Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Tinh giản” đảng viên - vì một tổ chức vững mạnh
Bài 1: Câu chuyện xây dựng Đảng ở cơ sở
Thứ hai: 13:56 ngày 25/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài đầu tiên trong loạt bài này ghi lại tâm tư, suy nghĩ, thái độ của một số trường hợp đảng viên có ý định xin ra khỏi Đảng hoặc đã ra khỏi Đảng.

Thạc sĩ Lê Viết Thắng- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh.

Ngày 21.1.2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 28) về “Nâng cao chất lượng đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Sau khi có Chỉ thị 28 cùng các văn bản hướng dẫn khác, ngày 19.9.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về kéo giảm tình trạng đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025 (viết tắt là Đề án 03), với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kéo giảm ít nhất 50% số đảng viên bị xoá tên và xin ra khỏi Đảng so với nhiệm kỳ 2015-2020”.

Nói rằng, gia đình là tế bào của xã hội thì cũng có thể so sánh, mỗi đảng viên là một tế bào của tổ chức Đảng. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống, đảng viên là đơn vị nhỏ nhất của tổ chức Đảng. Không thể có cơ thể khoẻ mạnh nếu “tế bào” không đạt yêu cầu.

Phải nói thật rằng, hiện tượng “nhạt Đảng” không mới và cũng không hiếm nhưng đối với từng cá nhân đảng viên cụ thể, đây là vấn đề ít nhiều có tính nhạy cảm, khá tế nhị vì còn liên quan đến con cái, gia đình… Do vậy, xin phép viết tắt tên nhân vật cũng như địa chỉ cụ thể của họ.

Đảng viên “không phải là ly nước lọc”

Tiếp nhóm phóng viên tại nhà riêng vào một buổi chiều tháng Tám, Thạc sĩ Lê Viết Thắng- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh, hiện giữ chức Bí thư một chi bộ thuộc thành phố Tây Ninh kể, từ khi đảm nhận nhiệm vụ đến nay, chi bộ của ông có một số đảng viên có ý định xin ra khỏi Đảng.

Ông Lê Viết Thắng cho biết, trường hợp đầu tiên có ý định xin ra khỏi Đảng là một cán bộ hưu trí. Sau khi nghỉ hưu và chuyển thủ tục sinh hoạt Đảng về địa phương, người này đến trình diện bí thư chi bộ tại nơi cư trú, sau đó xin nghỉ các cuộc họp định kỳ của chi bộ với lý do “bận việc”. Sau đó, người này có tham gia họp chi bộ nhưng không đều đặn, vắng nhiều.

“Chi bộ quyết định đưa vào diện giáo dục. Số điện thoại, tài khoản mạng Zalo vẫn còn nhưng rất khó liên hệ. Tôi vẫn kiên trì liên hệ, gọi không được, nhắn tin cũng không thấy phản hồi, tôi chụp một số văn bản quy định, Điều lệ Đảng gửi cho người này nhưng vẫn không trả lời.

Tôi báo cáo cấp trên theo quy trình, quy định, có người đề xuất xem xét xoá tên cho xong việc nhưng với cương vị bí thư chi bộ, thật lòng, tôi không muốn xoá tên đảng viên đó. Từng ở trong ngành Giáo dục hàng chục năm, ít nhiều nắm bắt được tâm lý con người, tôi nghĩ, người này chắc chắn có vấn đề”- ông Thắng kể.

Sau đó, ông Thắng tìm đến tận nơi cư trú mới của người đảng viên kia. “Thầy ơi, em sẽ chuyển đi nơi khác, vì gia đình em đổ vỡ, em không muốn làm ảnh hưởng đến chi bộ” - người đảng viên nói với Bí thư Chi bộ Lê Viết Thắng.

“Nghe trình bày như vậy, tôi vẫn chưa tin ngay, phải có điều gì đằng sau sự việc nhưng anh ta chưa tiện nói”- ông Lê Viết Thắng nhận định. Cuối cùng, người này cho biết, một trong những nguyên nhân khiến mình có ý định xin ra khỏi Đảng là vì, lúc bố của anh mất, tổ chức Đảng tại địa phương (ngoài tỉnh Tây Ninh) không lo chu đáo việc tang lễ, dù vị thân sinh có 70 năm tuổi Đảng. Chính vì thế, người này không hài lòng.

Khi rõ ngọn ngành, ông Thắng nói với người này rằng: “Trứng rồng phải nở ra rồng. Chả lẽ chỉ vì lý do như vậy em xin ra khỏi Đảng, liệu ba mẹ ở suối vàng có yên lòng không?”. Sau đó, người này rút lại ý định xin ra khỏi Đảng nhưng xin miễn sinh hoạt theo định kỳ một thời gian để ổn định công việc, sau biến cố gia đình.

Trường hợp thứ hai cũng là một cán bộ nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, người này cũng bày tỏ nguyện vọng xin ra khỏi Đảng để… đi làm rẫy. Bí thư Chi bộ Lê Viết Thắng lại đến tận nhà tìm hiểu thêm, người này cho biết, “cảm thấy chán chán không muốn ở trong tổ chức nữa”. “Tôi nói với người đó rằng, cả một đời cống hiến, giờ nghỉ hưu rồi, cố gắng ở lại, đừng bỏ tổ chức khi không có lý do thật chính đáng. Cuối cùng đồng chí đó rút lại ý định xin ra khỏi Đảng”- ông Thắng thông tin.

Một trường hợp khác cũng đã nghỉ hưu, ban đầu sinh hoạt năng nổ. Người này đươc đào tạo bài bản, có trình độ. Trong một cuộc bình xét, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm, người này được bình xét là một trong số những đảng viên thuộc nhóm xuất sắc nhất. Tuy nhiên, do bị khống chế chỉ tiêu thi đua, người này lọt khỏi top dẫn đầu. Sau cuộc họp một thời gian ngắn, người này đem thẻ Đảng đến trả, với lý do bận công việc, lo làm ăn, kinh tế khó khăn.

“Trong cuộc gặp, tôi nói với đồng chí đó rằng, kinh tế đồng chí không hề khó khăn, ngược lại rất khá giả. Không nên vì một sự cố nho nhỏ, bình bầu danh hiệu thi đua mà xa rời tổ chức. Cuối cùng, đồng chí ấy đồng ý ở lại với Đảng”- ông Thắng liệt kê trường hợp thứ ba có ý định ra khỏi Đảng.

Vạn bất đắc dĩ

Khác với ba trường hợp nêu trên, anh V.V.T (xin viết tắt tên nhân vật) ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, sau thời gian suy nghĩ đã quyết định xin ra khỏi Đảng. Học xong phổ thông, anh V.V.T gia nhập lực lượng dân quân xã và được kết nạp Đảng.

Trong một đợt tuyển quân, anh V.V.T trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau mười tám tháng trong quân đội, anh trở về địa phương lao động sản xuất, lập gia đình. V.V.T vào làm công nhân trong một nhà máy. Tính chất lao động trong dây chuyền sản xuất, ngày giờ nghiêm ngặt theo quy định, anh V.V.T không thể thu xếp được thời gian để họp chi bộ. “Tôi đã cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều trước khi nộp đơn xin ra khỏi Đảng.

Trong quân đội, người lính được giáo dục rất kỹ, rất chặt về công tác tư tưởng đối với một quân nhân. Nhưng xét thấy không thể vắng họp chi bộ mãi, vì như thế ảnh hưởng đến tập thể và cả cá nhân tôi, vì thế, tôi quyết định xin ra khỏi Đảng”- anh V.V.T trò chuyện với nhóm phóng viên sau khi đã cắt đầy một bao cỏ cho đàn bò.

Trong căn nhà cấp bốn mới xây xong, vợ anh V.V.T cho biết thêm, lúc mới xuất ngũ, điều kiện kinh tế khó khăn, anh ấy phải đi làm trong xí nghiệp để lo cho gia đình, không thể thu xếp được thời gian để tham gia các hoạt động của chi bộ, vì thế đành xin ra.

Ông Nguyễn Tấn Thành, một cựu quân nhân, hiện làm Bí thư Chi bộ ấp Trường (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành)- nơi anh V.V.T từng sinh hoạt Đảng, nhìn nhận, hiện đảng viên là quân nhân, lính nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, sau khi ra quân xin ra khỏi Đảng khá nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ những đòi hỏi bức bách của cuộc sống. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ trở về địa phương và tìm công ăn việc làm, phần lớn đều làm trong nhà máy, xí nghiệp, giờ giấc nghiêm ngặt, do đó rất khó thu xếp để tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương.

“Hiện tại có một số người đi làm ăn xa nhưng hằng tháng vẫn về sinh hoạt Đảng theo quy định. Chúng tôi phải tính toán, bố trí thời gian thật hợp lý để các đồng chí ấy tham gia họp chi bộ”- ông Thành nói và cho biết thêm, đối với những trường hợp bất khả kháng, không thể ở lại với tổ chức, dù chi bộ đã làm hết cách, thì đành xoá tên.

Là một cựu quân nhân, ông Thành cũng chia sẻ thêm góc nhìn rất thực tế rằng, được giáo dục tư tưởng, chính trị, nhiều chiến sĩ vào Đảng với động cơ hoàn toàn vô tư, trong sáng. Nhưng khi trở về địa phương, không phải người nào cũng thuộc diện cán bộ hoặc được phân công một nhiệm vụ nào đó tại cơ sở, vì thế việc có người này người kia xin ra khỏi tổ chức cũng có lý do. Đây là điều vạn bất đắc dĩ. Như trường hợp của cựu quân nhân V.V.T, dù không còn đảng viên nhưng là một công dân tốt, chăm chỉ lao động, anh vẫn tham gia các đợt diễn tập quân sự khi địa phương gọi.

Việt Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

“Đảng mạnh từ cơ sở, do đó, theo tôi, người bí thư chi bộ cần thật sự có tâm huyết, trách nhiệm của mình, đừng cho tôi là sáo mòn khi nói điều này, ba trường hợp trong chi bộ tôi phụ trách là một ví dụ. Việc xoá tên, đưa ra khỏi Đảng chỉ thực hiện khi và chỉ khi không thể nào làm khác.

Đảng viên cũng là con người, ai cũng có vấn đề riêng của mình. Đối với những trường hợp đảng viên không còn tha thiết gì với tổ chức, kiểu “lềnh bềnh” thì nên cho họ ra, vì không phải lúc nào số lượng cũng làm nên chất lượng. Số lượng đông nhưng không làm nên sức mạnh của tổ chức Đảng thì không nên cố giữ lại, quý hồ tinh bất quý hồ đa”- Thạc sĩ Lê Viết Thắng- Bí thư một chi bộ thuộc TP. Tây Ninh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục