Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu biên giới, biển đảo cho thanh thiếu nhi
Bài 1: Giáo dục tình yêu biển đảo qua mô hình cột mốc Trường Sa
Thứ hai: 08:23 ngày 27/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà trường và Liên đội sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn Lịch sử, Địa lý tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khoá, hội thi về tìm hiểu biển đảo Việt Nam kết hợp với tuyên truyền tại cột mốc.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vấn đề đang được cả nước ta quan tâm. Trong đó, công tác giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biên giới biển, đảo- đặc biệt là giáo dục cho thanh thiếu nhi- được các địa phương trên cả nước chú trọng. Tại tỉnh Tây Ninh, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai thực hiện nhiều giải pháp, mô hình thiết thực giúp các em hiểu biết về chủ quyền biển, đảo, biên giới của tỉnh nhà, của nước Việt Nam. Qua đó, góp phần bồi đắp, xây dựng tình yêu biển, đảo, quê hương và hình thành nên thế hệ thanh thiếu nhi giàu lòng tự hào dân tộc, giàu tình yêu quê hương, đất nước.

Giáo viên và các em học sinh Trường tiểu học Bàu Năng A tham quan cột mốc đặt tại sân trường.

Cột mốc Trường Sa là biểu tượng của ý chí, quyết tâm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa cột mốc Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung, năm học 2023-2024, Hội đồng Đội huyện Dương Minh Châu triển khai mô hình “Cột mốc Trường Sa” đến với các em thiếu nhi tại 26 liên đội trên địa bàn huyện.

Hiểu hơn về Trường Sa

Đến nay, Hội đồng Đội huyện và các em thiếu nhi đã đi được hơn nửa chặng đường. Có 14 liên đội hoàn thành công tác lắp ráp cột mốc Trường Sa và lắp đặt các bảng tuyên truyền về các đảo nhỏ, đảo chìm xung quanh đảo Trường Sa. Mô hình này không chỉ có ý nghĩa chính trị, góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước cho đội viên, thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Đến Trường trung học cơ sở (THCS) Lộc Ninh, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu vào cuối tháng 4 vừa qua đúng lúc mô hình đang được thực hiện, các em học sinh tự tay lắp ráp mô hình dưới sự hướng dẫn của các giáo viên. Mỗi người một công đoạn, tuỳ theo sức của mình. Các bạn nam lắp đặt bảng tuyên truyền; các bạn nữ dán thông tin về cột mốc Trường Sa và biểu tượng ngôi sao 5 cánh trên lá cờ Việt Nam.

Các mô hình có chiều cao 2,8 m, tổng diện tích gần 2,3 m2, được thiết kế với những đường tròn đồng tâm hướng về cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, thể hiện tinh thần đồng lòng của thanh thiếu nhi hướng về Trường Sa. Ngoài ra, mô hình còn mô phỏng chân thật phiên bản chính với tên nước Việt Nam ở phần đỉnh, thông tin vị trí địa lý về quần đảo được làm đều ở 4 mặt và hình ảnh mặt trống đồng Đông Sơn ở phần chân trụ. Những chi tiết ấy đã tạo nên mô hình cột mốc mang đầy màu sắc văn hoá dân tộc.

Sau hơn nhiều giờ chung tay thực hiện, mô hình cột mốc Trường Sa của Liên đội Trường THCS Lộc Ninh đã hoàn tất. Trước cột mốc thiêng liêng, các em học sinh của trường thêm tự hào về biển đảo quê hương. Lê Hoàng Bảo Ngọc- học sinh 8A2, Trường THCS Lộc Ninh bày tỏ: “Em cảm thấy rất tự hào vì được đóng góp chút công sức hoàn thành một mô hình rất ý nghĩa. Mô hình này giúp chúng em hiểu rõ, nắm bắt các thông tin về vị trí địa lý và chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mô hình còn giúp chúng em xây dựng tình yêu nước, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Sau khi hoàn thành, để mô hình trở nên gần gũi với các bạn đội viên, học sinh, các liên đội tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường đặt cột mốc ở khu vực trung tâm trong khuôn viên trường, thuận tiện cho các em nhìn thấy, quan sát; phân công các đội viên tiêu biểu chăm sóc và bảo quản cột mốc. Qua những hoạt động ấy, mô hình trở nên thật gần gũi, khơi gợi niềm tự hào, tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong mỗi em học sinh.

