Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồi ức Tua Hai
Bài 1: Người trong cuộc nói gì về sự kiện lịch sử gần 70 năm trước ?
Thứ tư: 22:45 ngày 22/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn ít ngày nữa, tròn 65 năm kỷ niệm chiến thắng Tua Hai (26.1.1960 - 26.1.2025), phóng viên Báo Tây Ninh tìm và gặp được một số người từng tham gia sự kiện lịch sử ấy, hầu hết đã gần tuổi 100.

“Trong tiến trình chiến tranh cách mạng, thắng lợi của trận tiến công căn cứ Tua Hai tháng 1.1960 đã vượt xa tầm vóc của một trận đánh, trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam bộ, cổ vũ quần chúng nhân dân vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch. Đó còn là tiền đề cho những trận thắng lớn của quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đã 60 năm trôi qua, cùng với thời gian ngày càng làm sáng rõ, sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai. Giá trị của chiến thắng Tua Hai khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khoá II) về sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam”- trích bài viết trên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, tháng 1.2020.

Còn ít ngày nữa, tròn 65 năm kỷ niệm chiến thắng Tua Hai (26.1.1960 - 26.1.2025), phóng viên Báo Tây Ninh tìm và gặp được một số người từng tham gia sự kiện lịch sử ấy, hầu hết đã gần tuổi 100. Ở tuổi gần đất xa trời, những chiến sĩ năm xưa, không thể nhớ chính xác, chi tiết sự kiện.

Buổi sáng tháng 1.2025, trong nhà cấp 4 tại ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, ông Đinh Công Xã (tên thường gọi Sáu Lệ) và người con gái của ông tiếp chúng tôi. Ở tuổi 95, tai ông khá nặng, có những câu hỏi, phóng viên phải nhờ con gái cụ Xã “phiên dịch”. Nhưng khi được hỏi về những năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho đất nước, đặc biệt sự kiện tấn công thành Tua Hai cách nay 65 năm, ông nhớ khá tốt, dù chi tiết có phần rời rạc.

“Không thắng không về”

Ông Đinh Công Xã, tên thường gọi là Sáu Lệ, sinh năm 1931, quê quán xã Long Chữ, Bến Cầu. “Năm 1948, tôi tham gia hoạt động cách mạng tại xã Long Chữ, sau đó, vào lực lượng vũ trang huyện Châu Thành, làm trung đội trưởng dân quân tự vệ. Đến năm 1951, tôi về hoạt động tại địa phương là xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Năm 1957, tôi vào Đảng, lúc bấy giờ tôi làm Bí thư xã, đến năm 1959 tôi là cán bộ của huyện Châu Thành. Sau đó, tôi được điều về làm Bí thư xã Long Vĩnh. Năm 1960, tôi tham gia đánh trận Tua Hai, sau khi nhận lệnh vào ngày 24.1.1960, chúng tôi tập trung về địa điểm giao liên ở xã Hoà Hội, tổng cộng 28 đồng chí. Tại đây, đồng chí Huyện uỷ viên phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ cho chúng tôi”- ông Sáu Lệ lần hồi ký ức của thời thanh niên cách nay ngót 70 năm.

Ông Đinh Công Xã

“Sau khi sinh hoạt, nghe phổ biến chủ trương của ta, chiều tối ngày 25.1.1960, chúng tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông, tiến về phía Bắc sông. Chúng tôi gồm 28 đồng chí vượt sông trong đêm, về tới căn cứ. Tại đây, chúng tôi nhìn thấy một cái bảng kẻ dòng chữ “cán bộ đoàn viên, thanh niên nếu không lấy được súng của địch thì chấp nhận nằm lại chiến trường”. Tôi vô đơn vị, trong ban chỉ huy của huyện, sau khi nhận lệnh, mỗi đồng chí được giao chỉ tiêu lấy ít nhất 1 khẩu súng và 600 viên đạn của địch trong thành Tua Hai. Chúng tôi lại được nghe mệnh lệnh “nếu cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên đêm nay không lấy được súng, thà nằm lại chiến trường”.

Tôi là trung đội phó, được tăng cường thêm lực lượng, nhiệm vụ của chúng tôi là thu dọn chiến trường, phối hợp với một đơn vị của huyện Châu Thành, tổng cộng gồm 110 chiến sĩ. Lúc bấy giờ, ông Mai Chí Thọ, cán bộ cấp cao của cách mạng, đi từ đầu tới cuối đoàn quân ra lệnh: “Các đồng chí cố gắng lấy cho được nhiều súng, nếu mọi người an toàn thì sau đó về, địa phương nào giải phóng địa phương nấy”.

Chúng tôi bắt đầu hành quân. Khi còn cách Tua Hai tầm 1km, chúng tôi được tin có một tiểu đoàn quân địch đang hành quân từ dưới Giang Tân (Hoà Thành ngày nay) đi về hướng ngã ba Vịnh và suối Ông Đình (Tân Biên hiện nay). Chúng tôi được lệnh lùi thời gian 15 phút mới nổ súng (tức là 0 giờ 15 phút mới nổ súng). Lực lượng vũ trang bố trí hết, chờ lệnh là nổ súng, ban chỉ huy họp bàn bố trí chọn phương án, sau 15 phút đó bắt đầu phát lệnh. Bên trong nổ súng, hoà với tiếng kèn xung trận, tôi nhớ đó là âm thanh của những chiếc kèn Tây. Theo phương án đã phê duyệt, chúng tôi ập vào kho chứa vũ khí của địch để lấy vũ khí. Tôi nhớ, mình phải bước qua nhiều xác người. Lúc đó, các lực lượng của ta, bao gồm cả dân công tranh thủ tối đa thời gian, lấy được càng nhiều vũ khí của địch càng tốt. Theo nhiệm vụ, tôi lấy được một khẩu súng của địch và 600 viên đạn. Do sức khoẻ tốt, tôi tiện tay lấy thêm một thùng đạn của địch. Thực ra bên trong cái thùng này chứa rất nhiều quả mìn, không phải đạn như tôi tưởng. Chúng tôi bỏ toàn bộ chiến lợi phẩm lên xe, chạy về hướng Tây. Tôi bị thương ở vùng trán nhưng cũng không hay biết, về tới căn cứ mới được đồng đội phát hiện và sơ cứu, băng bó. Lúc này tôi mới biết mình bị thương phía trên mắt phải”.

Chuyển hình thức đấu tranh

Trận Tua Hai diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1.1959) đến với đồng bào miền Nam như nắng hạn gặp mưa rào, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ và đồng bào miền Nam, đó là ngọn đuốc soi đường về vận dụng phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân, tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước.

Doanh trại trong căn cứ Tua Hai

 

Ông Sáu Lệ trầm tư: “Nghị quyết 15 của Trung ương có công lao rất lớn của ông Lê Duẩn. Ổng giỏi lắm. Vấn đề lúc này, Nghị quyết 15 ban hành nhưng chưa thực hiện được. Trận Tua Hai chính là mở đầu cho phong trào khởi nghĩa vũ trang của cách mạng miền Nam. Trước đó, ta đấu tranh chính trị không được, nhờ Nghị quyết 15, ta chuyển từ phong trào đấu tranh chính trị chuyển sang vũ trang kết hợp với chính trị. Từ đây, cách mạng miền Nam chuyển sang hình thức đấu tranh mới, do vậy, trận Tua Hai có ý nghĩa lớn lắm”.

Trong dòng hồi ức miên man, ông kể tiếp: “Tôi hoạt động suốt hai thời kỳ kháng chiến. Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, tôi là phó ban chỉ huy của “Vành đai diệt Mỹ”, hiện tại ban này chỉ còn duy nhất mình tôi đang sống. Khi thành lập, Vành đai diệt Mỹ có 3 vùng, vùng 1 ở Ninh Điền, vùng 2 Hảo Đước, vùng 3 là Hoà Hội. Tôi phụ trách vùng 3. Thời gian này, tôi còn làm Trưởng Ban Tuyên huấn của Huyện uỷ Châu Thành. Sau thất bại trận càn Junction City và sau Hiệp định Paris, quân Mỹ rút. Năm 1973, tôi làm Phó Bí thư Huyện uỷ Châu Thành.

Sự kiện lịch sử của trận đánh thành Tua Hai đến nay đã 65 năm, tuổi đời cũng gần 100, thời thanh niên, cụ tham gia cách mạng. Nay, đất nước hoà bình, thống nhất, cụ có điều gì muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ không?- chúng tôi hỏi.

Cổng thành Nguyễn Thái Học - cứ điểm quân sự của Mỹ, nơi diễn ra trận đánh Tua Hai đêm 25 rạng 26.1.1960

 

“Việt Nam trải qua những năm tháng mất mát, đau thương. Ngày ấy, trong ý nghĩ của chúng tôi, là đánh giặc để giành lại giang sơn gấm vóc của ta, vì sự tự do. Chúng tôi không chấp nhận đất nước mình bị ngoại bang chiếm đóng. Bác Hồ nói “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Thằng Pháp thằng Mỹ” có chịu thua ai đâu. Nhưng họ chiếm nước ta thì không được. Chiến tranh đi qua đã lâu. Kẻ thù năm xưa nay là bạn bè, đối tác, quan hệ ngoại giao bình thường. Tôi rất vui vì điều đó. Thế hệ chúng tôi đã chiến đấu vì độc lập, vì tự do. Tôi mong mỏi, thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống lịch sử để xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như khát vọng, lý tưởng và mong muốn của Bác Hồ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Thuyên

Tại ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành, nhóm phóng viên gặp cựu chiến binh Bùi Văn Thuyên- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ít tuổi hơn ông Sáu Lệ nhưng sức khoẻ ông Thuyên không tốt bằng. Ông bị bệnh tim đã lâu, di chuyển khó khăn, ông ngồi trên võng tiếp chuyện. Sợ ảnh hưởng sức khoẻ, nhóm phóng viên không thể trò chuyện với ông lâu. Chỉ biết rằng, trong trận Tua Hai, ông Bùi Văn Thuyên mang một thân phận khác: ông sống ngay trong thành Tua Hai nhưng quân địch không hề biết ông là “Việt Cộng”. Ông còn đưa thêm người của cách mạng vào “làm việc cho địch” trong căn cứ Tua Hai. Chính nhờ vỏ bọc này, trận Tua Hai thực sự là trận “nội công ngoại kích”, ngoài đánh vào, trong đánh ra. Sau sự kiện lịch sử này, ông Thuyên bị phía địch nghi ngờ. Biết nguy cơ bị lộ, ông thoát ra căn cứ, tiếp tục tham gia hàng trăm trận đánh với những chiến công vang dội như nhiều người đã biết.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục