Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nỗ lực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới
Bài 1: Muôn hình, vạn trạng thủ đoạn
Chủ nhật: 07:34 ngày 28/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn; để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đứng phía sau chỉ đạo hoạt động phạm tội qua điện thoại...

Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, gia tăng mạnh về số lượng, tinh vi về phương thức hoạt động, được tổ chức thành nhóm, đường dây chặt chẽ; các đối tượng lợi dụng các khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát của các lực lượng chức năng; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng lậu là xe ô tô, mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ cao, gây khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn. Vì vậy, tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Giảm, nhưng vẫn còn vi phạm

Theo Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá tại các khu vực cửa khẩu biên giới còn diễn ra nhưng mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là hàng tiêu dùng do các cư dân biên giới chẻ nhỏ vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở và hai bên cánh gà cửa khẩu.

Đối tượng chủ yếu là cư dân các xã biên giới thuộc huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng chuyên vận chuyển thuê hoặc trực tiếp mua bán vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam; hành khách xuất nhập cảnh, lái xe, phụ xe qua lại cửa khẩu để giao nhận hàng hoá; đầu nậu mua gom hàng miễn thuế; doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế; doanh nghiệp kinh doanh địa điểm tập kết hàng hoá, doanh nghiệp kinh doanh quá cảnh, chuyển cửa khẩu; doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất.

Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân Đoàn Văn Bình cho biết, tình hình buôn lậu trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi buôn lậu.

Khoảng 5 giờ 15 phút ngày 28.4.2023, tại khu vực đường nhựa liên xã Hoà Hội - Hoà Thạnh (hương lộ 8 cũ), thuộc tổ 6, ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, Tổ công tác của Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện bắt 1 vụ/1 đối tượng có hành vi “kinh doanh hàng hoá nhập lậu”, thu giữ tang vật là 3.000kg đường cát.

Trên địa bàn xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp. Thiếu tá Đinh Quang Lực- Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới vẫn xảy ra với hình thức nhỏ lẻ, tuy nhiên có chiều hướng phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm.

Các đối tượng vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thường sử dụng xe mô tô, lợi dụng đường mòn, đường tắt qua lại biên giới, lợi dụng giờ nghỉ ngày và đêm tối, sử dụng đối tượng canh đường để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, sau đó tổ chức vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá, pháo nổ, đường cát, bia, nước ngọt... Trong những tháng đầu năm 2023, lực lượng Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu đã bắt giữ 3 vụ/2 đối tượng, thu giữ 2.560 bao thuốc lá ngoại các loại.

Ngày 13.3.2023, lực lượng Hải quan Mộc Bài kiểm tra lô hàng nhập khẩu, phát hiện doanh nghiệp vi phạm về hành vi nhập khẩu hàng hoá thực tế không đúng với khai báo hải quan về lượng mà không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định của pháp luật, là mặt hàng xơ staple tổng hợp từ polyeste, chưa chải thô, chưa chải kỹ hoặc chưa gia công cách khác để kéo sợi số lượng 2.233,6kg (8 kiện), trị giá tang vật tịch thu hơn 46 triệu đồng.

Ngày 17.5.2023, Hải quan Mộc Bài kiểm tra lô hàng quá cảnh phát hiện doanh nghiệp vi phạm về hành vi quá cảnh hàng hoá mà không có giấy phép, gồm mặt hàng điện thoại di động nhãn hiệu iPhone, Redmi, Huawei, Honor, Oppo đã qua sử dụng; số lượng 2.518 cái, trị giá tang vật tịch thu ước tính hơn 2 tỷ đồng.

Theo ông Võ Duy Linh- Phó Tổ trưởng Tổ Kiểm soát Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh với số lượng nhiều tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu rất cao, đối tượng lợi dụng hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS trong phân luồng tờ khai với hình thức luồng xanh, vàng để trà trộn hàng cấm, hàng thuế suất cao; hay hành khách nhập cảnh giấu hàng hoá trong người và hành lý xách tay; gia cố phương tiện vận tải, xe khách liên vận để cất giấu hàng lậu.

 Lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài kiểm tra giấy tờ của hành khách.

Còn nhiều khó khăn

Theo Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh, công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp một số khó khăn (nhất là khu vực biên giới) do đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn lối mở dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam.

Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn mỏng, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi; hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu được thực hiện trên không gian mạng với nhiều hình thức, rất khó kiểm soát, phát hiện.

Đa số các đối tượng kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội cư trú ở các tỉnh địa bàn khác nhau, kể cả ngoài tỉnh, sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội để liên lạc, giao dịch, điều khiển từ xa, mặt hàng giao dịch đa dạng, không xác định được nhãn hiệu, xuất xứ; kho, nơi chứa trữ hàng hoá nằm rải rác khắp nơi, số lượng nhỏ lẻ, không có nơi kinh doanh cố định nên công tác đấu tranh, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá, lý lịch đối tượng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được sự ảnh hưởng của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nên tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Theo Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân Đoàn Văn Bình, trên địa bàn có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, đường tắt phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trên biên giới của đơn vị. Các đối tượng buôn lậu rất manh động, hoạt động ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để giành giật tang vật, phương tiện bị bắt giữ; hoặc đe doạ, xúc phạm, hạ uy tín của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Ông Võ Duy Linh- Phó Tổ trưởng Tổ Kiểm soát Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cho biết, theo quy định Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23.1.2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2.1.2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, hiện nay trên tuyến biên giới có 4 cửa khẩu đường bộ nằm trong địa bàn hoạt động hải quan, trong đó 2 cửa khẩu có bố trí lực lượng Hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu, 2 cửa khẩu đường bộ nằm trong địa bàn hoạt động hải quan nhưng chưa được bố trí lực lượng, chỉ thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, nắm thông tin tình hình địa bàn.

Do địa bàn hoạt động rộng, số lượng công chức kiểm soát ít, kiêm nhiệm nên công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Lực lượng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài thực hiện công tác soi hàng hoá của hành khách xuất nhập cảnh.

Công tác phát hiện, đấu tranh, triệt xoá về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu chỉ xử lý các đối tượng vận chuyển thuê, đóng vai trò không quan trọng trong đường dây, tổ chức tội phạm; nhiều trường hợp bắt, xử lý vắng chủ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn; để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đứng phía sau chỉ đạo hoạt động phạm tội qua điện thoại; nên công tác đấu tranh, chứng minh hành vi phạm tội để bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Đinh Quang Lực cho biết, địa bàn biên giới được phân công phụ trách của đơn vị rộng (bao gồm cả biên giới trên sông và trên bộ), địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch qua lại biên giới, thuận lợi để các đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép.

Một số mặt hàng như pháo nổ, thuốc lá, đường cát, rượu ngoại... phía chính quyền Campuchia không coi đó là hàng cấm. Lợi dụng chính sách này, chủ đầu nậu câu kết với công dân Campuchia xây dựng các kho hàng tập kết hàng hoá gần biên giới, chờ thời cơ, sơ hở của lực lượng chức năng để vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục