Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sách giáo khoa lớp 1 - Chuyện sau nửa năm học
Bài 1: Ðâu chỉ chọn “Cánh diều”
Thứ tư: 00:43 ngày 27/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói không quá rằng, năm 2020, ngoài đại dịch Covid- 19, ở Việt Nam, cụm từ “sách giáo khoa Cánh diều” hoặc “sách giáo khoa mới” xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin với vô số đánh giá, bình luận, ý kiến… Ða phần những ý kiến trên báo chí chính thống, mạng xã hội đều vùi dập bộ sách giáo khoa, đặc biệt là sách Cánh diều không tiếc lời.

Học sinh lớp 1, Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A, huyện Châu Thành.

2020-2021 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Một trong những điểm mới nổi bật nhất là có nhiều bộ sách khác nhau. Ngay khi năm học mới bắt đầu, “cơn bão truyền thông” mang tên Cánh diều bất thần ập xuống ngành Giáo dục.

Có thể nói không quá rằng, năm 2020, ngoài đại dịch Covid- 19, ở Việt Nam, cụm từ “sách giáo khoa Cánh diều” hoặc “sách giáo khoa mới” xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin với vô số đánh giá, bình luận, ý kiến…

Ða phần những ý kiến trên báo chí chính thống, mạng xã hội đều vùi dập bộ sách giáo khoa, đặc biệt là sách Cánh diều không tiếc lời. Ðến nay, sau một học kỳ, việc dạy, học ra sao, giáo viên nói gì về chương trình và sách giáo khoa mới... là những câu hỏi thôi thúc chúng tôi thực hiện loạt bài này.

Trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách Cánh diều chiếm ưu thế rõ rệt khi tỷ lệ nhà trường chọn bộ sách này cao hơn hẳn bốn bộ còn lại. Tại Tây Ninh, năm học 2020-2021, tỷ lệ trường tiểu học chọn bộ sách Cánh diều là 95%. Một số nơi tỷ lệ chọn đến 100%, nhưng có đan xen vài môn học của những bộ sách khác. Riêng huyện Châu Thành, các trường có sự lựa chọn những bộ sách khác nhau.

Chân trời sáng tạo

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân- Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành cho biết, năm học 2020-2021, sau khi thống nhất ý kiến, nhà trường quyết định chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 mang tên “Chân trời sáng tạo”, có chất lượng, giấy in tốt, tranh minh hoạ rõ nét, đẹp.

“Bộ sách này hơn sách cũ ở chỗ, phần dành cho kỹ năng nói của học sinh lớp 1 tốt hơn, nói được nhiều tiếng hơn, bởi vì chương trình mới hướng đến phát huy hết khả năng ngôn ngữ của học sinh. Qua theo dõi sự phát triển của trẻ, đến hết học kỳ 1, các cháu đã diễn đạt trọn vẹn một đơn vị câu”- vị Phó Hiệu trưởng cho biết.

Theo phân tích của vị Phó Hiệu trưởng, bộ sách “Chân trời sáng tạo” kế thừa hầu hết những ưu điểm của sách giáo khoa cũ, tức chương trình và sách giáo khoa năm 2000. Ðó là môn Tiếng Việt. Còn các môn học khác thì sao? Phó Hiệu trưởng cho biết, lớp 1 có nhiều môn học nhưng thực chất chỉ có hai môn Toán và Tiếng Việt, vì là môn công cụ nên nhà trường chú trọng nhất đối với hai môn học này, những môn còn lại chỉ có tính bổ trợ để giúp trẻ phát triển toàn diện.

“Môn Toán lớp 1 không hề khó, tôi khẳng định như vậy”- vị lãnh đạo nhà trường quả quyết. “Tôi đã dự giờ nhiều tiết dạy của giáo viên và khá hài lòng với bộ sách. Tôi mong phụ huynh hãy yên tâm. Dù thực lòng mà nói, bộ sách này không phải không có những hạn chế, tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng sách. Ðể biết cụ thể, phóng viên nên trao đổi trực tiếp với giáo viên dạy lớp 1”- cô Thanh Vân đề nghị.

Khi sách giáo khoa vừa được triển khai, dư luận bàn tán, xôn xao, lãnh đạo nhà trường có biết điều này không và có ý kiến gì? Trả lời câu hỏi trên, bà Phó Hiệu trưởng cho biết, thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích nhưng cũng có những ý kiến không có cơ sở khoa học.

“Tôi cho rằng, do sách mới triển khai, nhiều người hoặc thiếu thông tin hoặc thiếu chuyên môn nên có những phát biểu không đúng. Bộ sách cũ không phải không có những hạn chế, vì thế, ngành Giáo dục phải điều chỉnh, bổ sung, sau vài năm triển khai, lúc đó mới hoàn chỉnh.

Tôi thấy, để sách giáo khoa mới phát huy hết giá trị của nó, cũng như thành công của việc đổi mới giáo dục thì giáo viên phải là người tiên phong trong công cuộc đổi mới. Khi giáo viên chịu đổi mới, học sinh sẽ tiếp thu bài, hình thành, phát triển kỹ năng đúng theo ý đồ sư phạm của bộ sách”- cô Nguyễn Thị Thanh Vân tự tin.

Cô Nguyễn Thị Hiếu- giáo viên dạy lớp 1B của Trường tiểu học Bình Phong cho biết, qua một học kỳ, cô nhận thấy, học sinh lớp 1 rất yêu thích môn Toán. “Chúng tôi tải tài liệu, thông tin trên hệ thống của ngành, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là sử dụng màn hình máy chiếu để giảng dạy, học sinh học rất hào hứng”- cô Hiếu cho biết.

Còn môn tiếng Việt, kiểm tra kết thúc học kỳ 1, kết quả thống kê cho thấy đa số học sinh hoàn thành tốt chương trình, so với những năm học trước, số học sinh “chưa hoàn thành” chương trình rất thấp. “Trong quá trình dạy, chúng tôi ghi vào sổ tay những điểm còn bất hợp lý và nhận thấy, sách tiếng Việt “Chân trời sáng tạo” cũng còn những hạn chế, ví dụ một số từ ngữ hơi khó hiểu đối với học sinh miền Nam.

Những lúc như vậy, giáo viên phải dừng lại giải thích hoặc tìm từ ngữ thay thế. Một số bài học trong sách tiếng Việt cũng còn hơi dài so với sách giáo khoa trước đây, điều này có thể gây trở ngại đối với những học sinh có học lực hạn chế”- cô Hiếu cho biết thêm.

Cũng tại ngôi trường này, cả cán bộ quản lý và giáo viên chung một nhận định, điều khác biệt của tinh thần đổi mới trong lần thay sách  này là giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh làm, thầy cô không làm thay cho trò như trước.

Vậy, điều kiện để bảo đảm sự thành công của chương trình, sách giáo khoa là gì? “Ở trường chúng tôi, có một số giáo viên đã lớn tuổi e ngại trước sự thay đổi, buổi đầu cũng gian nan lắm. Nhưng sau một học kỳ, mọi chuyện đã ổn. Chúng tôi muốn nhắc lại, quý vị phụ huynh hãy yên tâm, đừng quá băn khoăn”- Hiệu phó Nguyễn Thị Thanh Vân nói.

Trong giờ học (lớp 1) Trường tiểu học Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Kết nối tri thức

Năm học 2020-2021, Trường tiểu học thị trấn Châu Thành A có 6 lớp, với hơn 200 học sinh. Nhà trường chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Kết thúc học kỳ 1, đại diện nhà trường mạnh dạn đưa những ý kiến, nhận định, đánh giá ban đầu về bộ sách này.

Cô Lê Thị Hồng Thuý- Phó Hiệu trưởng cho biết, thời gian đầu năm học thật sự khó khăn, không chỉ đối với người học mà còn cả giáo viên. “Trước tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, trước bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới, giáo viên không tránh khỏi sự lúng túng” - cô Lê Thị Hồng Thuý thừa nhận.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Hiệu trưởng, chỉ sau khoảng hai tháng, tình hình đã được cải thiện, vì giáo viên, học sinh đã thích ứng được với chương trình và sách giáo khoa. “Ða số học sinh của trường tiếp thu bài tốt, trừ một số ít em, điều này ta phải chấp nhận, thật ra điều này cũng bình thường thôi. Thông tin chúng tôi nhận được thì bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có khó hơn so với một số bộ sách khác, kể cả bộ sách Cánh diều”- cô Lê Thị Hồng Thuý thông tin.

Theo đánh giá của cô Thuý, vì là học sinh thuộc khu vực Thị trấn, điều kiện học hành tốt hơn nên bộ sách này phù hợp. Vậy, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có ưu điểm nào nổi bật? “Sau khi tập huấn kỹ lưỡng, giáo viên có thể lên lớp dạy mà không cần giáo án.

Bộ sách được thiết kế rất hợp lý, xét về phương pháp sư phạm. Tuy vậy, khối lượng kiến thức trong mỗi bài học của bộ sách này hơi nhiều, hơi nặng. Ví dụ, bộ sách khác, một bài học chỉ có từ hai đến ba bài tập thì bộ sách này có bốn bài tập”- cô Lê Thị Hồng Thuý nhìn nhận về phương diện chuyên môn. Xin hỏi thẳng một câu và mong nhận được câu trả lời cũng thẳng thắn: sau một học kỳ, nhà trường, giáo viên, học sinh có thể yên tâm với bộ sách này không? “An tâm.

Giáo viên trường chúng tôi còn nói chỉ ước một điều, sang năm tiếp tục được sử dụng bộ sách này. Chỉ sợ lúc đó, việc chọn sách giáo khoa có sự thay đổi... thì giáo viên phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, tôi lưu ý một lần nữa, dù chỉ trên phương diện ý kiến cá nhân, đó là bộ sách này không thật sự phù hợp với học sinh vùng sâu vùng xa. Tôi chỉ lo ngại điều đó thôi”- vị Phó Hiệu trưởng bày tỏ.

Ðể triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa, cần những điều kiện nào? Lãnh đạo nhà trường cho biết, cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng, ví dụ một phòng học phải có một ti vi màn hình lớn. Nhưng điều quan trọng hơn, quyết định sự thành bại của chương trình, sách giáo khoa chính là đội ngũ giáo viên.

“Giáo viên không được chùn bước. Thời gian đầu khó khăn, nhiều giáo viên thậm chí còn không được ra chơi, không có thời gian lên văn phòng uống ly nước, nhưng nay đã ổn”- vị Phó Hiệu trưởng nhớ lại “thuở ban đầu”. Ðể khắc phục khó khăn, nhà trường giao những giáo viên bộ môn tin học hỗ trợ đồng nghiệp lớn tuổi, thậm chí cả phần soạn giáo án cũng phải chia ra hỗ trợ nhau.

Việt Ðông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục