Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiệu quả từ chủ trương xây dựng trạm cấp nước nông thôn
Bài 1: Không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô
Thứ bảy: 17:46 ngày 04/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 79 công trình cấp nước tập trung nông thôn (công trình), trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý vận hành 73 công trình, UBND xã, hợp tác xã quản lý 6 công trình (riêng khu vực huyện Gò Dầu không có công trình cấp nước tập trung nông thôn).

Hệ thống xử lý nước tại nhà máy cấp nước đô thị Mộc Bài.

Nhu cầu sử dụng nước sạch ở nông thôn tăng

Với tình trạng mạch nước ngầm bị ô nhiễm do sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho người dân luôn được Nhà nước quan tâm. Ngoài khu vực đô thị, cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực vùng nông thôn nhiều năm qua được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Trong đợt nắng nóng gay gắt năm nay, phần lớn người dân trong tỉnh đều có đủ nguồn nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng để sử dụng. Nếu không có những trạm cấp nước sạch nông thôn, mùa khô năm nay, người dân ở những khu vực khó khăn về nước sinh hoạt như xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) hay 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng sẽ phải chật vật tìm nguồn nước sạch để sử dụng cho nhu cầu thiết yếu.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 25.315 hộ dân đang sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó, Trung tâm đang phục vụ nước sạch sinh hoạt cho 24.834 hộ dân khu vực nông thôn (đạt 89,35% số hộ thiết kế), tổng công suất hoạt động là 12.096 m3/ngày.đêm (đạt 52,55% công suất thiết kế). Kết quả trên cho thấy người dân vùng nông thôn ngày càng quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khoẻ.

Hiện nay, giá nước sạch áp dụng cho các hộ dân nông thôn là 10.342,5 đồng/m3. Với mức giá nước này nhìn chung phù hợp với kinh tế của các hộ dân vùng nông thôn, bởi thực tế khối lượng nước sinh hoạt mà người dân khu vực này sử dụng hằng tháng không nhiều. Ngoài ra, tỉnh có quy định giá nước sạch nông thôn cho gia đình có công, các hộ nghèo… tương đối phù hợp. 

Người dân xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng phấn khởi sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước Nhà máy cung cấp nước khu đô thị Mộc Bài cung cấp.

Người dân phấn khởi

Những ngày đầu tháng 5 này, chính quyền địa phương và người dân xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng vô cùng vui mừng khi được sử dụng nước sạch do Nhà máy cấp nước đô thị Mộc Bài cung cấp. Mùa khô năm nay, nhiều người dân xã Phước Chỉ không còn lo chuyện nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, không có nước dùng cho sinh hoạt.

Ông Ngô Văn Minh (sinh năm 1966, ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ) cho biết, trước đây, nước ở vùng đất này nhiễm phèn rất nặng, người dân đào giếng sâu cũng không có nước sạch sử dụng. Từ ngày có nước máy, bà con ở đây có được nguồn nước sạch để dùng. "Mấy năm trước phèn không, không có nước giặt đồ, áo trắng biến thành áo màu vàng. Nay nhờ có nguồn nước từ nhà máy cấp nước đô thị Mộc Bài cung cấp đến nên bà con rất phấn khởi, cuộc sống thoải mái về nước sinh hoạt"- ông Minh hồ hởi nói.

Theo ông Ngô Hồng Giang (sinh năm 1978,  ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ), gia đình sử dụng nước do Nhà máy cấp nước đô thị Mộc Bài cung cấp được khoảng 6 tháng. Nguồn nước sạch giúp ích rất nhiều cho gia đình ông trong sinh hoạt hằng ngày, vì trước đây nguồn nước ở khu vực này nhiễm phèn rất nặng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khoẻ của người dân. "Bây giờ được cung cấp nước sạch sinh hoạt, mọi người trong nhà đều vui mừng, thoải mái, muốn dùng nước lúc nào cũng có"- ông Giang chia sẻ.

Nhà máy cấp nước Cầu Sài Gòn 2 hoạt động đã cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân xã Tân Hoà, huyện Tân Châu vào mùa khô năm nay.

Trưởng ấp Phước Thuận Ngô Văn Bình cho biết, từ lúc có hệ thống nước do Nhà máy cấp nước đô thị Mộc Bài đưa nước về, người dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, cũng còn một số bà con ở ấp chưa có nước máy sử dụng, nguyên nhân đơn vị chỉ thi công hệ thống cấp nước bên cánh Đông, còn bên cánh Tây chưa được thi công. 

Lãnh đạo UBND xã Tân Hoà, huyện Tân Châu khẳng định, chủ trương xây dựng trạm cấp nước tập trung nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trước đây, cứ đến mùa khô, người dân xã Tân Hoà phải mua nước sinh hoạt sử dụng với giá từ 80.000-100.000 đồng/m3, vì khu vực này khó tìm được mạch nước ngầm để khoan giếng.

Năm nay, khi hệ thống cấp nước của trạm cấp nước Cây Khế hoạt động, người dân xã Tân Hoà không còn lo lắng về việc thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Trạm cấp nước suối Bà Chiêm cũng đi vào hoạt động nên gần như phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã Tân Hoà đều được tiếp cận nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khoẻ. 

Tấn Hưng

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục