Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội
Bài 1: Lịch sử loài người có nhiều mô hình kinh tế khác nhau
Thứ sáu: 06:24 ngày 29/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc, kinh nghiệm của thế giới”. Quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, về các đặc trưng/thuộc tính cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam nói riêng, không ngừng được phát triển và hoàn thiện qua các nhiệm kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII- Tiến sĩ Hà Văn Tác, Học viện Chính trị khu vực II nêu.

Lịch sử xã hội loài người đã trải qua nhiều mô hình kinh tế khác nhau: Nền kinh tế tự nhiên, kinh tế tự cung, tự cấp; kinh tế hàng hoá giản đơn; kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp; kinh tế thị trường. Mỗi một mô hình kinh tế có những nét đặc trưng riêng, có vai trò nhất định đối với sự phát triển của xã hội loài người.

Các đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường gồm: có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; xác lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh lực lượng sản xuất; và nhất là có sự gắn kết giữa kinh tế và xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Vì sao “phải gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” mới thể hiện được tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam? Cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này xuất phát từ biện chứng của mối quan hệ giữa kinh tế (cái kinh tế - mặt kinh tế) và xã hội (cái xã hội - mặt xã hội) của đời sống xã hội. Tuỳ thuộc vào cách thức giải quyết mối quan hệ này trong thực tiễn sẽ quy định đặc trưng, bản chất của một chế độ xã hội, qua đó cho biết chế độ xã hội đó có ưu việt hay không.

Khái niệm kinh tế, hiểu một cách chung nhất, là toàn bộ hoạt động của con người trong quá trình “sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất”, tức quá trình con người sử dụng công cụ lao động do mình sáng tạo ra để biến đổi sản vật tự nhiên thành thức ăn, đồ vật… nhằm thoả mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Ban đầu, loài người sản xuất chỉ để tiêu dùng. Đến khi sản phẩm sản xuất ra không chỉ cho tiêu dùng trực tiếp mà để bán đi, thì hàng hoá xuất hiện. Kinh tế hàng hoá xuất hiện gắn hàng hoá với thị trường, với giá trị trao đổi, hình thái tiền tệ thay cho hình thái hiện vật.

Kinh tế còn được hiểu như một quá trình có các yếu tố cấu thành đó là sản xuất, phân phối trao đổi, tiêu dùng. Trong hình thái tổ chức của nó, kinh tế bao gồm các ngành hoạt động như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải… Nó phản ánh trình độ phân công lao động, chuyên môn hoá và xã hội hoá hoạt động sản xuất.

Kinh tế là một phạm trù động, biến đổi. Cách hiểu truyền thống về kinh tế của người cổ đại là nghệ thuật quản lý gia đình, thành phố, nhưng ngày nay người ta thường chỉ quy về một trong những phương diện của nó là thị trường. Khi đề cập đến thị trường thì các khái niệm như tiền công, giá cả, lợi nhuận, tích luỹ, tiêu dùng, quy luật cung cầu, cạnh tranh… lại được người ta chú ý đến với tư cách là những khía cạnh khác nhau của kinh tế. Kinh tế trong cách hiểu truyền thống còn có nghĩa là sự tiết kiệm. Ý nghĩa này vẫn còn tác dụng trong xã hội hiện đại, khi mà cả tư duy kinh tế lẫn tư duy xã hội đang chuyển hướng sang lý luận mới về phát triển là phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hai quá trình: sự tích luỹ tài sản (vốn, lao động, đất đai) và đầu tư những tài sản này có năng suất hơn. Tiết kiệm và đầu tư là trọng tâm, nhưng đầu tư phải hiệu quả thì mới đẩy mạnh tăng trưởng. Chính sách chính phủ, thể chế, sự ổn định chính trị và kinh tế, đặc điểm địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, và trình độ y tế và giáo dục, tất cả đều đóng vai trò nhất định ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Sự tăng trưởng kinh tế và quá trình phát triển của một quốc gia không đồng nhất. Về căn bản, khái niệm tăng trưởng dùng để chỉ quá trình biến đổi theo chiều hướng tăng lên đơn thuần về lượng; nó không phản ánh quá trình biến đổi theo chiều hướng nâng cao về chất lượng đời sống cá nhân, xã hội. Đây là điểm khác nhau căn bản giữa khái niệm phát triển và khái niệm tăng trưởng. Mặc dù có sự khác nhau giữa tăng trưởng và phát triển nhưng giữa chúng lại có mối liên hệ tất yếu với nhau: tăng trưởng là điều kiện của phát triển và ngược lại, phát triển lại là điều kiện tạo ra những sự tăng trưởng mới, thường là với tốc độ và quy mô lớn hơn. Đó là mối quan hệ có tính quy luật của sự phát triển.

Lịch sử xã hội loài người đã trải qua nhiều mô hình kinh tế khác nhau: Nền kinh tế tự nhiên, kinh tế tự cung, tự cấp; kinh tế hàng hoá giản đơn; kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp; kinh tế thị trường. Mỗi một mô hình kinh tế có những nét đặc trưng riêng, có vai trò nhất định đối với sự phát triển của xã hội loài người.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hoá, nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, tự điều tiết bằng các quy luật cung - cầu, giá trị, cạnh tranh, lưu thông tiền tệ. Thị trường có thể tạo ra động lực, cơ chế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo các điều kiện và nguồn lực vật chất cho phát triển xã hội.

Tuy nhiên, thị trường có những hạn chế, khuyết tật của nó: Một là, những thế lực có ưu thế trên thị trường thường tìm cách tác động chính sách của Nhà nước dẫn tới hình thành nên nhóm lợi ích, giành lấy các cơ hội tiếp cận các nguồn lực có lợi để tối đa hoá lợi nhuận, đe doạ đến lợi ích của các lực lượng ít có lợi thế trong xã hội và với việc lấy phân bổ kết quả sản xuất theo lao động, theo vốn đóng góp, kinh tế thị trường gây nên tình trạng phân cực giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội.

Hai là, trong kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thường ít chú ý đến các hàng hoá và lợi ích công cộng mà chỉ quan tâm làm những gì có lợi nhuận. Ba là, doanh nghiệp thường có xu hướng tìm kiếm, tối đa hoá lợi nhuận nên có thể hy sinh các lợi ích công cộng, thậm chí có những việc làm vi phạm pháp luật. Bốn là, sự vận động tự phát của kinh tế thị trường có thể gây ra các cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc suy thoái, gây nên hệ luỵ khôn lường cả về kinh tế và xã hội.

Chính sách kinh tế là khái niệm để chỉ các hoạt động của nhà nước thực hiện để tác động đến nền kinh tế của quốc gia theo một định hướng và lộ trình trong khoảng thời gian nhất định. Nói cách khác, chính sách kinh tế là kế hoạch hành động của nhà nước nhằm sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ hàng hoá, tạo ra của cải làm giàu cho xã hội.

Về lý luận, đã có các lý thuyết phát triển kinh tế khác nhau, trong đó xem xét các quan hệ nhiều chiều giữa kinh tế với chính trị, kinh tế với xã hội, kinh tế với khoa học - công nghệ, kinh tế với văn hoá… Tuy nhiên, bao trùm hơn cả là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội hay là sự tác động qua lại biện chứng giữa cái kinh tế và cái xã hội.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục