Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời, sâu sát, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp.
Người dân sinh sống trên tuyến đường hoa ở ấp 1, xã Bàu Đồn dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa trên tuyến đường.
Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời, sâu sát, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp.
Từ đó, phong trào xây dựng xã NTM lan toả đến khắp nơi trong tỉnh, tạo nên diện mạo dân cư nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; nhận thức, tư duy của người dân về sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế được nâng lên, có nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới
Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) hiện có 62 thành viên với diện tích sản xuất hơn 100 ha. Theo ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX, đến nay, HTX đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, sầu riêng Ri 6 của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, góp phần tạo đầu ra ổn định cho trái sầu riêng, thu nhập của các thành viên tăng lên, trung bình 1 ha sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.
“Địa phương và các ngành liên quan đã hỗ trợ, hướng dẫn HTX các vấn đề về hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan trong xây dựng mã số vùng trồng và sản phẩm OCOP. Hiện HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu ra cho trái sầu riêng. Vụ tới đây, giá thành được tăng lên và mức tiêu thụ ổn định hơn so với những năm trước.
Bên cạnh việc hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hạ tầng giao thông, thuỷ lợi... được địa phương đầu tư đồng bộ, đường sá cải thiện, không còn đường đất, sình lầy như trước đây, từ đó, việc vận chuyển nông sản dễ dàng, thuận lợi; hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu tốt, không bị ngập úng”- ông Thịnh nói.
Ông Hồ Minh Công, 82 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn cho biết, Chương trình xây dựng NTM đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, “điện, đường, trường, trạm” đều được quan tâm đầu tư và phát huy tốt. Là người dân sinh sống tại địa phương, ông luôn tích cực vận động gia đình và người dân trong khu vực chung tay góp sức xây dựng NTM, thực hiện mô hình “Đường hoa kiểu mẫu”, giữ gìn ấp, xóm sạch đẹp...
Thời gian tới, ông cùng người dân địa phương sẽ tiếp tục giữ gìn, bảo vệ những thành quả tốt đẹp của công tác xây dựng NTM, đồng thời phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm cùng chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, thời gian qua, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành chủ lực tạo ra giá trị sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.
“Trước đây, người dân trên địa bàn huyện sản xuất nông nghiệp truyền thống với tư duy sản xuất những gì mình có, manh mún, nhỏ lẻ. Qua thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất.
Các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, mang lại hiệu quả cao cho người dân. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt hằng năm tăng- năm 2022, bình quân 123,7 triệu đồng/ha.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện đạt 68,86 triệu đồng/người trong năm 2022. Trong đó, Bàu Đồn là xã có mức thu nhập bình quân cao nhất với 86,57 triệu đồng/người/năm”- ông Hải cho biết.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) trong giờ học.
Cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hoá, thể dục và thể thao cho người dân trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, toàn huyện có 46/46 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn nông thôn mới, 27 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp) đạt 97,48%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế bảo đảm theo quy định.
Toàn huyện có 1 chợ loại II, 6 chợ loại III, 2 chợ bán kiên cố, 2 chợ tạm, 2 chợ tự phát. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Co.opMart, Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh... đáp ứng nhu cầu mua bán và tiêu thụ hàng hoá của nhân dân. Các tuyến đường giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp, mở rộng tạo sự thuận tiện trong đi lại cho người dân. Mặt khác, công tác quốc phòng an ninh được duy trì, giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao; trong năm 2022, 100% đảng bộ các xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và 100% chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên.
Xây dựng nông thôn mới gắn với nhiều chương trình quan trọng
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với nhiều chương trình chuyên đề quan trọng như: Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm- OCOP, chương trình chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh... Tại thị xã Hoà Thành, đến năm 2022, địa phương có 3/4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, xã còn lại cũng hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao, đang chờ tỉnh thẩm định công nhận. Hoà Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 8.3.2022.
Về chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hoà Thành tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội; triển khai chương trình OCOP gắn với lợi thế địa phương. Đến nay, Hoà Thành có 17 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm được tỉnh đánh giá, phân hạng 5 sao, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận (bánh tráng Tân Nhiên); 7 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao.
Chuyển đổi số là một điểm mới trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ở nhiệm vụ này, Hoà Thành đã triển khai lồng ghép với Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, địa phương còn tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, giải quyết mâu thuẫn ở khu vực nông thôn và nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý; giải pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
Ông Phạm Tấn Vũ- Trưởng ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) cho biết, được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã, Chi bộ, ban điều hành ấp, Ban công tác Mặt trận ấp đã vận động bà con đóng góp làm tuyến đường cờ của ấp Trường Xuân. Tuyến đường được triển khai thực hiện từ tháng Chạp năm trước và hoàn thành trong 10 ngày. Tuyến đường dài 1,5km; treo cờ Tổ quốc vào những ngày lễ, tết, góp phần tạo mỹ quan, không khí vui tươi, phấn khởi. Nhìn chung, người dân địa phương rất đồng tình, ủng hộ và chung tay với địa phương trong công tác xây dựng NTM.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm- Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Trường Hoà), năm 2017, trường được xây dựng cơ sở mới, đến năm 2019 hoàn thành, sáp nhập 2 cơ sở thành 1, đặt tại địa chỉ số 24, đường Trường Xuân, ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà. Vào tháng 8.2022, UBND Thị xã quyết định sửa tên Trường tiểu học Trường Hoà B thành Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Ngày 17.1.2023, trường được UBND tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
“Đội ngũ nhà trường cùng Ban giám hiệu rất nỗ lực trong công tác để nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Xã Trường Hoà đang xây dựng để đạt chuẩn xã NTM nâng cao, thời gian qua, địa phương tích cực đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Với cương vị Bí thư Chi bộ của trường, Đảng uỷ viên của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, tôi luôn tích cực tham gia vào công tác xây dựng NTM ở địa phương”- thầy Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hoà cho biết, thực hiện Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 28.2.2022 của UBND thị xã Hoà Thành về việc xây dựng xã Trường Hoà đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, địa phương đã phấn đấu để hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong quá trình thực hiện, có một số tiêu chí gặp khó khăn, nhưng địa phương đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên của Ban Chỉ đạo, UBND Thị xã; sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn của các ngành cấp trên để thực hiện tốt các tiêu chí. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, xã Trường Hoà cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Trúc Ly
(còn tiếp)