Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ mùa thu 1945 đến mùa xuân 1975, cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc mãi mãi là mốc son chói lọi, là bài học về dựng nước và giữ nước, dù lịch sử hôm nay đã sang trang.
Những ngày này của gần 50 năm trước, sau 30 năm trường kỳ kháng chiến, xa hơn, sau 117 năm (kể từ ngày 31.8.1858) dấu giày của đội quân xâm lược phương Tây đặt chân lên mảnh đất hình chữ S, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn thống nhất “từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Từ mùa thu 1945 đến mùa xuân 1975, cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc mãi mãi là mốc son chói lọi, là bài học về dựng nước và giữ nước, dù lịch sử hôm nay đã sang trang.
Binh lính Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16, Lữ đoàn 2 của Mỹ khiêng một đồng đội tử trận ra khỏi rừng, sau trận chiến ác liệt với Quân giải phóng trong trận càn Junction City, Bắc Tây Ninh, ngày 4.6.1967. Ảnh tư liệu
Binh lính Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16, Lữ đoàn 2 của Mỹ khiêng một đồng đội tử trận ra khỏi rừng, sau trận chiến ác liệt với Quân giải phóng trong trận càn Junction City, Bắc Tây Ninh, ngày 4.6.1967. Ảnh tư liệu
Năm 1985, đúng 10 năm kể từ ngày “đất nước trọn niềm vui” thống nhất, bộ phim tài liệu có tên gọi “Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày” của tác giả, nhà báo Michael Maclear phát sóng tại Canada trên Đài truyền hình CBC cùng một số kênh truyền hình ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Thông tin được công bố rộng rãi cho biết, Maclear đã đến thăm Việt Nam trong quá trình sản xuất loạt phim và được tiếp cận các tài liệu về phim ở đó. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên được phép đến thăm khu vực đó kể từ sau chiến tranh. Bộ phim tài liệu gồm 13 tập, mỗi tập dài gần một tiếng đồng hồ, tái hiện sinh động về chiến tranh Việt Nam, đưa ra chính kiến của các bên liên quan, trong đó có cả người Mỹ và người Pháp.
Vài nét về một bộ phim tài liệu
“Vietnam - The ten thousand day war” - “Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày”, bộ phim tài liệu chuyển tải khá đầy đủ về chiến tranh Việt Nam trong 30 năm. Tháng 4.2005, Đài Truyền hình Việt Nam lần đầu tiên phát sóng bộ phim nói trên và tháng 4.2010, Đài truyền hình Việt Nam phát lại trên sóng VTV1. Dài 13 tập, có thuyết minh tiếng Việt, “Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày” như một thiên sử truyền hình về cuộc chiến ở Việt Nam trong 30 năm bởi những tư liệu phong phú, đa chiều, cùng những cuộc phỏng vấn của chính những người từng tham chiến. Tập 1 của bộ phim này có tên gọi “Người Mỹ ở Việt Nam”, tập 13 (tập cuối) có tên gọi “Những người lính không được chào đón”: Người dân Mỹ đón 2,8 triệu cựu chiến binh Mỹ từ Việt Nam trở về bằng sự im lặng, hội chứng chiến tranh Việt Nam đã ám ảnh cựu binh Mỹ...
Phóng viên Michael Maclear- tác giả chính của bộ phim, sinh năm 1929 tại London, bắt đầu sự nghiệp ở Canada năm 1954. Tác phẩm đầu tiên của ông được phát trên sóng truyền hình Canada trên cương vị là nhà văn, phóng viên. Năm 1961, ông trở thành một phóng viên quốc tế. Năm 1969, ông là phóng viên phương Tây đầu tiên được phép đưa tin từ miền Bắc Việt Nam. Những phóng sự của ông về đám tang Hồ Chủ tịch, những trận đánh bom tàn khốc của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam được chuyển tới các kênh truyền hình của hơn 90 nước trên thế giới. Thời báo New York đã đặt ông viết rất nhiều bài báo về chiến tranh Việt Nam.
“Không tô vẽ, thêm bớt, hãy để những thế hệ sau xem và tự đưa ra những phán xét, đánh giá của riêng mình”- M. Maclear phát biểu trong cuộc họp báo ra mắt phim tại Canada năm 1985. Ông khẳng định không muốn đưa vào bộ phim quan điểm phản chiến của mình. Nhưng khi xem toàn bộ 13 tập phim, khán giả không khó nhận ra “Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày” nói về cuộc chiến tranh hết sức sai lầm, phi nghĩa của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam. Người viết kịch bản, lời bình và phỏng vấn trong 13 tập phim là ông Peter Arnett - phóng viên lừng danh của CNN, được cả thế giới biết tên trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991... “Việt Nam - cuộc chiến 10.000 ngày” còn được hoàn thành với sự cộng tác của Điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đầy khốc liệt giành hoà bình, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam kéo dài trong 10.000 ngày tái hiện trên sóng VTV bằng cái nhìn của một nhà làm phim phương Tây.
“Chúng tôi có một quyết tâm sắt đá”
Trong phần đầu tập 13 (tập cuối) của bộ phim, một người lính Mỹ trở về từ Việt Nam phát biểu với phóng viên: “giá như chúng ta đừng tham chiến”, và chính người lính này bày tỏ sự ân hận về những việc làm của mình tại Việt Nam. Một người lính Mỹ khác (cũng trong tập 13) bày tỏ: “Những em gái này, những người phụ nữ này, những người dân vô tội, rõ ràng, chúng tôi đã gây ra cho họ bao nhiêu là tội lỗi. Chúng tôi đã tràn qua, để lại trong ngôi nhà (của người dân miền Nam Việt Nam) nhiều sự sát hại. Thế nhưng, bộ máy tuyên truyền của chúng ta (nước Mỹ) đã đưa ra nhiều luận điệu để lừa gạt dân chúng. Rõ ràng, ở Việt Nam, chẳng có ai động chạm đến nước Mỹ của chúng ta cả. Do vậy, để sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng tôi đã phạm phải, chỉ có một cách là, rút hết quân đội của chúng ta ra khỏi xứ sở này”. “Phải chấm dứt chiến tranh. Chấm dứt chiến tranh. Người dân Việt Nam yêu nước, yêu thương xứ sở của họ”- một cựu binh Mỹ phát biểu. “Tại Việt Nam, chúng tôi phải đối đầu với những động cơ mạnh mẽ, bộ óc tỉnh táo của Hà Nội bằng lực lượng yếu đuối - nguỵ quân ở miền Nam. Tôi không nghĩ tôi là người thua trận. Chính nhà nước của tôi mới là người thua trận”- một cựu quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với phóng viên trong những phút cuối cùng tập 13 của bộ phim tài liệu.
Trong phim, trả lời nhà báo phương Tây, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu nói: “Chúng tôi buộc phải chịu hy sinh, phải làm tất cả để thích nghi với hoàn cảnh gian khổ của chiến tranh. Chúng tôi rất căm giận đế quốc Mỹ và chúng tôi có chung một quyết tâm sắt đá. Chúng tôi không thể nào thất bại trong cuộc chiến tranh này”. Những ai có điều kiện đọc, theo dõi, tìm hiểu về quá trình đấu trí trên bàn đàm phán tại Paris, không thể không biết những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các bên, trong đó có nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Ông nói: “Thử hỏi Mỹ có quyền gì mà đem quân vượt cả nửa vòng trái đất sang xâm lăng Việt Nam? Pháp luật nào cho phép Mỹ do thám và ném bom bắn phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nước độc lập và có chủ quyền? Thử hỏi Chính phủ Mỹ có để cho bất cứ một nước ngoài nào cho máy bay xâm phạm không phận của Mỹ để do thám mà không đối phó không? Còn về lập luận của Mỹ về việc bảo đảm an toàn cho quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thì vấn đề phải đặt ra như thế này: Chính phủ Mỹ đưa quân đội của họ xâm lược và chiếm đóng phi pháp miền Nam Việt Nam, thì họ phải chịu trách nhiệm về việc họ đã đẩy các binh lính của họ vào cái chết vô ích trong một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cho nên cách bảo đảm an toàn tốt nhất cho các lực lượng đó là chính quyền Nixon hãy chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và nhanh chóng rút hết và vô điều kiện tất cả quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam”.
“Chúng tôi liên tục phải buồn rầu khi khám phá ra rằng tinh thần lý tưởng và tận tuỵ chủ yếu lại là thế mạnh của đối phương. Người lính Mỹ thường xem sự thiếu ý chí tiến công của các lực lượng VNCH là mục tiêu chế giễu bất tận. Anh ta trở nên thù ghét “Charlie”, biệt danh lính Mỹ đặt cho du kích quân giải phóng, nhưng rồi anh ta cũng phải kính nể sự can đảm và khôn ngoan của quân giải phóng. Một tướng lãnh Mỹ đã bày tỏ sự kính nể khác thường đối với một du kích Quân giải phóng, người đã cầm chân cả một đại đội bộ binh Mỹ suốt một tiếng trong khu rừng phía Bắc Sài Gòn. Anh du kích này là người sống sót cuối cùng của nhóm cố thủ một công sự chiến đấu. Anh ta bắn hết đạn của mình, đạn của các đồng chí đã chết, và ném trả lại người Mỹ những trái lựu đạn mà họ đã thảy vào công sự. Sau cùng anh ta đã bị giết khi đang ném đá về phía quân thù như một hành động thách thức cuối cùng. “Nếu một trong những lính của tôi chiến đấu như thế này”, ông tướng nói, “hẳn anh ta đã được tặng Huy chương Danh dự”.
Tôi không thể không lo nghĩ rằng, trong việc tiến hành cuộc chiến này, chúng ta đang tự làm mình suy đồi. Khi nhìn những thôn xóm bị bom đạn bình địa, những trẻ mồ côi ăn xin hay trộm cắp trên đường phố Sài Gòn và những đàn bà và trẻ con bị bom napalm đang nằm trên giường bệnh, tôi lại tự hỏi liệu nước Mỹ hay bất kỳ nước nào khác có quyền gây ra sự đau khổ và khốn cùng cho dân tộc khác vì những mục đích của riêng mình hay không?”
(Trích bài viết của nhà báo Neil Sheehan đăng trên tờ New York Times, số ra ngày 9.10.1966, Lê Sơn biên soạn, đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam năm 2018)
Việt Đông
(Còn tiếp)