Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập - 22 năm vẫn còn dang dở
Bài 1: Chủ trương giảm dần cơ chế bao cấp
Thứ bảy: 03:45 ngày 31/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau thời gian dài áp dụng, thực tế cho thấy, tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế.

Tính từ khi “phôi thai”, manh nha cho đến nay, chủ trương, chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đã được hơn 22 năm. Chừng đó thời gian đã đủ dài để đánh giá, nhìn lại một chặng đường, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Sau thời gian dài áp dụng, thực tế cho thấy, tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế.

Phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập vẫn hoạt động bằng ngân sách, số lượng đơn vị thật sự tự chủ (về tài chính) chỉ đếm trên đầu ngón tay và tính bền vững về tự chủ của những đơn vị này cũng đang là một dấu hỏi. Nói đến tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, đa số ý kiến vẫn nghĩ rằng đó là tự chủ tài chính.

Cách hiểu này thực ra không sai nhưng chưa đầy đủ. Tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự, tự chủ bộ máy và tự chủ học thuật (đối với cơ sở giáo dục). Vì những lý do khác nhau, chủ đề của loạt bài này cố gắng hệ thống hoá câu chuyện tự chủ tài chính trong ngành Giáo dục và Y tế - hai lĩnh vực có số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều nhất.

Tự chủ và tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được đề cập cách nay hơn 20 năm. Ngày 16.1.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 10 quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

“Thuở ban đầu”

Nghị định số 10 quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp hoạt động có thu do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định thành lập (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp có thu). Các đơn vị sự nghiệp có thu được phân loại như sau: đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí); đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí). Nghị định số 10 không áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam khởi công xây nhà công vụ cho giáo viên xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Các đơn vị sự nghiệp công lập gồm ba ngành nghề là Giáo dục, Y tế và Khoa học công nghệ. Trong đó, đối với ngành Giáo dục, Nghị định số 10 áp dụng cho tất cả cơ sở từ mầm non cho đến đại học, học viện. Mặc dù đã quy định chi tiết về cách thức thu, chi tài chính theo tinh thần tự chủ nhưng trên thực tế, những điều khoản trong Nghị định này gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết.

Lý do: ngân sách hoạt động của nhà trường công lập hoàn toàn do Nhà nước cấp. Mặt khác, tuy quy định về tự chủ nhưng Nghị định số 10 chưa đề cập đến trách nhiệm giải trình của các đơn vị sự nghiệp, điều hạn chế này là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch trong thu - chi tại các đơn vị sự nghiệp được bao cấp ngân sách.

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43, thay thế Nghị định số 10. Trước khi có quy định khác, Nghị định 43 là văn bản pháp lý được biết đến nhiều nhất khi bàn về cơ chế tự chủ. Mục tiêu chính của Nghị định 43 là mở rộng quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm.

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các cơ sở giáo dục đã tạo ra cơ hội để cơ sở giáo dục công lập có thể khai thác và có được các nguồn thu hợp pháp.

Nghị định 43 - diễn đạt một cách nôm na, là khoán kinh phí theo năm tài chính. Ðơn vị nào tiết kiệm được, cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ có thêm một khoản thu nhập chính đáng và hợp pháp. Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng Nghị định 43 vẫn còn có những bất cập.

Trong một cuộc hội thảo về tự chủ giáo dục được tổ chức vào năm 2017 tại Tây Ninh, Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền (Học viện Quản lý giáo dục) đã phân tích, các trường học chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ, Nghị định 43 chưa thực sự khuyến khích các trường có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao hơn.

Ðó là còn chưa kể, việc áp dụng Nghị định 43 thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, nhiều khi ngay trong một tỉnh, thành phố, cách áp dụng nghị định này cũng khác nhau. Nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 43, ngày 14.2.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền, Nghị định 16 có một số điểm mới nổi bật so với Nghị định 43. Trong đó có phân loại đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị- cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển.

Căn cứ vào mức độ tự bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập được chia thành 4 loại: đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Ðiều này có thể diễn giải ngắn gọn là căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị để Nhà nước cấp ngân sách.

Chính sách quy định như vậy, nhưng thực tế, theo Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền, do liên quan đến việc phân cấp quản lý nên hầu như các cơ sở giáo dục triển khai về tự chủ tài chính mỗi nơi một kiểu hoặc có nơi không thực hiện được. Ở đô thị, tính tự chủ cao hơn vùng nông thôn và vùng đồng bằng cao hơn miền núi.

Tại cuộc hội thảo (đã đề cập ở trên), đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thống nhất rằng, khâu đầu tiên để có thể tự chủ trong giáo dục chính là tự chủ tài chính. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng chỉ ra: ở nhiều địa phương, việc giao tự chủ gắn với quyền tăng nguồn thu từ người học, đồng thời, chính quyền lại cắt giảm ngân sách Nhà nước. Mặt khác, việc cấp kinh phí cho cơ sở giáo dục không có sự thống nhất, có địa phương giao kinh phí tính theo đầu học sinh nhưng cũng có nơi căn cứ vào biên chế giáo viên để phân bổ.

Tự chủ để đổi mới

Cũng trong cuộc hội thảo cách nay bảy năm, dẫn báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá X về “thực hiện hợp lý cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo gắn với đổi mới cơ chế tài chính”, Tiến sĩ Ninh Văn Bình (Trường đại học Sài Gòn) bình luận: tự chủ tài chính là nguồn năng lượng để đổi mới diện mạo và chất lượng của cơ sở giáo dục đào tạo.

Nhu cầu tài chính để hoạt động và phát triển của cơ sở giáo dục luôn lớn hơn khả năng bao cấp tài chính của Nhà nước. Chính điều này đã tạo ra cơ chế xin - cho trong giáo dục và cơ chế này đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong quản lý cũng như sử dụng nguồn lực tài chính.

“Giao quyền tự chủ về tài chính cho cơ sở giáo dục sẽ làm cho cơ sở giáo dục sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và có trách nhiệm hơn với nguồn tài chính của mình. Nhà trường sẽ chủ động hơn trong cơ chế thu hút và đãi ngộ những giáo viên có trình độ cao”- Tiến sĩ Bình khuyến nghị.

“Việc chuyển đổi mô hình từ công lập sang ngoài công lập tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ tài chính, quyết định mức thu học phí phù hợp và có chế độ đãi ngộ giáo viên theo đúng năng lực, trình độ.

Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến chất lượng dịch vụ giáo dục tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Những gia đình có điều kiện kinh tế cho con học các trường ngoài công lập có thương hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các trường ngoài công lập tại Tây Ninh, như Trường TH-THCS-THPT IGC Tây Ninh.

Do đó, việc thu hút đầu tư thành lập mới trường ngoài công lập lại dễ thực hiện hơn chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập. Đối với nội dung chuyển trường công ra ngoài công lập, việc này không thực hiện được, vì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 62 yêu cầu không chuyển trường học, bệnh viện công lập ra ngoài công lập.

Mặt khác, về mặt hành chính, chưa có quy định nào cho phép chuyển trường công thành trường tư” - ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục