi vậy, văn hoá quân sự có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ ở mọi thời kỳ. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) lại càng cần phát huy giá trị văn hoá quân sự.

Trong đó, hướng vào bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung giáo dục truyền thống quân sự, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược.

Một trong những nét văn hoá độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc là kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình trong việc sử dụng văn hoá quân sự để đấu tranh ngoại giao, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.

Phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến" của Người như “ngọn đèn pha” soi rọi trên mặt trận ngoại giao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong các cuộc đàm phán với đối phương, văn hoá quân sự Việt Nam đã toả sáng bằng việc kết hợp chặt chẽ, đúng đắn giữa ý chí kiên cường, bất khuất với nhãn quan nhìn xa thấy rộng và tinh thần yêu nước sâu sắc, yêu hoà bình cao cả.

Bằng sức mạnh văn hoá, mạch nguồn văn hoá, chúng ta tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ trong các mối quan hệ quốc tế. Do đó, sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhận đưọc sự ủng hộ rộng rãi của nhiều quốc gia, dân tộc, tổ chức quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Văn hoá quân sự có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ ở mọi thời kỳ. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) lại càng cần phát huy giá trị văn hoá quân sự. Trong đó, hướng vào bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung giáo dục truyền thống quân sự, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục