PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Bài 1: Nhận diện khó khăn
Chủ nhật: 08:39 ngày 09/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặc dù đã 5 tháng năm 2024, toàn tỉnh mới đạt 24,09%, có những dự án chưa giải ngân. Do đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công.

Ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương phân khai nguồn vốn đầu tư công của từng dự án, công trình và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng nhìn chung, vốn giải ngân đạt thấp so với kế hoạch. Mặc dù đã 5 tháng năm 2024, toàn tỉnh mới đạt 24,09%, có những dự án chưa giải ngân. Do đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công.

Thi công tuyến ĐT.789 thuộc đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công nhiều dự án

Ông Trần Tương Quốc- Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công do HĐND tỉnh giao là 367 tỷ đồng, thực hiện 21 dự án, trong đó có 14 dự án chuyển tiếp, 7 dự án mới. Kết quả thực hiện quý II.2024, luỹ kế địa phương giải ngân 5 tháng đầu năm là 19 tỷ đồng, đạt 5,22%. Thực hiện cam kết giải ngân, trong đó ước giải ngân đến hết quý II là 178 tỷ đồng, đạt 45,2% so với kế hoạch vốn là 395 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, nên khả năng ước giải ngân đến hết quý II không đạt theo kế hoạch, UBND Thị xã sẽ tiếp tục hoàn thành việc giải ngân kế hoạch được giao trong năm 2024.

Ông Trần Tương Quốc cho biết thêm, đối với nguồn vốn tỉnh quản lý, phần quyết toán 2 dự án Cụm dân cư Phước Mỹ, xã Phước Chỉ và Hệ thống thu gom và xử lý nước thải Trảng Bàng chưa có chủ trương điều chỉnh về việc quyết toán chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn Thị xã. Còn dự án Chống ngập và phát triển hạ tầng kỹ thuật thị xã Trảng Bàng - giai đoạn 1 (vốn đầu tư 50 tỷ đồng), dự kiến đến quý III.2024 mới tổ chức đấu thầu thi công.

Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải Trảng Bàng công suất 10.000 m3/ngày - giai đoạn 2 theo Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 9.4.2024 của UBND tỉnh là 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin của chủ đầu tư, hiện tại mới tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu lập nhiệm vụ khảo sát và gói thầu rà phá bom mìn nên chưa thực hiện giải ngân được.

Đối với dự án khu tái định cư trên địa bàn Thị xã đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 990/QĐ-UBND ngày 21.5.2024, đang lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đơn vị đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật kiến trúc. Theo đó, đơn vị đã họp hội đồng thành viên bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án, ngày 31.5.2024 công khai giá và đang chờ tổng hợp kết quả, ý kiến của người dân để điều chỉnh dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Do mất nhiều thời gian nên khả năng chưa phê duyệt được phương án bồi thường và giải ngân vốn để chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư trong tháng 6.2024.

Dự án Khu tái định cư trên địa bàn Thị xã Trảng Bàng  đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, nhà cửa, cây trồng.

Tiến độ bồi thường chậm

Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, tổng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 là 198 tỷ đồng. Trong đó, vốn tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư là 950 triệu đồng. Khối lượng thực hiện 5 tháng đầu năm 2024 là 50 tỷ đồng- đạt 25,5% kế hoạch, giải ngân 48 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch.

Công tác giải ngân trên địa bàn huyện Gò Dầu đến 31.5.2024 còn thấp do tiến độ, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Trường THCS Thạnh Đức còn chậm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, công trình tạm dừng thi công từ ngày 20.2.2023, do chưa bàn giao được phần mặt bằng còn lại để triển khai thi công các hạng mục chính của công trình. Phần diện tích đất mở rộng cần thu hồi là 9.473,3 m2. Huyện đang thực hiện thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Dầu đã thông báo chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty cổ phần cao su Tây Ninh lần 2 theo quy định. Tuy nhiên, đến nay Công ty này vẫn chưa đến nhận tiền bồi thường, hỗ trợ do đang chờ thoả thuận phê duyệt về các thủ tục khi bàn giao đất về địa phương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

UBND huyện đã có Báo cáo số 229/BC-UBND ngày 17.5.2024 về kết quả thực hiện, đề xuất, kiến nghị đối với dự án Trường THCS Thạnh Đức xin chủ trương UBND tỉnh về việc không gia hạn thời gian nhận tiền theo đề nghị của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh; gửi số tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty theo phương án được duyệt vào Kho bạc Nhà nước huyện theo quy định.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường vào khu tái định cư thị trấn Gò Dầu chưa triển khai thi công; tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công. Hiên nay, Hội đồng thẩm định giá đất đang xem xét thẩm định giá đất cụ thể, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chi trả cho các hộ dân.

Tiến độ thi công dự án Khu tái định cư thị trấn Gò Dầu còn chậm do những tháng đầu năm nguồn vật liệu cát khan hiếm, phải vận chuyển từ các tỉnh miền Tây về công trình, nhà thầu mất nhiều thời gian tìm kiếm nhà cung cấp.

Khó về tài chính, nguồn nguyên-vật liệu

Ông Đặng Xuân Trường- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh cho biết, năm 2024, các dự án do Ban làm chủ đầu tư được UBND tỉnh giao vốn kế hoạch đến ngày 4.6.2024 là 1.208 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến hết tháng 5.2024 là 187 tỷ đồng/1.208 tỷ đồng, đạt 15,55%; ước giá trị thực hiện đến hết quý II năm 2024 đạt 22,94%, tương ứng với giá trị 273 tỷ đồng/1.208 tỷ đồng.

Năm 2024, BQL Dự án được giao thực hiện quản lý đầu tư công 10 dự án, gồm 5 dự án chuẩn bị đầu tư; 4 dự án thực hiện đầu tư; 1 dự án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Đặng Xuân Trường cho biết, vốn kế hoạch năm 2024 được bố trí lớn hơn nhiều so với nhu cầu BQL Dự án đã đăng ký. Cụ thể, dự án Đường Trường Hoà - Chà Là (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường 784) đăng ký nhu cầu vốn là 60 tỷ đồng nhưng được bố trí 150 tỷ đồng; dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 đăng ký nhu cầu vốn là 534 tỷ đồng nhưng được bố trí 681 tỷ đồng. Việc này đã làm cho tỷ lệ giải ngân vốn không đạt so với các mốc đã cam kết giải ngân.

Thi công dự án đường Trường Hoà - Chà Là (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường 784).

Ngoài ra, tình hình tài chính của nhà thầu gặp khó khăn (ngân hàng giảm hạn mức tín dụng); nhà thầu thực hiện đồng thời nhiều dự án lớn, thi công dàn trải nhiều gói thầu cùng lúc nhưng phân bố nguồn lực không đều. Cụ thể, Công ty cổ phần Hải Đăng đang thực hiện hợp đồng thi công xây dựng các dự án: ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2); dự án thành phần 2 - tuyến đường 787B và gói thầu số 20 của dự án thành phần 3 - tuyến đường 789 thuộc dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789. Tiến độ thi công các dự án do nhà thầu thực hiện rất chậm, BQL dự án ngành giao thông tỉnh đã tổ chức họp tiến độ nhiều lần; nhà thầu cũng đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công, thực tế tại công trường cũng có chuyển biến, nhưng vẫn chưa lấy lại phần tiến độ đã chậm trước đây.

Về nguồn vật liệu đá các loại, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có mỏ đá Lộc Trung, nhưng giấy phép khai thác đã hết hạn. Công ty cổ phần Fico đang tổ chức khoan thăm dò, làm cơ sở xin điều chỉnh giấy phép, theo quy định phải mất nhiều thời gian. Mặc dù trong quá trình dự thầu thi công xây lắp, nhà thầu đã khảo sát và dự kiến lấy từ nhiều nguồn vật liệu ngoài tỉnh như: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để thi công xây dựng, nhưng khi trúng thầu và triển khai thi công, các nguồn đá ngoài tỉnh cùng lúc cung cấp cho nhiều dự án- đặc biệt là các dự án đường cao tốc và các dự án khác trên địa bàn, nên không đáp ứng nhu cầu.

Mặt khác, do đặc thù các công trình giao thông thường phải thực hiện đắp từng lớp từ dưới lên trên, các vật liệu đắp nền đường như đất, sỏi đỏ phía dưới có giá trị thấp, được thi công trong khoảng thời gian đầu năm, đến khi chuyển giai đoạn lên thi công phần móng, mặt đường có giá trị giải ngân lớn lại thường được triển khai vào cuối năm. Do đó, giá trị giải ngân tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm.

Nhi Trần

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục