Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để “du lịch Tây Ninh có tên trên bản đồ Việt Nam”
Bài 1: Du lịch ẩm thực - du lịch văn hoá
Thứ hai: 06:36 ngày 16/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn từ khía cạnh phát triển du lịch, văn hoá ẩm thực của Tây Ninh là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, định vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, hấp dẫn du khách đến và trải nghiệm du lịch.

Đảo muối ớt tôm khi phơi. Ảnh: Huỳnh Đông

“Ẩm thực của Tây Ninh đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách, đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch. Nhìn từ khía cạnh phát triển du lịch, văn hoá ẩm thực của Tây Ninh là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn, định vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, hấp dẫn du khách đến và trải nghiệm du lịch.

Xu thế phát triển đa dạng trong nhu cầu du lịch, ẩm thực cần đáp ứng về chất lượng, sự trải nghiệm hay khám phá điều mới mẻ của du khách đối với văn hoá ẩm thực của mỗi vùng miền”.

Ý kiến, góc nhìn, nhận định vừa nêu là của hai tác giả Phan Mạnh Dương và Nguyễn Thị Hảo (công tác tại Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam).

MÓN NGON TÂY NINH

Hai tác giả chuyên nghiên cứu về văn hoá và du lịch nhận thấy, Tây Ninh là vùng đất quanh năm đầy nắng với địa hình đồng bằng xen lẫn cao nguyên, cảnh quan đặc trưng có núi, sông, hồ, rừng và hệ động thực vật phong phú. Đây còn là vùng đất của những món ăn, đặc sản nổi tiếng miền Đông Nam bộ: bánh canh, bánh tráng phơi sương, muối ớt tôm, mắm chua, bò tơ, các món ăn chay...

hững món ăn tưởng chừng như bình dị đời thường nhưng dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân đã trở thành nét văn hoá riêng tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng của Tây Ninh.

Vị trí địa lý, địa hình, nguồn tài nguyên thuận lợi và những sản phẩm ẩm thực độc đáo, Tây Ninh luôn hấp dẫn du khách. Nhiều du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để thưởng thức ẩm thực, tham quan các địa danh và trải nghiệm văn hoá. Được tìm hiểu, thưởng thức những tinh hoa văn hoá ẩm thực của Tây Ninh giúp cho du khách hiểu thêm về con người và văn hoá nơi đây.

Ẩm thực là yếu tố văn hoá được sử dụng nhằm phổ biến tính địa phương và quốc gia ra bên ngoài với mục đích nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế.

Thực tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha... đã sử dụng văn hoá ẩm thực làm hình ảnh quảng bá đất nước, con người đến với mọi nơi, mọi người. Đối với du lịch, ẩm thực là một yếu tố vừa để thoả mãn nhu cầu cơ bản của một chuyến đi, đồng thời, nó kết hợp cùng với các giá trị của tài nguyên du lịch, được quan tâm khai thác để quảng bá văn hoá truyền thống, thu hút khách du lịch.

Chính vì vậy, ẩm thực có vai trò quan trọng, nó luôn hiện diện trong mọi chương trình, kế hoạch quảng bá du lịch, cả nội địa và quốc tế, quyết định đến sự thành công của tour du lịch cũng như ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của điểm đến.

Ẩm thực đóng vai trò yếu tố hỗ trợ phục vụ nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần và trở thành mục đích của chuyến đi, bởi vì, ẩm thực tác động nhanh nhất đến người tiếp nhận.

Những món ăn, đồ uống mang đậm dấu ấn địa phương luôn có sức hút lớn đối với du khách. Việc thưởng thức ẩm thực tại các điểm đến đang là xu hướng trong phát triển du lịch hiện đại; và đó còn là mục đích chính của du khách trước khi họ đặt vé cho hành trình của mình.

Tây Ninh là tỉnh có tính đa dạng vùng miền, cũng như bản sắc văn hoá đa tộc người khá nổi trội, đặc biệt là ẩm thực. Hiện nay, ẩm thực là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt, thành tố quan trọng tạo nên bản sắc và phong vị của vùng đất Tây Ninh cần được quan tâm, phát triển.

“Bánh tráng phơi sương là món ăn đặc sản của người Trảng Bàng, có quá trình chế biến vô cùng công phu, tinh tế. Nguyên liệu chính là gạo, những loại gạo thường có độ dẻo, dai và ít bị hỏng trong khi phơi.

Thưởng thức bánh tránh phơi sương phải có rau sống, nhất là rau rừng Tây Ninh, ăn kèm thịt chân giò vừa có bì dai dai, có mỡ pha nạc để món ăn không bị bở, không bị ngấy.

Ngoài rau sống, thịt heo thì các loại đồ chua, dưa leo, giá, tỏi ngâm chua ngọt, được ăn kèm với mắm nêm, nước mắm ớt tạo ra đủ vị cay chua ngọt mang lại hương vị đặc trưng của món ăn. Muối ớt tôm là thức chấm, là món ăn nổi tiếng của Tây Ninh được nhiều du khách biết đến.

Muối ớt tôm Tây Ninh có vị mặn đều miệng, là sự hoà quyện của các nguyên liệu muối, tôm, thịt, tỏi, ớt... Muối Tây Ninh có nhiều loại khác nhau: muối ớt xanh, muối ớt tôm, muối ớt chay... Muối ớt chay có hai thành phần cơ bản là muối và ớt, khi chế biến thường cho thêm tỏi, đường, bột ngọt.

Muối ớt tuy là món ăn đơn giản nhưng cách chế biến cầu kỳ, công phu trải qua nhiều công đoạn đâm, xay, rang và phải được phơi dưới cái nắng và gió của Tây Ninh để cho ra sản phẩm muối ớt đúng vị truyền thống.

Tây Ninh- vùng đất biên giới nhiều nắng và gió với khí hậu lục địa có phần khắc nghiệt lại trở thành lợi thế đặc biệt để có thể phơi muối quanh năm. Muối ớt tôm Tây Ninh đã trở thành món ngon Tây Ninh nổi tiếng được lòng du khách khắp nơi trong cả nước”- hai tác giả thuyết minh về “món ngon Tây Ninh”.

Tây Ninh - một điểm hành hương và du lịch nổi tiếng của du khách, trong đó có các tín đồ đạo Cao Đài. Tín đồ theo đạo và cả người dân nơi đây thường ăn chay vào những ngày đầu tháng, giữa tháng và cuối tháng nên có rất nhiều quán chay với đủ các món chay nổi tiếng.

Các món ẩm thực chay Tây Ninh được chế biến tinh tế, đẹp mắt, sang trọng, cầu kỳ như cơm hạt sen, vịt tiềm, heo quay, cá chiên, tôm kho tàu, gà xé phay, nem bì chả, mắm chưng, mắm kho, lẩu mắm chay, mắm Thái chay, món nướng lá lốt, gỏi thập cẩm chay, cà ri chay...

Ẩm thực chay Tây Ninh thực sự chinh phục thực khách sau khi thưởng thức nghệ thuật nấu món ăn chay là nét tài hoa của người nghệ nhân: món chay nhưng nhìn như món mặn, chỉ khi ăn vào miệng mới phân biệt được, tạo cho người thưởng thức sự thích thú, mê say. Ngày 12.1.2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật chế biến món chay của Tây Ninh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

LOẠI HÌNH DU LỊCH MỚI

Theo các nhà nghiên cứu về văn hoá, cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch mới. Mặc dù ẩm thực thuộc phạm trù văn hoá, song do tính đặc thù và hữu ích của nó nên cần tách thành loại hình riêng, không nằm trong du lịch văn hoá.

“Cần chú trọng giá trị của ẩm thực vùng kết hợp với ẩm thực đặc trưng của Tây Ninh để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực cho hợp với tình hình địa phương. Khai thác và phát triển toàn diện về du lịch văn hoá ẩm thực, không chỉ giới hạn trong các món ăn, thức uống, nhà hàng, hội chợ, tuần văn hoá mà cần lưu ý cả nguồn gốc ẩm thực; các công đoạn chế biến các món ăn; các khía cạnh về lịch sử, ứng xử liên quan đến văn hoá ẩm thực Tây Ninh.

Trên cơ sở đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần xây dựng kế hoạch, các tài liệu thuyết minh quảng cáo chi tiết từng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng một số loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến văn hoá ẩm thực Tây Ninh”- hai chuyên gia nghiên cứu về văn hoá khuyến nghị.

Thực tế cho thấy, hoạt động khai thác các yếu tố thuộc về văn hoá ẩm thực để thu hút khách du lịch chưa được tiến hành một cách có hệ thống. Các hoạt động khai thác và sử dụng các yếu tố văn hoá ẩm thực vẫn đang dừng lại ở mức độ thấp, thường chỉ được lồng ghép trong các hoạt động xúc tiến du lịch nói chung.

Vai trò của văn hoá ẩm thực trong phát triển du lịch có thể nói còn bị xem nhẹ, chưa có chủ trương, kế hoạch chiến lược cụ thể trong triển khai thực hiện. Văn hoá ẩm thực luôn được coi là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn được quan tâm để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức của du khách.

Du lịch ẩm thực còn thoả mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá nghệ thuật ẩm thực. Cùng với sự phát triển kinh tế, ẩm thực không chỉ mang lại giá trị vật chất thông thường mà nó còn mang giá trị văn hoá, đóng vai trò quan trọng trong giao lưu và quảng bá văn hoá, gắn với phát triển kinh tế du lịch của mỗi địa phương.

Ngày nay, du lịch ẩm thực là loại hình du lịch văn hoá, qua đó, du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống mà cả các trải nghiệm bản sắc văn hoá, cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến qua câu chuyện của từng món ăn, đồ uống đó.

Trải nghiệm, thưởng thức các món ăn, đồ uống, du khách được hoà mình và cảm nhận giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất Tây Ninh một cách sinh động và chân thực. Bên cạnh các yếu tố có thể làm thoả mãn nhu cầu của khách như thời tiết, dịch vụ lưu trú, phong cảnh tham quan, ẩm thực cũng góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho chuyến đi của khách du lịch.

Ngoài yếu tố tạo sức hấp dẫn, ẩm thực còn đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là tạo dấu ấn khác biệt giữa các điểm du lịch và các vùng văn hoá. Mối quan hệ giữa văn hoá ẩm thực và du lịch là mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu sắc.

Với khách du lịch, ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong hành trình mà còn là cơ hội để khám phá văn hoá, phong tục, tập quán và thẩm mỹ của người dân địa phương. Những giá trị, nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực chính là điều kiện tiêu biểu và là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Tây Ninh.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục