Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhân quyền, quyền con người và an ninh con người là một lĩnh vực rộng lớn và không kém phần nhạy cảm. Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nhân quyền, dân tộc, tôn giáo nhằm làm mất ổn định nước ta, điều này không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ.
Theo diễn giải của Ban Chỉ đạo về nhân quyền, từ nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, tình hình thế giới diễn ra đầy biến động, phức tạp. Những bất ổn, chiến tranh, mâu thuẫn đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, an ninh, trật tự, sự ổn định và phát triển trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, quyền con người bị xâm phạm, chà đạp nghiêm trọng và cần được bảo vệ. Vì vậy, ngày 10.12.1948, tại Paris (Pháp) Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền liệt kê các quyền cơ bản của con người và đã trở thành chuẩn mực chung về quyền con người cho tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó quy định “không ai phải chịu sự tra tấn hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”.
Sự ra đời của Công ước
Tiếp đó, nhiều văn kiện quốc tế khác cũng đề cập đến quyền không bị tra tấn như: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và hai Nghị định thư bổ sung của công ước này. Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục khác năm 1975, Công ước của châu Âu về nhân quyền năm 1950… lần lượt ra đời.
Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng LHQ thông qua tại Nghị quyết số 3452 ngày 9.12.1975 được coi là cơ sở để xây dựng Công ước chống tra tấn sau này.
Điều 1 của Công ước này nêu khái niệm “tra tấn” như sau: “Bất kỳ hành động nào gây đau đớn và khổ nhục về thân thể hay tinh thần cho một người, do chính các nhân viên công quyền hay một người khác thực hiện theo sự xúi giục hay cho phép của quan chức chính quyền nhằm buộc nạn nhân phải thừa nhận một hành vi là do anh ta gây ra hay thực hiện, hoặc để hăm doạ nạn nhân đó hay những người khác”.
Bản Tuyên bố khẳng định, bất kỳ người nào cho rằng mình đã bị tra tấn hoặc bị đối xử hay trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác bởi hoặc theo sự thúc đẩy của một nhân viên công quyền, có quyền khiếu nại và được xem xét một cách khách quan của các cơ quan có thẩm quyền nhà nước liên quan.
Khi có căn cứ hợp lý để tin rằng một hành động tra tấn như quy định tại Điều 1 đã được thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ quốc gia, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước liên quan phải kịp thời tiến hành một cuộc điều tra khách quan ngay cả khi chưa có khiếu nại chính thức.
Bất kỳ lời khai được xác lập là kết quả của tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác không thể được viện dẫn làm bằng chứng chống lại người có liên quan hoặc chống lại bất kỳ người nào khác trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào.
Nguyên tắc đạo đức
Ngày 17.12.1979, Đại hội đồng LHQ thông qua các quy tắc ứng xử của cán bộ thực thi pháp luật bằng Nghị quyết số 34/169, trong đó Điều 5 quy định: “Không cán bộ thực thi pháp luật nào có thể áp đặt, xúi giục hay dung thứ bất kỳ hành vi tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người.
Không một ai được viện dẫn lệnh cấp trên hoặc hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng chiến tranh, đe doạ chiến tranh, đe doạ an ninh quốc gia, bất ổn chính trị trong nước hay bất kỳ một tình trạng khẩn cấp nào để biện minh cho việc tra tấn, đối xử hay sử dụng hình phạt khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”.
Tiếp đến, ngày 16.12.1982, Đại hội đồng LHQ thông qua những nguyên tắc đạo đức ngành y, trong đó đề cập tới vai trò của các nhân viên y tế, đặc biệt các bác sĩ, trong việc bảo vệ tù nhân, người bị giam giữ khỏi những hành động tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Theo tinh thần này, “nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ có trách nhiệm chăm sóc y tế cho tù nhân và người bị giam giữ, có nghĩa vụ bảo vệ họ khỏi sự xâm phạm về thể chất và tinh thần và điều trị cho họ với chất lượng và tiêu chuẩn như đối với người không bị tước tự do”.
Và, “sẽ ngược lại hoàn toàn với đạo đức ngành y cũng như sẽ là hành vi phạm tội theo các văn kiện pháp lý luật quốc tế hiện hành nếu nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ, tham gia một cách chủ động hoặc thụ động vào việc tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người với những người bị tước tự do, bất kể với vai trò thực hiện, đồng loã hay xúi giục”.
Trên đây là những văn kiện tiền đề quan trọng trong việc xây dựng và thông qua Công ước của LHQ về chống tra tấn và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Năm 1974, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được đưa vào chương trình nghị sự của phiên họp Đại hội đồng thứ 29 và được đưa lên Uỷ ban xã hội, nhân đạo và văn hoá (còn gọi là Uỷ ban thứ ba) để xem xét.
Sau nhiều năm làm việc và thảo luận, tại Phiên họp lần thứ 39 của Đại hội đồng năm 1984, dự thảo Công ước cùng với bình luận của các chính phủ đã được Uỷ ban thứ ba xem xét. Dự thảo nghị quyết ban đầu đã được tham vấn, chỉnh sửa nhiều lần và cuối cùng được Uỷ ban thứ ba thông qua ngày 5.12.1984.
Ngày 10.12.1984, trên cơ sở đề xuất của Uỷ ban thứ ba, Đại hội đồng thông qua Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46) và để ngỏ cho các quốc gia ký kết.
Công ước có hiệu lực vào ngày 26.6.1987, sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn theo quy định của khoản 1 Điều 27 Công ước, tức là sau khi văn kiện phê chuẩn thứ 20 được lưu chiểu. Trong quá trình thực thi Công ước, Đại hội đồng LHQ cũng thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước chống tra tấn ngày 18.12.2002 (OPCAT) theo Nghị quyết số 57/199.
Nghị định thư không bắt buộc có hiệu lực từ ngày 22.6.2006, thiết lập một hệ thống thị sát định kỳ bởi các cơ quan quốc tế và quốc gia tới các cơ sở giam giữ để ngăn chặn tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác.
Một tiểu ban về phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đã được thành lập để thực hiện các chuyến thăm và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong thực hiện các hoạt động tương tự trong phạm vi quốc gia.
Việc Đại hội đồng thông qua Công ước chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn, là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.
Công ước chống tra tấn đã trở thành một trong 9 văn kiện cơ bản, quan trọng nhất của LHQ về quyền con người. Tính đến ngày 10.10.2024, đã có 174 quốc gia thành viên khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.
Việt Nam thực thi Công ước này như thế nào?
Việt Đông
(còn tiếp)