Thầy Hà Văn Vũ- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lộc Ninh chia sẻ, mô hình cột mốc Trường Sa đã giúp các em đội viên, học sinh tìm hiểu, học hỏi được nhiều kiến thức về quần đảo Trường Sa như: quần đảo Trường Sa của mình có bao nhiêu đảo, có những đặc trưng gì, vị trí địa lý và giá trị kinh tế của quần đảo như thế nào.

Qua mô hình, các em càng có thêm hứng thú để tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam; để các em cảm nhận được rằng quần đảo Trường Sa, biển đảo quê hương không ở đâu xa, mà thật gần gũi, yêu thương. Mô hình được triển khai còn giúp hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong mỗi em đội viên, học sinh, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Các em học sinh tích cực tham gia trả lời câu hỏi kiến thức về cột mốc và quần đảo Trường Sa.

Gần lắm Trường Sa

Ngoài việc lắp đặt mô hình cột mốc, các Liên đội phối hợp với nhà trường thường xuyên thực hiện những buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Tại Trường tiểu học Bàu Năng A, vào tiết sinh hoạt đầu tuần sáng thứ hai, Liên đội đã tổ chức lồng ghép tiết sinh hoạt ngoại khoá, nghe tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, tham gia đố vui kiểm tra kiến thức.

Những cánh tay hăng hái giơ lên tham gia trả lời câu hỏi kiến thức về quần đảo Trường Sa đã phần nào thể hiện được sự hào hứng và niềm vui của các em học sinh khi hiểu hơn về Trường Sa. Em Lê Vũ Ngọc Hân- lớp 5D, Trường tiểu học Bàu Năng A chia sẻ, sau khi được nghe các cô tuyên truyền về quần đảo Trường Sa, em biết được quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Em thấy mô hình rất ý nghĩa, mang đậm tinh thần dân tộc, giúp các em xây dựng được tình yêu quê hương, đất nước.

“Sau khi tìm hiểu về quần đảo Trường Sa, cột mốc Trường Sa và cuộc sống của các chiến sĩ nơi đảo xa, em mong muốn được một lần đặt chân đến đấy để có thể cảm nhận được tình yêu quê hương sâu sắc và khẳng định rằng: chủ quyền hải đảo của nước ta luôn được chúng em ghi nhớ và ra sức bảo vệ”- Ngọc Hân bày tỏ.

Những câu trả lời chính xác sau chỉ một lần xem phim tài liệu về Trường Sa đã thể hiện hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biên giới, biển đảo qua mô hình “Cột mốc Trường Sa”. Ban Giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên rất xúc động khi thấy được niềm tự hào dân tộc được bồi đắp nơi các em.

Cô Nguyễn Kim Phụng- Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Bàu Năng A chia sẻ, sau khi Liên đội lắp đặt cột mốc tại sân trường, các em rất thích và tự động tìm hiểu. Trong các buổi tuyên truyền, học sinh nắm được nội dung mà cô giáo tuyên truyền. Sắp tới đây, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, phong trào gắn với tìm hiểu lịch sử, địa lý, đặc trưng về biển đảo, chủ quyền biển đảo. Mô hình “Cột mốc Trường Sa” được các liên đội thực hiện đã góp phần hun đúc thêm tình yêu đất nước trong các em học sinh; giúp các em thêm yêu biển đảo quê hương, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ. Với tình yêu đó, các em đã tích cực tìm hiểu, học tập và mong muốn được một lần đến Trường Sa.

Giáo viên và các em học sinh trường Tiểu học Bàu Năng A tự hào khi đặt mô hình cột mốc Trường Sa tại khuôn viên trường.

Anh Nguyễn Thanh Hải- Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Dương Minh Châu cho biết, trong năm học 2023-2024, để giúp các em hiểu thêm về vùng biển đảo Việt Nam, Hội đồng Đội huyện triển khai song song mô hình “Cột mốc Trường Sa” và tuyên truyền biển đảo với các hoạt động được thực hiện vào thứ hai hằng tuần. Nhà trường và Liên đội sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn Lịch sử, Địa lý tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khoá, hội thi về tìm hiểu biển đảo Việt Nam kết hợp với tuyên truyền tại cột mốc.

Trong thời gian sắp tới, Huyện đoàn sẽ cùng Hội đồng Đội huyện tiếp tục nhân rộng mô hình “Cột mốc Trường Sa” ra 26 liên đội trên toàn huyện; tiếp tục phối hợp với ban giám hiệu các trường tổ chức các buổi ngoại khoá, chương trình tìm hiểu về biển đảo, quê hương đất nước.

Ngọc Bích - Vi Xuân

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục