Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những điểm sáng trong công tác tái hoà nhập cộng đồng
Bài 1: Hiệu quả từ mô hình “4+1”
Thứ ba: 23:42 ngày 11/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mô hình “4+1” góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù hoà nhập với xã hội, tránh việc bỏ mặc, khiến họ quay lại con đường vi phạm pháp luật.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh thu nhận dữ liệu, làm hồ sơ CCCD gắn chip cho người được đặc xá, trước khi trở về địa phương

Việc triển khai sâu rộng công tác tái hoà nhập cộng đồng góp phần quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá có cơ hội làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội, tránh tái phạm.

Những năm qua, Tây Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, trong đó mô hình “4+1” đã phát huy được những hiệu quả tích cực, góp phần phòng ngừa tội phạm.

Trên địa bàn tỉnh, công tác tái hoà nhập cộng đồng phát huy hiệu quả đáng mừng trong việc kéo giảm tình hình tái phạm, tỷ lệ tái phạm đang có chiều hướng giảm (năm 2017: 2,9%; năm 2018, 2019: 1,9%; năm 2020: 1,8%; năm 2021: 2,2%; năm 2022: 1,6%).

Theo Công an tỉnh, mô hình “4+1” ra đời nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, ngăn ngừa họ tái phạm, bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Mô hình được thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện Châu Thành từ năm 2014 sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

Tên gọi của mô hình “4+1” xuất phát từ ý nghĩa của việc 4 thành viên (gồm công an viên hoặc cảnh sát khu vực; tuần tra nhân dân hoặc bảo vệ dân phố; 1 thành viên khối đoàn thể; 1 người có uy tín đối với người chấp hành xong án phạt tù) cùng tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ 1 người chấp hành xong án phạt tù.

Mô hình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, UBND xã, phường, thị trấn, mỗi mô hình đều thành lập Ban điều hành để chỉ đạo, điều hành việc tổ chức thực hiện các hoạt động, phân công 4 thành viên thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, xoá bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân.

Đại diện Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh cho biết, khi triển khai mô hình “4+1”, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được địa phương thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên để xoá bỏ mặc cảm tù tội; được tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp; được hướng dẫn các thủ tục về đăng ký cư trú, cấp đổi căn cước công dân; được tư vấn, giáo dục pháp luật; được vay vốn để trang trải cuộc sống khi họ có nhu cầu…

Từ khi triển khai mô hình, có hơn 3.530 người chấp hành xong án phạt tù được hướng dẫn các thủ tục về đăng ký cư trú, cấp đổi căn cước công dân; 3.140 người được tư vấn, giới thiệu việc làm, xác nhận đơn xin việc làm; 2.580 người được hướng dẫn các thủ tục xoá án tích; hơn 6.750 người được tư vấn, giáo dục pháp luật; hàng trăm người được hỗ trợ vay vốn; 220 người có hoàn cảnh khó khăn được địa phương tặng quà vào các dịp tết.

Đối với những người đang có biểu hiện, dấu hiệu vi phạm pháp luật, có lối sống buông thả, không chịu sự quản lý, giáo dục, địa phương sẽ sớm phát hiện và có đối sách cụ thể với từng trường hợp, có biện pháp động viên, giáo dục để giúp họ tránh xa những tác động tiêu cực, sự cám dỗ, lôi kéo vào hoạt động vi phạm pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Công an huyện đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, mô hình “4+1” được xây dựng ở mỗi xã, thị trấn, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, UBND và Ban điều hành mô hình.

Thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa 4 thành viên mô hình với người chấp hành xong án phạt tù giúp họ thấy được sự quan tâm, gần gũi, động viên, chia sẻ của chính quyền địa phương đối với bản thân, từ đó dần xoá bỏ tự ti, mặc cảm và nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Các thành viên mô hình cũng kết hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định về tái hoà nhập cộng đồng, giúp người chấp hành xong án phạt tù có nhận thức đúng đắn; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để chính quyền địa phương biết, có giải pháp giúp đỡ phù hợp.

Sau một thời gian triển khai, mô hình hoạt động hiệu quả, trong năm 2022 đã quản lý 97 người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, giáo dục, giúp đỡ được 58 người thật sự tiến bộ, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng đủ điều kiện đưa ra khỏi mô hình, còn quản lý 39 người.

Đại uý Võ Châu Thanh- Phó trưởng Công an thị trấn Dương Minh Châu cho biết, để người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương xoá bỏ mặc cảm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm, ngay từ khi những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, Ban điều hành xem xét đưa vào quản lý, giáo dục, giúp đỡ để họ tái hoà nhập cộng đồng.

Các thành viên được phân công giám sát, giáo dục, giúp đỡ gồm trưởng các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...); Cảnh sát khu vực phụ trách khu phố; Ban quản lý khu phố; người có uy tín, có thể gần gũi, giám sát, nói đối tượng nghe. Quá trình xem xét lựa chọn các thành viên làm tổ trưởng, tổ viên để giao phân công giám sát, giáo dục được Ban điều hành cân nhắc phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính.

Công an phát tờ rơi cho người dân về việc chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Các thành viên trong tổ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, phối hợp với gia đình giáo dục, giúp đỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù. Hằng tháng có báo cáo và thông qua cuộc họp ban điều hành đề xuất biện pháp quản lý, giám sát, hỗ trợ cho phù hợp với từng người.

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, Ban điều hành vận động mạnh thường quân hỗ trợ một số người có nhu cầu vốn khởi nghiệp từ 10-20 triệu đồng để ổn định cuộc sống; giúp đỡ định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 45 trường hợp, vươn lên làm người có ích, giảm đáng kể tình hình tái phạm ở địa phương. Đặc biệt, nhờ sự định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ vốn từ mô hình “4+1” đã giúp nhiều anh chị em vươn lên trong cuộc sống và quay lại hỗ trợ cho UBND Thị trấn trong công tác xã hội.

Anh T sau khi chấp hành án về địa phương được mô hình hỗ trợ 15 triệu đồng để khởi nghiệp, với ý chí phấn đấu của bản thân, anh đã vươn lên làm giàu, xây dựng được một công ty xây dựng và san lấp mặt bằng.

Sau khi có điều kiện, anh quay trở lại làm mạnh thường quân tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ UBND Thị trấn giặm vá một số tuyến đường trên địa bàn; là thành viên tích cực đi đầu trong công tác hỗ trợ những gia đình bị cách ly do dịch Covid-19 trong năm 2021.

Mô hình “4+1” góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù hoà nhập với xã hội, tránh việc bỏ mặc, khiến họ quay lại con đường vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Ban điều hành mô hình tiếp tục chỉ đạo các thành viên bám sát những người chấp hành xong án phạt tù để có biện pháp quản lý, giúp đỡ họ trở thành người có ích.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tái phạm của người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần huy động cả hệ thống chính trị, Mặt trận, đoàn thể vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ giữa ban, ngành, đoàn thể ở địa phương- nhất là cấp xã để quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để họ sớm ổn định cuộc sống.

Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quan tâm giải quyết triệt để vấn đề việc làm, tăng cường vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện tiếp nhận lao động là người chấp hành xong án phạt tù, tránh tâm lý kỳ thị, xa lánh; làm tốt công tác vận động quần chúng tích cực tham gia tố giác tội phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Có như vậy, công tác tái hoà nhập mới đạt được hiệu quả như mong muốn, góp phần kéo giảm tỷ lệ tái phạm trên địa bàn tỉnh.

An Đông - Thiên Di

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục