Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Văn hoá công vụ trong cải cách hành chính
Bài 1: Giá trị tạo nên niềm tin
Thứ sáu: 00:41 ngày 04/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xây dựng văn hoá công vụ nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân quét mã QR khai báo y tế. Ảnh: Phương Thảo

UBND tỉnh vừa phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025. Dịp này, cùng bàn luận về văn hoá công vụ, vai trò của văn hoá trong cải cách hành chính để từ đó xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ.

Trong một phát biểu cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá về vai trò của văn hoá, yếu tố văn hoá trong cải cách công vụ, cải cách hành chính như sau: “Xây dựng văn hoá công vụ là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Xây dựng văn hoá công vụ nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức.

Văn hoá công vụ chính là những giá trị để tạo nên niềm tin, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu chính của nền hành chính là phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có xây dựng văn hoá công vụ trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nghị quyết nêu rõ: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”.

Tiếp theo đó, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW” của Bộ Chính trị yêu cầu: xác định rõ xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế...

Có điều kiện theo dõi lĩnh vực cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính sẽ thấy, chủ trương, chính sách trên đã được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Ví dụ: Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định về “văn hoá giao tiếp nơi công sở” (Điều 16) và “văn hoá giao tiếp với nhân dân” (Điều 17).

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27.12.2018 phê duyệt Đề án Văn hoá công vụ, xác định rõ mục tiêu “nâng cao văn hoá công vụ góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”.

Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15.7.2021), trong đó nêu rõ quan điểm “cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại”.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2.9.2021 về “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”, trong đó chỉ đạo rõ cần phải “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân”.

Như vậy, có thể khẳng định, những chủ trương, chính sách nêu trên đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý căn bản, cần thiết góp phần triển khai thực hiện văn hoá công vụ trong các cơ quan, tổ chức. Nhà nước ta luôn nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam, trong đó có xây dựng, nâng cao văn hoá công vụ, hướng tới mục tiêu “xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân” mà Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đều tích cực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về xây dựng văn hoá công vụ đã đạt được kết quả bước đầu.

Lề lối, phương thức làm việc trong các cơ quan, tổ chức từng bước được đổi mới theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiện đại và hiệu quả. Các cơ quan đã rà soát, sửa đổi hoặc ban hành quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc.

Cơ quan, tổ chức tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ công chức và người lao động, nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, phiền hà người dân và doanh nghiệp. Đến nay, hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử.

Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cơ quan, tổ chức tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công sở, giao ban, hội nghị, hội họp... để bảo đảm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được duy trì bình thường, thông suốt.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đa số cán bộ công chức giữ vững phẩm chất đạo đức công vụ, gương mẫu, đoàn kết trong nội bộ, tuân thủ quy định về thời gian làm việc, nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần đẩy nhanh tiến độ nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc trên các lĩnh vực công tác; khắc phục một bước tình trạng chậm trễ gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ. Trong giao tiếp với người dân cũng như quan hệ hợp tác, hỗ trợ với đồng nghiệp, phần lớn cán bộ công chức luôn giữ tinh thần, thái độ lịch sự, hoà nhã. Nhiều cơ quan bố trí hòm thư góp ý tại bộ phận Tiếp nhận, trả kết quả và công khai số điện thoại để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị về thái độ phục vụ của cán bộ công chức.

Một số cơ quan, tổ chức còn thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ công chức nhằm cải thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ, đặc biệt là công chức trực tiếp thực hiện giao dịch hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Qua đó, bước đầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Công sở, trụ sở làm việc từng bước được xây dựng văn minh, lịch sự, hiện đại. Nhiều công sở được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp khang trang, có cảnh quan, môi trường làm việc tốt. Nhiều bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển chính phủ điện tử. Tính đến tháng 7.2020, 97% số bộ, cơ quan ngang bộ và 91% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối với mạng; 86,36% số bộ, cơ quan ngang bộ và 93,65% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm dữ liệu. 

Từ  số liệu vừa nêu, có thể khẳng định, các giá trị của văn hoá công vụ đã từng bước hình thành, phát triển, lan toả, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công vụ xây dựng văn hoá công vụ.

Nhìn nhận toàn diện, thấu đáo, sòng phẳng thì ngoài kết quả đã đạt được, xây dựng văn hoá công vụ ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hoá công vụ trong một bộ phận cán bộ công chức chưa thật sự đầy đủ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hoá công vụ trong các cơ quan Nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc, mang tính đối phó. Chính vì vậy, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức chuyển biến chậm, thiếu ý thức tu dưỡng và bộc lộ yếu kém trong giao tiếp, ứng xử. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa có thái độ tôn trọng, hoà nhã với người dân, thiếu thân thiện, thiếu hợp tác với đồng nghiệp.

Phương thức, lề lối làm việc ở một số cơ quan, tổ chức chưa thay đổi mang tính căn bản, quy trình giải quyết công việc còn kéo dài. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tuy bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, chưa chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên. Trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Việc phát hiện một số vụ việc tiêu cực chưa kịp thời, công tác xử lý cán bộ công chức vi phạm chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

(Còn tiếp)

Việt Đông

Tin liên quan