Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để các hợp tác xã phát triển bền vững
Bài 1: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Thứ hai: 15:22 ngày 01/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX hoạt động tương đối ổn định, có chiều hướng phát triển. Nhiều HTX nông nghiệp chủ động mở rộng dịch vụ, tăng cường liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần tăng thu nhập cho thành viên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thu hoạch lúa tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Tây Ninh hiện có 185 hợp tác xã (HTX), trong đó, 122 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 29 HTX lĩnh vực công thương và vệ sinh môi trường; 16 HTX giao thông vận tải và 18 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng số thành viên HTX đạt hơn 38.000 thành viên với doanh thu bình quân khoảng 8,7 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/HTX.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX hoạt động tương đối ổn định, có chiều hướng phát triển. Nhiều HTX nông nghiệp chủ động mở rộng dịch vụ, tăng cường liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần tăng thu nhập cho thành viên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình HTX chợ bước đầu đạt hiệu quả và được nhân rộng. Trong lĩnh vực giao thông, các HTX chú trọng đổi mới phương thức tổ chức quản lý, đầu tư phương tiện phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Riêng lĩnh vực tín dụng, dù khó khăn trong việc giới hạn địa bàn hoạt động và phát triển thành viên nhưng các quỹ tín dụng nhân dân vẫn hoạt động ổn định, doanh thu năm 2023 đạt 280 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 33,7 tỷ đồng.

Năm 2017, HTX sản xuất kinh doanh rau sạch và dịch vụ nông nghiệp Cầu Khởi (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu) được thành lập, tuy nhiên, HTX đã trải qua 5 năm hoạt động không hiệu quả. Đến năm 2023, HTX được tái cơ cấu, trong đó sản phẩm chủ lực là sản xuất măng tre.

Ông Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, HTX có 30 thành viên, diện tích sản xuất 30 ha, sản lượng thu hoạch một năm khoảng 700 tấn. Các thành viên được HTX bao tiêu đầu ra nên có thu nhập ổn định. Nhờ kết nối tốt với các đơn vị tiêu thụ, sản phẩm măng tre tươi của HTX được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có những đơn hàng lớn ở miền Bắc. Để thuận tiện cho vận chuyển và bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX đang trồng thêm vùng nguyên liệu ở tỉnh Quảng Trị với diện tích khoảng 20 ha.

Trồng nấm tại một HTX ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.

Hiện nay, hầu hết thành viên HTX đều tăng diện tích sản xuất nên sản lượng tăng so với trước đây, đặc biệt, thời điểm măng rừng vào mùa ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của thành viên. Ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: “Trước đây, định hướng của HTX là sản xuất măng tươi, tuy nhiên, sản phẩm lại không để được lâu. Hiện HTX muốn đầu tư chế biến sản phẩm sau thu hoạch như xây dựng nhà xưởng, trang bị máy sấy, máy luộc măng, từ đó nâng giá trị sản phẩm, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, ổn định thu nhập. Do đó, HTX mong muốn Liên minh HTX tỉnh, các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ, hướng dẫn để được tiếp cận các chính sách, nguồn vốn”.

Bà Võ Thị Thuỳ Linh- Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Dương Minh Châu cho biết, trên địa bàn huyện có 16 HTX, trong đó có 13 HTX nông nghiệp, 2 HTX dịch vụ, 1 quỹ tín dụng nhân dân. Với hình thức sản xuất gắn liền tiêu thụ sản phẩm, HTX vận động thành viên tập trung sản xuất liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, giống và tìm đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, đánh giá về mặt bằng chung, các HTX hoạt động còn yếu, việc phát triển loại hình HTX gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa thực sự hiệu quả. Đầu năm 2023, huyện có 20 HTX, đến nay đã giải thể bắt buộc đối với 5 HTX không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Phần lớn HTX còn lúng túng trong tổ chức hoạt động do quy mô nhỏ, thu nhập và tích luỹ trong đầu tư phát triển thấp, năng lực của cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia vào các chương trình dự án cũng như thụ hưởng các chính sách ưu đãi không đáng kể, chưa kết nối được với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, sản phẩm tạo ra chưa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.

Bà Linh cho biết thêm: “Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ dành cho HTX, nhất là chính sách về tín dụng còn khó khăn, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia vào các chương trình dự án cũng như thụ hưởng các chính sách ưu đãi không đáng kể. Nguyên nhân là việc xây dựng phương án kinh doanh, báo cáo tài chính của HTX chưa đáp ứng yêu cầu thủ tục quy định, không đủ các điều kiện thế chấp tài sản vay vốn nên khó tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức tín dụng”.

Huyện Châu Thành có 31 HTX, đến nay, có 3 HTX ngưng hoạt động và 1 HTX tạm ngưng hoạt động. Đánh giá hoạt động của các HTX trên địa bàn xã nông thôn mới, ông Lê Thanh Vân- Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành cho biết, đa số các HTX có ít vốn, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém, trình độ quản lý điều hành hạn chế, lúng túng trong định hướng xây dựng phương án và giải pháp hoạt động.

Ngoài 2 quỹ tín dụng hoạt động có hiệu quả, phần lớn HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện được hình thành theo cơ chế từ Tổ quản lý thuỷ nông nâng lên thành HTX, hoặc vận động thành lập mới HTX theo tiêu chí số 13- Tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của HTX còn nhiều khó khăn do thủ tục hồ sơ vay phức tạp.

Để HTX phát triển hiệu quả, UBND huyện tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, đặc biệt chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021-2025; chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, thay đổi phương thức quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX trên địa bàn. Chỉ đạo củng cố, nâng cao hiệu quả HTX trên địa bàn, tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá hiện trạng các HTX để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng HTX hoạt động yếu kém, cầm chừng; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả.

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, ngân hàng… cùng với HTX tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong mô hình liên kết, khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế.

Ông Lê Thanh Vân cho biết, địa phương kiến nghị tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, nhất là tạo đầu ra cho rau an toàn, sản phẩm nông nghiệp vì hiện nay các sản phẩm còn tiêu thụ đại trà giá rẻ, chưa vào được hệ thống siêu thị.

Trúc Ly

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh