Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hành trình 50 năm non sông liền một dải
Bài 1: Một thời máu lửa
Thứ tư: 08:33 ngày 30/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những nhân chứng lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại vẫn đang ngày đêm cống hiến trí tuệ, tinh thần và sức khoẻ để xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu mạnh.

50 năm đã đi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, nhưng không ai có thể quên được những chiến công oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã hy sinh máu xương mình để giành lại độc lập cho dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Quyết tử giữ quê hương

Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam Bộ, có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng “trung dũng, kiên cường", cùng cả nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngay trong những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh, nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ánh sáng của Đảng đã truyền đến Tây Ninh và các cơ sở đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm, Phước Chỉ lần lượt hình thành.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Tây Ninh ngày càng lớn mạnh, đến tháng 8.1945, cùng với cả nước, Tây Ninh đã giành được chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh tiếp tục cuộc kháng chiến 9 năm đầy “gian lao mà anh dũng" đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ quê hương.

Liên đội 7 truy kích địch trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975 (nguồn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh).

Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tây Ninh là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, nơi trú đóng của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam… Nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, Tây Ninh chiến đấu oanh liệt, lập nhiều chiến tích lớn, góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của Mỹ… xứng danh là miền đất trung dũng, kiên cường.

Núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, giữ vị trí chiến lược trong quân sự. Chính vì vậy, ngay từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã xây dựng trên đỉnh núi một cứ điểm “mắt thần”, có Trung tâm truyền tin tiếp phát sóng liên lạc phục vụ chỉ huy của bộ máy chiến tranh của địch. Là đài quan sát, bao quát cả một vùng rộng lớn, chỉ điểm toạ độ để pháo binh và không quân bắn phá, áp chế các hoạt động của ta.

Xoá sổ cứ điểm này, “bịt tai mắt” của địch sẽ mở rộng được vùng kiểm soát của ta, mở rộng hành lang chiến lược ở hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự tiếp theo. Ngày 20.2.1962, Đội trinh sát được thành lập với quân số 14 người, lấy phiên hiệu A14, do ông Trần Lê làm Chính trị viên. Núi Phụng (thuộc quần thể núi Bà Đen) là điểm xây dựng căn cứ. Mỗi người tự tạo cho mình một cái hang để ở và đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh miền.

Về thăm lại chiến trường xưa, ông Trần Lê, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh, nguyên Chính trị viên của Liên đội 7 chậm rãi kể: Chúng tôi được giao nhiệm vụ lập đài quan sát theo dõi mọi diễn biến hoạt động của địch đánh vào căn cứ của miền, chiến đấu chặn bước tiến của địch; tổ chức mạng lưới quân báo nhân dân để nắm tình hình của địch tại khu vực thị xã Tây Ninh và vùng phụ cận; chuẩn bị đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men để chiến đấu và công tác lâu dài; khi địch đánh hoặc bị bao vây có thể đánh trả, cầm cự tối thiểu được từ một đến hai tháng

Tháng 1.1964, Đội trinh sát được tăng cường thêm 2 tiểu đội, đổi phiên hiệu là C14 và đến tháng 3.1969, C14 được tăng cường 1 trung đội khác, đổi tên là Liên đội 7. Thời điểm đó, Liên đội 7 hoạt động rất mạnh, các hoạt động quân sự của địch như di chuyển bộ binh, xe tăng, xe quân sự, trọng pháo đều bị các chiến sĩ phát hiện. Vì thế, quân địch quyết tâm tiêu diệt căn cứ này bằng mọi giá, tổ chức nhiều trận đánh lên quần thể núi Bà Đen.

“Rạng sáng máy bay B52 của địch thả hàng ngàn tấn bom, bắn pháo cấp tập, sau đó rải chất độc hoá học bao trùm vùng núi. Máy bay trực thăng còn liên tục phóng loa kêu gọi chiêu hồi. 7 giờ cùng ngày, chúng bắt đầu tấn công bằng bộ binh. Khi tốp lính đầu tiên đến sát chân núi, Liên đội 7 nổ súng, hạ 1 xe tăng M113 và diệt phần lớn tốp lính đi đầu, buộc chúng rút lui, tổ chức lại đội hình. Liên tục 3 ngày chiến đấu ngoan cường, quân ta chiến thắng, Liên đội 7 hy sinh 2 người, bị thương 2 người; tiêu diệt 87 tên địch, bắn rơi 3 trực thăng, bắn cháy 3 xe tăng M113, thu được nhiều vũ khí đạn dược và chiến lợi phẩm”– ông Trần Lê kể.

Ông Trần Lê và các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên về thăm lại căn cứ Liên đội 7.

Trong 13 năm bám trụ, với tinh thần quyết tử giữ quê hương, cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 đã đánh hơn 30 trận; tiêu diệt và làm bị thương 1.941 tên địch; bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá huỷ 56 xe quân sự, thu nhiều vũ khí đạn dược và đồ dùng quân sự.

Liên đội 7 còn phối hợp với Tiểu đoàn Trinh sát 47 điều tra nghiên cứu trận địa cụm chốt của Mỹ - nguỵ trên đỉnh núi Bà Đen và cùng các đơn vị bạn tham chiến ác liệt 30 ngày đêm (6.12.1974 đến rạng sáng 6.1.1975), tiêu diệt hoàn toàn cụm chốt của địch. Sáng ngày 7.1.1975, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên đỉnh núi. Từ cao điểm 986m, pháo binh quân giải phóng đã khống chế toàn bộ hoạt động của địch ở thị xã. Đây là chiến thắng góp phần không nhỏ cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam 30.4.1975.

Những ngày tháng 4 lịch sử

Trên cơ sở đánh giá thời cơ “tổng công kích, tổng khởi nghĩa" giải phóng Sài Gòn đã hoàn toàn chín muồi, “ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều". Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là: Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình; phải tổ chức đánh địch liên tục để kiềm chân Sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81 và cả lực lượng địch ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975 (nguồn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh).

Sau khi đã hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, 17 giờ, ngày 26.4.1975, tiếng súng chiến dịch đã khai màn, quân ta từ 5 cánh đồng loạt hướng mũi tiến công về thành phố Sài Gòn. Với tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương, quân, dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy.

Nhanh chóng sau đó, các địa phương trong tỉnh lần lượt được giải phóng. Tại thị xã Tây Ninh, 10 giờ 30 phút, Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho nguỵ quân, nguỵ quyền các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng, thị xã Tây Ninh được tiếp quản hoàn toàn, Trung tâm Toà Thánh được bảo vệ trọn vẹn.

Mít tinh mừng chiến thắng 30.4.1975 tại sân vận động Tây Ninh (ảnh tư liệu).

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện… đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác. Nhờ đó, khi thị xã giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng đều hoạt động bình thường. Đó cũng là một thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng tại chỗ.

Thắng lợi của Nhân dân Tây Ninh đã góp phần cùng Nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực hiện mới là đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục