Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Qua khảo sát thực tế của HĐND tỉnh tại các xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số chỉ tiêu, tiêu chí kết quả thực hiện NTM, NTM nâng cao chưa bền vững, việc triển khai thực hiện và thẩm định, đánh giá còn hạn chế, bất cập.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, với mục đích làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thời gian qua, UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách góp phần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tuy nhiên, qua khảo sát của HĐND tỉnh, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, nhiều xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư nhờ Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 30.6.2023, Tây Ninh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 85,9%; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân số tiêu chí xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 18 tiêu chí, đạt 94,7% so với kế hoạch.
Thị xã Hoà Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022; thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu: có 71 xã đạt chuẩn NTM (100%); 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng NTM.
Giai đoạn 2021-2023 vừa qua, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP tăng bình quân hằng năm của tỉnh vẫn duy trì ở mức 5%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.690 USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 còn 0,35%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%; hệ thống điện lưới nông thôn được quan tâm cải tạo và từng bước nâng cấp theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, bảo đảm mỹ quan.
Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 4.237,76km, tăng 1.094,96km so với giai đoạn 2016-2020, trong đó đầu tư xây dựng mới 3.007,55km, cải tạo sửa chữa 1.230,206km.
Nhiều mô hình sản xuất được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành liên kết, sản xuất, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh và bước đầu đạt một số kết quả, đến nay có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn theo quy định; các xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Xã Phước Chỉ phấn đấu đạt chuẫn NTM nâng cao vào năm 2025.
Còn nhiều bất cập, hạn chế
Ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, so với mục tiêu giai đoạn năm 2021-2025, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn chậm, một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế; việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn.
Theo ông Đạt, bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí và mức độ yêu cầu đạt chuẩn, trong đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định tỷ lệ quá cao, chưa sát với thực tế. Do đó, nhiều địa phương đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Qua khảo sát thực tế của HĐND tỉnh tại các xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số chỉ tiêu, tiêu chí kết quả thực hiện NTM, NTM nâng cao chưa bền vững, việc triển khai thực hiện và thẩm định, đánh giá còn hạn chế, bất cập như:
Chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được quản lý sức khoẻ đạt; chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa; chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử chưa thể thực hiện được do hiện trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm thống kê, quản lý tình hình sức khoẻ, bệnh lý của người dân.
Chỉ tiêu về trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Trong đó, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học phải bảo đảm khối phòng học, khối hành chính quản trị; đặc biệt phải có các phòng chức năng, nhà đa năng phục vụ thể dục thể thao. Tuy nhiên, qua khảo sát, hầu hết các trường đã được xây dựng trước năm 2020 hoặc có quy mô nhỏ.
Tuyến đường Lô 6, khu dân cư thuộc tổ 6, ấp Cầy Xiêng (xã NTM Đồng Khởi, huyện Châu Thành) bị ứ đọng nước, được cử tri phản ánh.
Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, thực tế, chỉ 12,1% hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; nhiều nơi chưa có hệ thống cấp nước tập trung, người dân chủ yếu sử dụng giếng khoan, bình lọc nước.
Việc đánh giá tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tại một số xã, thu nhập của người dân tại thời điểm được lấy mẫu cao do phát sinh thu nhập từ việc bán đất.
Về tiêu chí về tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là khá cao, khó khăn trong quá trình thực hiện; kết quả rà soát hộ nghèo một số nơi còn bất cập, chưa đồng nhất giữa các địa phương, một số địa phương chuyển các đối tượng hộ nghèo qua đối tượng được bảo trợ xã hội để giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Bên cạnh đó, đa số các địa phương có thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, hoạt động của các HTX chưa thực sự đạt hiệu quả, do thiếu vốn đầu tư, đất đai, nhân lực có trình độ về làm việc; mặt khác khi lập HTX phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về chứng từ, báo cáo thuế… dẫn đến việc nông dân ngại tham gia, chuyển sang tự sản xuất nhỏ lẻ.
Việc thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã chủ yếu để bảo đảm tiêu chí xét công nhận đạt chuẩn chứ hiệu quả hoạt động chưa cao. Một số địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, khó đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, có ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng.
Đối với chỉ tiêu về tỷ lệ người dân ở xã NTM tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 90% và xã NTM nâng cao từ 95% trở lên, nhiều địa phương thực hiện một cách đối phó như vận động hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân theo thời gian ngắn (3 tháng, 6 tháng) bảo đảm đạt chuẩn trong thời gian xét duyệt của văn phòng điều phối NTM tỉnh, kết quả không bền vững, việc duy trì gặp khó khăn.
Qua khảo sát một số địa phương đã được công nhận xã đạt chuẩn, nhưng quy hoạch được phê duyệt còn chậm hoặc quy hoạch chưa được phê duyệt. Hầu hết các tuyến đường nông thôn được quan tâm đầu tư, cứng hoá đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận chuyển, lưu thông. Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường bị xuống cấp, việc bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa đường giao thông còn hạn chế, việc huy động vốn đối ứng từ người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn kinh phí nhà nước chủ yếu tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn trong năm.
Đồng thời, các trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo theo quy định, nhưng nhiều nơi, cơ sở vật chất xuống cấp, hầu hết các trạm y tế không có bố trí được bác sĩ làm trưởng trạm, mà thực hiện tăng cường bác sĩ luân phiên về công tác theo lịch được thông báo trước.
Về chỉ tiêu về chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom xử lý theo quy định và chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, qua khảo sát của HĐND tỉnh cho thấy các địa phương không thực hiện phân loại chất thải rắn, việc thu gom và xử lý hiện nay chủ yếu trên các trục đường lớn, phần lớn người dân khu vực nông thôn vẫn tự xử lý tại hộ gia đình.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2021 và năm 2022 lần lượt là 16% và 17,8% (trong đó khu vực nông thôn đạt 15%), khá thấp so với tỷ lệ của cả nước (năm 2021 là 26,13%; năm 2022 là 26,44%), lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn còn thiếu và yếu; nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng và đào tạo do thiếu hụt nguồn lao động, lao động sau tuyển dụng phải đào tạo lại vì trình độ không đáp ứng yêu cầu công việc, thiếu tính kỷ luật và thường “nhảy việc”.
Minh Dương
(Còn tiếp)