Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài: Cần được tháo gỡ những vướng mắc
Bài 1: Cửa khẩu chờ cảng cạn
Thứ bảy: 10:11 ngày 14/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc đầu tư và đưa vào hoạt động dự án cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh có liên quan đến yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hiện đại hoá công tác hải quan, giúp việc thông quan được thuận lợi, dễ dàng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan của doanh nghiệp.

Cửa khẩu Mộc Bài- nhìn sang hướng Campuchia.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được định hướng phát triển thành vùng kinh tế động lực của quốc gia, phát triển đầu mối giao thương giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, ASEAN và các quốc gia khác.

Mộc Bài cũng được định hướng trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, hấp dẫn đầu tư và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ các nơi khác đến sinh sống và làm việc... Để đạt được mục tiêu trên, Mộc Bài cần được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kịp thời xử lý những vấn đề tồn tại.

Cảng cạn tạo điều kiện phát triển

Ngày 24.5.2021, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư Cảng cạn Mộc Bài tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Theo đó, dự án đầu tư cảng cạn Mộc Bài lập quy hoạch chi tiết xây dựng có vị trí tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có diện tích 16,52 ha, quy mô lao động khoảng 240 người. Đây là dự án đầu tư khai thác địa điểm kiểm hoá tập trung, cảng cạn ICD và phát triển dịch vụ logistics, kho - bãi có hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

Ngày 27.10.2021, các cơ quan có liên quan và Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh (chủ đầu tư dự án) tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án cảng cạn Mộc Bài.

Theo đại diện Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh, dự án này được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ triển khai thực hiện trên diện tích 6,45 ha (trong đó, diện tích cảng cạn là 5 ha). Giai đoạn 2: 10,07 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 550,25 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn bố trí thực hiện giai đoạn 1 là 250 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 300,25 tỷ đồng.

Cũng theo chủ đầu tư, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án bắt đầu từ tháng 6.2021 đến tháng 5.2022. Giai đoạn triển khai thi công/khai thác: Thi công giai đoạn 1 từ tháng 5-12.2022. Đưa vào khai thác một phần từ tháng 12.2022; khai thác toàn bộ giai đoạn 1 từ tháng 4.2023. Thi công giai đoạn 2 từ tháng 1 đến hết tháng 9.2028, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10.2028.

Xe chở hàng hoá sang Campuchia chờ thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ được khai thác cảng cạn 5 ha. Đồng thời, dự án còn là địa điểm kiểm hoá tập trung, phát triển dịch vụ logistic, kho - bãi với diện tích 11,52 ha, gồm các dịch vụ cho thuê (kho CFS, kho nội địa, kho ngoại quan, kho bảo ôn, kho giữ tang vật, kho tổng hợp); dịch vụ khai thác bãi container hàng - rỗng; dịch vụ kiểm hoá, kiểm dịch y tế; dịch vụ vận chuyển container; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan hàng hoá xuất - nhập khẩu; dịch vụ xếp dỡ; đóng - rút container; dịch vụ bảo trì, sửa chữa và cung ứng nhiên liệu cho phương tiện vận chuyển; dịch vụ máy soi chiếu tia X (phối hợp với Hải quan Tây Ninh); dịch vụ khai thác container rỗng; các dịch vụ logistic khác.

Theo Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh, việc đầu tư xây dựng cảng cạn Mộc Bài phù hợp với Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11.6.2018 của Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những dự án quan trọng góp phần triển khai chuỗi dịch vụ logistics của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ ở khu vực Đông Nam bộ; là hậu phương cho các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh như: Trảng Bàng, Thành Thành Công, Phước Đông, Chà Là, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài trong quá trình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá tại khu vực tỉnh Tây Ninh nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng; góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Đối với khu vực cửa khẩu Mộc Bài, dự án tạo nền tảng hạ tầng đáp ứng về vị trí, diện tích, chất lượng trong việc kiểm soát, giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia; góp phần hiện đại hoá công tác hải quan trên địa bàn tỉnh nói chung và cửa khẩu Mộc Bài nói riêng (vì có khu vực để lắp đặt máy soi chiếu hàng hoá). Cảng cạn Mộc Bài còn là một đối trọng về kinh tế trong khu vực, tăng năng lực cạnh tranh với các cảng cạn tại tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Việc đưa cảng cạn vào hoạt động sẽ làm cửa khẩu Mộc Bài trở thành một trong những cửa khẩu lớn và hiện đại nhất phía Nam trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Hành khách chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài.

Chậm tiến độ

Với những mục tiêu và hiệu quả mang lại, có thể thấy, việc đầu tư dự án cảng cạn Mộc Bài tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng khu vực cửa khẩu này hay của riêng tỉnh Tây Ninh. Nó có tác động tích cực đến quá trình thông thương hàng hoá cùng nhu cầu phát triển các dịch vụ thiết yếu ở cửa ngõ chính dẫn sang các nước khác thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này đã chậm tiến độ so với kế hoạch. Cụ thể, ngày 16.9.2020, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản về việc thoả thuận đầu tư xây dựng cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh. Văn bản này quy định sau 12 tháng kể từ ngày thoả thuận, chủ đầu tư không triển khai đầu tư xây dựng, văn bản sẽ hết hiệu lực.

Đến ngày 22.10.2021, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản về việc gia hạn thoả thuận đầu tư xây dựng cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh. Tại văn bản này, Cục Hàng hải Việt Nam có ý kiến chấp thuận cho Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh tiếp tục thực hiện nội dung thoả thuận đầu tư xây dựng cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày văn bản này phát hành, Công ty cổ phần Tân Cảng - Tây Ninh không triển khai xây dựng công trình, văn bản này sẽ hết hiệu lực.

Theo ghi nhận thực tế, trung tuần tháng 5.2022, khu vực được quy hoạch và triển khai thi công dự án cảng cạn Mộc Bài tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn còn “hoang sơ”. Đây là một vùng đồng trũng đầy nước sau những cơn mưa đầu mùa.

 

Ở thời điểm này, chủ đầu tư tập kết một số phương tiện cơ giới như máy đào, máy ủi để triển khai “dọn dẹp” mặt bằng, đào mương thoát nước. Một nhân viên làm việc tại công trường cho biết, việc bắt đầu thi công vào mùa mưa ở khu vực trũng thấp này gặp nhiều khó khăn, trì trệ.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, các ngành chức năng, cơ quan, đơn vị có liên quan có vẻ khá “sốt ruột” trước tiến độ chậm chạp của dự án này. Trong đó, việc đầu tư và đưa vào hoạt động dự án cảng cạn Tân Cảng - Tây Ninh có liên quan đến yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hiện đại hoá công tác hải quan, giúp việc thông quan được thuận lợi, dễ dàng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan của doanh nghiệp.

Bảo Tâm

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục