Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu như mong muốn; chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Bên cạnh việc được hỗ trợ vốn, anh N.H.V cũng được địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên.
Một quyết định nhân văn
Thực tế diễn ra trong thời gian qua, đó là người chấp hành xong án phạt tù không dễ dàng tìm kiếm được việc làm ổn định cuộc sống, họ cũng không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, dù đã được xoá án tích nhưng phần lớn những người này phải chật vật mưu sinh, dễ bị bạn xấu tiếp tục lôi kéo, rủ rê. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội.
Nhằm tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng.
Tại Tây Ninh, các tổ chức chính trị xã hội, sở, ngành cũng đã có nhiều chương trình thiết thực giúp đỡ những đối tượng này từ hỗ trợ vốn đến giới thiệu việc làm… Tuy nhiên, chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho người chấp hành xong án tù vay vốn, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người chấp hành xong án tù vào làm việc nên công tác hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, ngày 17.8.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg quyết định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22); có hiệu lực thi hành từ ngày 10.10.2023.
Theo NHCSXH tỉnh, Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù bao gồm 16 Điều và 2 mẫu biểu, trong đó quy định rõ đối tượng thụ hưởng và các điều kiện, quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện.
Việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22, thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Cụ thể, theo Điều 3 của Quyết định 22 thì đối tượng được vay vốn là những người chấp hành xong án phạt tù, bao gồm: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Một buổi giải ngân vốn vay của NHCSXH tỉnh.
Chi phí cho việc học tập, nâng cao trình độ tay nghề; chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là những mục đích được hỗ trợ vay vốn theo nội dung quyết định này.
Đối với cá nhân, vay vốn để đào tạo nghề thì mức tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì mức tối đa là 100 triệu đồng/người. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, tối đa được vay 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quyết định 22 cũng nêu rõ, thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Cụ thể, thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù nhận món vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khoá học, kể cả thời gian người chấp hành xong án phạt tù được các cơ sở đào tạo nghề cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có).
Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do NHCSXH quy định như sau: Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Đối với cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng.
Quyết định 22 được xem là đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người có quá khứ phạm tội; là cánh cửa mở ra một trang mới cho người từng lầm đường lạc lối hoà nhập với cộng đồng.
Tiếp thêm khát khao tái hoà nhập
Tại Tây Ninh, từ năm 2018 đến nay có khoảng 3.000 đối tượng chấp hành xong án phạt tù, trong đó có khoảng 100 đối tượng có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Ngay sau khi Quyết định 22 được ban hành, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến với Nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, Công an các địa phương tiến hành rà soát, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cho vay từ NHCSXH xác định đối tượng và nhu cầu vốn, bảo đảm đáp ứng kịp thời.
Ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Quyết định số 22 thể hiện rất rõ phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế nhất trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được quay trở lại hoà nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ.
"Ngay khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, chúng tôi nhanh chóng triển khai cho vay, tạo điều kiện cho các đối tượng này có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và sớm hoà nhập với cộng đồng và tránh trường hợp vi phạm pháp luật".
Thời gian qua, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dương Minh Châu, để nguồn vốn nhanh chóng đến với đúng đối tượng, phòng giao dịch đã tích cực phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội định kỳ hằng tháng rà soát, lập danh sách những người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn và có đủ điều kiện để cho vay.
Ông Nguyễn Xuân Tần- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dương Minh Châu cho biết, ngay sau khi quyết định được ban hành và có hiệu lực, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với Công an huyện, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nhận uỷ thác làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mới này đến với người dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, NHCSXH huyện thực hiện khảo sát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng theo danh sách cơ quan Công an cung cấp làm cơ sở giải ngân cho vay kịp thời. Đến nay, sau 1 năm triển khai, phòng giao dịch đã giải ngân cho vay 22 trường hợp, với số tiền 1.327 triệu đồng.
Từng lầm lỡ và đã được trở về với gia đình sau thời gian chấp hành án, anh N.H.V, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu chỉ có mục tiêu lớn nhất là cố gắng lao động, sản xuất để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, anh phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn. Do đó, ngay khi Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, anh V mạnh dạn đăng ký vay 50 triệu đồng đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ cho cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy.
"Nguồn vốn này không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà đã thật sự mở ra một cánh cửa mới, cánh cửa hy vọng cho những người lầm lỡ..."- anh V nói.
Vũ Nguyệt
(Còn tiếp)