Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nước sạch cho nông thôn - nhiều vấn đề cần quan tâm
Bài 1: Nước sạch nhưng... kém vệ sinh
Thứ ba: 23:33 ngày 04/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế cho thấy, 7/9 công trình kém vệ sinh, lớp cát lọc từ lúc đi vào hoạt động đến nay chưa được thay, rong rêu, cặn bẩn đóng lớp. Do chất lượng nước không bảo đảm nên nhiều hộ dân đã ngưng sử dụng.

Người dân vùng nông thôn rất cần nước sạch. Trong ảnh, người dân xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng thụ hưởng Dự án nước sạch vùng biên do Uỷ ban MTTQVN thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Diêu

Tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về mức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn và chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, cơ quan tham mưu đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách trên địa bàn, để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận được nguồn nước sạch, góp phần bảo đảm nhu cầu thiết yếu và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước tập trung, công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư và cung cấp nước sạch tại một số khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chủ yếu nguyên nhân có liên quan đến quá trình triển khai chính sách như công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống… làm cho hiệu quả thực hiện của các chính sách còn hạn chế.

Trạm cấp nước xuống cấp, kém vệ sinh

Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực tế 9 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn 3 xã Tiên Thuận, Phước Chỉ, Hoà Thạnh thuộc 3 huyện Bến Cầu, Trảng Bàng và Châu Thành.

Qua khảo sát thực tế có 6 công trình cấp nước hoạt động vượt quá công suất thiết kế, 3 công trình hoạt động rất thấp so với công suất thiết kế. Các công trình cấp nước được đầu tư trên 10 năm, có trạm trên 17 năm, công nghệ lạc hậu. Hiện nay, nhiều hệ thống thiết bị của trạm xuống cấp. Một số trạm đường ống bị chôn sâu, ống nhỏ, rong bám nhiều làm hạn chế việc tải nước.

Đối với công trình cấp nước được đầu tư theo Chương trình 134 cho đồng bào người dân tộc thiểu số, một số hộ tự ý tháo gỡ đồng hồ đo nước để không phải trả phí, dẫn đến tỷ lệ hao hụt nước cao. Việc thu tiền sử dụng nước cũng gặp nhiều khó khăn, nguồn thu tiền sử dụng nước từ các hộ dân không đủ cho chi phí vận hành của công trình (như hệ thống cấp nước ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành).

Công tác vệ sinh nhà trạm, bể chứa, rửa bể lọc được thể hiện khá đầy đủ trong nhật ký quản lý, vận hành công trình cấp nước (từ 3 - 4 ngày/lần). Thực tế cho thấy, 7/9 công trình kém vệ sinh, lớp cát lọc từ lúc đi vào hoạt động đến nay chưa được thay, rong rêu, cặn bẩn đóng lớp. Do chất lượng nước không bảo đảm nên nhiều hộ dân đã ngưng sử dụng.

Theo UBND xã Tiên Thuận, trên địa bàn xã có 2 trạm cấp nước sạch. Trạm cấp nước ấp Tân Lập có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng, được khởi công và hoàn thành vào năm 2007, công suất thiết kế 150m3/ngày đêm, phục vụ cho 350 hộ. Thực tế thì công suất hoạt động của trạm này là 507m3/ngày đêm với 510 hộ sử dụng.

Trạm cấp nước ấp Rừng Dầu có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2011, công suất thiết kế 150m3/ngày đêm, thiết kế phục vụ cho 450 hộ. Công suất hoạt động của trạm hiện là 454m3/ngày đêm với 422 hộ sử dụng. Lịch biểu cung cấp nước của các trạm là từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày nhưng thực tế, các trạm này phải hoạt động 24/24.

Cũng theo UBND xã Tiên Thuận, nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương nhiều nhưng công suất 2 trạm không bảo đảm. Do đó, xã kiến nghị nâng cấp 2 trạm cấp nước trên để bảo đảm phục vụ cho nhu cầu của người dân, đồng thời đầu tư xây dựng thêm các trạm cấp nước sạch ở các ấp còn lại (Bàu Tràm Lớn, Xóm Lò, ấp A).

Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất 8.728m3/ngày đêm, phục vụ cho hơn 18.000 hộ dân, trong đó có khoảng 1.330 hộ đồng bào dân tộc. Có 63/70 công trình cấp nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt), còn lại 7 công trình cấp nước có chất lượng nước chưa đạt (không ổn định). Huyện Châu Thành 4 công trình, Tân Biên 2, Trảng Bàng 1.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đầu tư mới 3 công trình cấp nước (công nghệ mới); nâng cấp, sửa chữa 20/70 công trình cấp nước (trong đó, có 6 công trình được sửa chữa, nâng cấp theo công nghệ mới). Hiện có 46/70 công trình cấp nước công nghệ cũ có nhu cầu nâng cấp, sửa chữa.

Trạm cấp nước ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận (Bến Cầu) phải hoạt động vượt quá công suất thiết kế để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Cần điều chỉnh giá

Tại phiên giải trình do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 11.2018 về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong lĩnh vực nước sạch, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn nhận lại trong thời gian qua, nhất là trong 3 - 4 năm trở lại đây, lĩnh vực này đã có một bước tiến dài trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nước.

Ngành Nông nghiệp đang quản lý 70 công trình cấp nước tập trung, phần lớn do huyện đầu tư trước đây. Năm 2013, theo chủ trương chung của Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp gom về để quản lý, đầu tư. Thời điểm đó, chỉ có khoảng 23 công trình đạt QCVN 02:2009/BYT.

Hiện tổng công suất hoạt động của các trạm đạt khoảng 90% tổng công suất thiết kế. Tổng số hộ sử dụng đạt gần 85% hộ sử dụng của công suất thiết kế. Trong 70 công trình cấp nước tập trung này, hiện chỉ còn 7 trạm có chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp (đánh giá dựa trên tiêu chí của Trung tâm Nước sạch quốc gia), có 45 công trình phát huy hiệu quả tốt, 17 công trình đạt trung bình và 8 công trình chưa tốt. Trong 8 công trình này, có 1 công trình cấp nước cho đồng bào dân tộc, 2 công trình do địa điểm không phù hợp, 5 công trình ở khu vực dân cư, thưa thớt.

Sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ thanh lý 3 công trình không phát huy hiệu quả, kiến nghị, đề xuất về việc cấp bù giá nước năm 2018 dành cho việc chi trả thuế, bảo hiểm, thay thế thiết bị… Đồng thời, Sở kiến nghị điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt nông thôn; điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên áp dụng đối với nước dưới đất phù hợp (từ 8.000 đồng/m3 xuống 4.000 - 6.000 đồng/m3).

TRÚC LY

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục