Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Lê Duẩn - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc trong công cuộc thống nhất non sông
Bài 1: Một thời kỳ lịch sử
Thứ tư: 09:08 ngày 09/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ này đều gắn liền với toàn bộ tiến trình cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta, gắn liền với các mốc son chói lọi nêu trên, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, đồng thời thể hiện tài năng và phẩm cách của một nhà lãnh đạo chiến lược tầm cỡ lớn.

Tháng 4.2007, nhân sinh nhật lần thứ 100 của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt bộ sách Lê Duẩn tuyển tập gồm hai tập, trong đó tập II xuất bản năm 2008. Tập II của bộ sách này đề cập đến sự lãnh đạo và vai trò nổi bật, đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ 1965-1975, giai đoạn cả nước đẩy mạnh phản công trên các chiến trường, tiến tới tổng tiến công giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cùng các cháu thiếu nhi (1968)

Giữa năm 1965, năm đánh dấu sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Đây là thời kỳ Mỹ leo thang chiến tranh đến mức cao nhất, liên tiếp thay đổi chiến lược chiến tranh, cuối cùng phải chấp nhận hoàn toàn thất bại. Đây cũng là thời kỳ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta phát triển tới đỉnh cao, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch, cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ba mốc son chói lọi của thời kỳ này gồm: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, tổng tiến công và nổi dậy với đại thắng mùa xuân năm 1975.

Tài năng, phẩm cách nhà lãnh đạo

“Những tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ này đều gắn liền với toàn bộ tiến trình cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta, gắn liền với các mốc son chói lọi nêu trên, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, đồng thời thể hiện tài năng và phẩm cách của một nhà lãnh đạo chiến lược tầm cỡ lớn”- trích lời giới thiệu của bộ sách Lê Duẩn tuyển tập.

Năm 1965, sau khi Mỹ leo thang chiến tranh, chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua hai Hội nghị lần thứ 11 (tháng 3.1965) và lần thứ 12 (tháng 12.1965) đã phân tích một cách toàn diện chiến lược mới của Mỹ và đề ra chủ trương đúng đắn, chủ động và sáng tạo. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nêu rõ: “Với việc đưa 20 vạn quân Mỹ vào miền Nam, hay rồi đây đế quốc Mỹ có thể tăng quân lên nữa thì tương quan lực lượng vẫn không thay đổi có lợi cho chúng… Địch không thể nào giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam, mà vẫn phải bị động đối phó với những quả đấm ngày càng nặng của quân chủ lực của ta”. Ông khẳng định: “Ta nhất định đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai... Chúng ta nói đánh thắng đế quốc Mỹ hiện nay không phải là đánh bại chính sách sen đầm quốc tế của chúng, đánh bại thực lực quân sự và chính trị của chúng trên thế giới, mà chỉ là đánh thắng chúng trong khuôn khổ và quy mô của cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng đang tiến hành ở miền Nam. Chúng ta cũng không chủ trương về quân sự phải đánh tiêu diệt toàn bộ quân Mỹ, tiêu diệt đến tên xâm lược cuối cùng, hoặc là về quân sự phải quét sạch chúng xuống biển Đông, mà chúng ta chủ trương làm thất bại chính sách xâm lược của chúng, đè bẹp và đánh tan ý chí xâm lược của chúng, làm cho chúng thấy không thể tiếp tục mở rộng và kéo dài chiến tranh xâm lược được nữa và phải chịu thua với những điều kiện nhất định và cuối cùng phải rút khỏi miền Nam nước ta. Do đó chúng ta đề ra nhiệm vụ giành thắng lợi quyết định trong giai đoạn trước mắt của cuộc chiến tranh cũng tức là nêu ra khái niệm giành một bước thắng lợi căn bản trong một tình hình nhất định của cuộc chiến tranh ở miền Nam”.

Về nhiệm vụ của miền Nam, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cả hai mặt trận quân sự và chính trị. Nói kiên trì phương châm đấu tranh vừa quân sự vừa chính trị, cũng tức là khẳng định khả năng tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam vẫn còn tồn tại, mặc dù Mỹ đã và còn có thể tăng quân nhiều hơn nữa vào miền Nam.

“Nổi dậy phố phường, nổi dậy nông thôn”

Về nhiệm vụ của miền Bắc, đồng chí nói: “Chiến tranh đã lan một phần ra đến miền Bắc, đặt cả nước ta trong tình trạng có chiến tranh. Đế quốc Mỹ lại đưa quân Mỹ và quân một số nước chư hầu vào xâm lược miền Nam nước ta thì cả nước phải đánh Mỹ. Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta và nhiệm vụ của miền Bắc tham gia cuộc chiến tranh ái quốc hiện nay đã trở thành một nhiệm vụ trực tiếp”.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 12 và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất, hai năm 1966 và 1967, quân và dân ta đã xốc tới, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch, đồng thời giáng trả đích đáng cuộc chiến tranh phá hoại của chúng chống miền Bắc. Tháng 1.1967, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 quyết định chủ động mở cuộc tiến công địch trên mặt trận ngoại giao. Hội nghị khẳng định: Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc, vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh. Hội nghị đã nêu lên ba phương châm của đấu tranh ngoại giao là phải phát huy thế mạnh, thế thắng của ta; chủ động tiến công địch; giữ vững tính độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị Trung ương 13, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói: “Đấu tranh ngoại giao là sách lược nhưng có tính chất chiến lược”. “Tiến công ngoại giao của ta có sách lược quan trọng là hạn chế chiến tranh ở miền Nam. Nên và vận dụng sức đấu tranh ở ngoài hơn nữa thì có thể buộc địch phải lừng chừng, làm cho bước leo thang của nó khó hơn”.

Nửa cuối năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiều lần họp bàn và sau đó đưa ra Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng l.1968) quyết định về một đòn tiến công chiến lược nhằm chuyển cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Phát biểu tại hội nghị này, trên cơ sở phân tích kỹ thế tiến thoái lưỡng nan và ngập ngừng về chiến lược của Mỹ, vừa thua trên chiến trường vừa đứng trước phong trào phản đối chiến tranh lên mạnh ở Mỹ và lúng túng trong năm bầu cử tổng thống Mỹ, ông nói: “Muốn thắng nó, làm sập nó, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa, có khả năng đè bẹp ý chí xâm lược của nó, làm nó tan rã thật sự, nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta, vì nó thua không còn cách gì khác nữa”.

Về cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn phác hoạ như sau: “Ta hiểu đây không phải là một cú đâu, mà bây giờ chúng ta phải biết ta công kích trên toàn chiến trường, biết khởi nghĩa ngay trong đô thị lớn, biến đô thị lớn, hậu phương của nó thành tiền phương đánh giặc của ta. Ta mở mặt trận mới. Nếu năm ngoái, ta mở mặt trận Trị - Thiên, năm nay ta mở mặt trận mới ngay trong đô thị, mặt trận này dựa vào lực lượng chính trị, quân sự mới, đánh cả trong cả ngoài; mở mặt trận ở trong ruột nó... Mặt trận đó bắt nó phải thua. Mặt trận đó giải quyết nhiều vấn đề từ chính quyền đến lực lượng, từ chính trị đến quân sự, nghĩa là tất cả không phải chỉ đánh ở nông thôn, rừng núi mà đánh ngay trong quả tim nó, trong ruột nó, mà ta làm được việc này, bắt nó phải thua”.

Cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa mà Hội nghị Trung ương 14 và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nêu lên chính là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Chiến thắng vang dội của quân và dân ta đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, gây chấn động mạnh trong dư luận Mỹ và trên thế giới, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn thương lượng với ta tại Hội nghị Paris.

Từ năm 1969 trở đi, trong khi chấp nhận đàm phán với ta, chính quyền Mỹ vẫn âm mưu kéo dài chiến tranh thông qua một chiến lược chiến tranh mới, gọi là chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Cũng từ đó, sự lãnh đạo của Trung ương và đồng chí Bí thư thứ nhất tập trung vào việc đánh bại chiến lược chiến tranh mới ấy của Mỹ.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục