Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua cuốn sách của Tổng Bí thư
Bài 1: “Cuộc chiến khổng lồ”
Thứ ba: 22:59 ngày 02/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nội dung cuốn sách thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư.

Nội dung cuốn sách thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư. Cuốn sách ra đời chưa lâu (tháng 2.2023) nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, dù không phải ai cũng có điều kiện hoặc thu xếp thời gian để đọc tác phẩm này.

Hơn 60 năm trước, ngày 5.1.1960, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi nói chuyện tại một cuộc mít tinh trước đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử truyền thống của Đảng.

Bài nói chuyện có đoạn: “Nhưng thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Ngày nay ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong.

Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân…”.

Cuộc đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, bần cùng, lạc hậu để “loại bỏ những gì hư hỏng, cũ kỹ” là cuộc chiến khổng lồ. Cuộc đấu tranh ấy, ngày hôm nay, đang rực lửa hơn bao giờ hết, qua cuốn sách của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuộc đấu tranh nội tại

Trước khi phân tích đoạn văn nêu trên, cần lưu ý, lúc này, chỉ mới một nửa miền Bắc được giải phóng, miền Nam vẫn “nửa mình còn trong lửa nước sôi”.  Nói như vậy để thấy, ngay từ rất sớm, khi hoà bình mới lập lại trên miền Bắc, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng đã nhìn thấy, dự báo trước- như một thiên tài về những vấn đề của thời bình, của công cuộc kiến thiết miền Bắc và sau đó, dồn sức chi viện cho miền Nam…

Trở lại đoạn trích trong bài phát biểu, ý Bác muốn nói, khó khăn của cuộc chiến đấu mới không chỉ ở tầm vóc, quy mô của sự nghiệp xây dựng, mà còn ở chỗ mỗi người phải khắc phục những yếu kém của mình, chiến thắng “giặc ở trong lòng” mình, “giặc nội xâm” ở ngay trong tổ chức của mình. Đó là loại giặc “vô hình, vô ảnh” nhưng rất mạnh. Nó “luôn luôn lẩn lút trong mình ta”, “khó thấy, khó biết”.

“Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng đạn còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn đau xót”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác nhắc nhở lần cuối: Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Thực tế cách mạng chứng minh, “cuộc chiến đấu khổng lồ” ấy lại diễn ra trong những điều kiện mới với những biến động rất to lớn của Việt Nam và của thế giới. Chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường nhưng là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chúng ta hội nhập kinh tế thế giới, thực hiện chính sách đối ngoại mở rộng đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, nhưng giữ vững độc lập tự chủ, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cũng đừng quên rằng, không phải đợi đến năm 1963, ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai đang diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù rất đau lòng nhưng vì sự nghiệp chung, Người đã quyết định không tha một sĩ quan cao cấp phụ trách hậu cần, vì người này phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án này về sau được dựng thành vở kịch có nhan đề “Đêm trắng” - hẳn nhiều người đã biết. Trong bài báo “Tự phê bình” đăng Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28.1.1946, Người tự phê bình và nhận trách nhiệm trước quốc dân: “Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên, vì: “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Vì thế, tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo cũng như có ngọn đèn pha bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm, hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.

Hơn nửa thế kỷ sau, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, diễn ra ngày 12.12.2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thế, thiết thực, hiệu quả. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Như vậy, có thể khái quát, cuộc đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, bần cùng, lạc hậu để “loại bỏ những gì hư hỏng, cũ kỹ” là cuộc chiến khổng lồ. Cuộc đấu tranh ấy, ngày hôm nay, đang rực lửa hơn bao giờ hết, qua cuốn sách của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhan đề: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cấu trúc tác phẩm

Giới báo chí, nhà chuyên môn, các chuyên gia nhìn nhận, tác phẩm của Tổng Bí thư trình bày theo phong cách báo chí, hiện đại, dễ đọc. Sách được chia làm ba phần.

Phần thứ nhất có tên gọi: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” (một số vấn đề rút ra từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam).

Phần này bao gồm bài tổng quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược; bốn bài phát biểu kết luận tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022; nội dung phát biểu kết luận tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Phần hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” gồm 14 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu đổi mới (1986) đến nay và tám bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có những bài được viết từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Phần ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp 96 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, các chính khách, học giả nước ngoài ủng hộ, thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách nhìn nhận, đánh giá chặng đường 10 năm Đảng khởi xướng, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Toàn bộ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực được hệ thống lại trong cuốn sách như là một đáp án trả lời cho câu hỏi vì sao chúng ta phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được mạnh mẽ, quyết liệt như thời gian qua...

Nội dung cuốn sách thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư. Cuốn sách ra đời chưa lâu (tháng 2.2023) nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, dù không phải ai cũng có điều kiện hoặc thu xếp thời gian để đọc tác phẩm này.

Nhiều ý kiến (đã được công bố rộng rãi, báo chí đăng tải) đánh giá, cuốn sách thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư về vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là phòng ngừa từ sớm từ xa, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

Việt Đông

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục