Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ma tuý là hiểm hoạ của nhân loại, hệ luỵ của ma tuý để lại cho nhiều người, gia đình và xã hội là rất lớn. Đau lòng hơn, có những trường hợp lên cơn “ngáo”, đã ra tay tàn ác, tước đoạt mạng sống của chính những người thân của mình.
Học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy trồng cây để cải thiện bữa ăn.
Tại Tây Ninh, tình hình người nghiện ma tuý đang diễn biến phức tạp, đáng lo ngại là giới trẻ lao vào ma tuý như con thiêu thân, dẫn đến việc tàn phá sức khoