Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đồng hành cùng giáo dục vùng biên
Bài 1: Lan toả ý nghĩa mô hình “Bếp hồng biên giới”
Thứ năm: 14:49 ngày 28/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao hoạt động chuyên môn cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên có những việc làm thiết thực, đồng hành cùng các đơn vị trường học ở các xã biên giới, vùng khó khăn của huyện, nổi bật là mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn - Bếp hồng biên giới”.

Tân Biên có 44 đơn vị trường học thuộc UBND huyện quản lý. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cơ sở vật chất trường học được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, đời sống cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn ngành từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị vùng biên giới, vùng khó khăn, các xã chưa được xây dựng nông thôn mới - trường lớp chưa thật sự khang trang, sạch đẹp, đường giao thông nông thôn còn sình lầy, một khoảng không gian bê tông hóa sân trường để vui chơi vẫn còn là mơ ước của các em học sinh. Các điều kiện cần và đủ để duy trì hoạt động dạy học và tham gia các phong trào của ngành còn hạn chế, thu nhập của giáo viên không đủ trang trải những nhu cầu cơ bản của đời sống.

Từ thực tế đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Biên xin ý kiến cấp uỷ, UBND huyện và xây dựng mô hình “Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn” từ năm học 2018-2019. Và trong giai đoạn mới thành lập, hoạt động của mô hình chủ yếu tập trung thực hiện các nội dung như góp phần cải tạo cơ sở vật chất trường học, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp; trường học giúp đỡ trường học; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên; hay như hoạt động tổ chức Xuân biên cương vào dịp Tết Nguyên đán…

Lễ khởi công nhà công vụ giáo viên, một trong các dự án của mô hình đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới.

Khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập hành trình gieo con chữ cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn giáo viên công tác tại trường là người từ địa phương khác đến. Với quãng đường dài, có người cả đi lẫn về hơn 150km (trung bình khoảng 80km). Mỗi sáng, hơn 4 giờ thầy, cô đã lên đường đến trường và trở về nhà khi hoàng hôn đã tắt. Bên cạnh đó, đường đi chủ yếu là đường rừng, lỡ xe hư, hết xăng, đau bệnh thì chỉ có ngồi chờ người sau đến giúp.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện quyết tâm san sẻ khó khăn với thầy cô với dự án “Bếp hồng biên giới”. Và bếp hồng biên giới đã chính thức "rực lửa" vào năm 2021.

Với khoảng 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên của các đơn vị trường học thuộc khu vực ấp Tân Khai và điểm lẻ của Trường THCS Tân Lập dạy 2 buổi/ngày, dự án bếp hồng biên giới đã hỗ trợ 1 bữa ăn trưa trị giá khoảng 25.000 đồng/người, 1 năm ước chi phí gần 100 triệu đồng.

Các đại biểu tại buổi ra mắt “Bếp hồng biên giới”.

Cô giáo Bùi Thị Thương- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai cho biết: “Là đơn vị được lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo phân công chịu trách nhiệm bảo đảm bữa ăn cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chương trình “Bếp hồng biên giới” chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì đây là việc làm rất có ý nghĩa, nhằm giúp cho các thầy, cô giáo phần nào giảm được khó khăn, an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà”.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của mô hình “Bếp hồng biên giới” chưa thực hiện được nhiều, nên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã tiếp tục xây dựng kế hoạch mô hình vào năm 2022.

Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Biên Bùi Minh Chánh cho biết, mô hình: Đồng hành cùng giáo dục vùng biên giới, vùng khó khăn – Bếp hồng biên giới được thực hiện xuất phát từ những trăn trở làm thế nào sẻ chia khó khăn để giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa an tâm dạy và học. Chính từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, mô hình đã ra đời và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền, cũng như cán bộ quản lý và giáo viên huyện nhà.

Các thầy, cô giáo đang chuẩn bị bữa ăn trưa tại “Bếp hồng biên giới”.

Với ý nghĩa của mô hình mang lại trong suốt quá trình thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến và triển khai vận động đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng cao của đông đảo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành, nhất là tranh thủ sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài huyện để gây quỹ hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng biên giới, vùng khó khăn nhờ đó cơ sở vật chất trường lớp được khang trang, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao thành tích chung cho ngành Giáo dục huyện.

Tố Tuấn – Oanh Kiều

Tin cùng chuyên mục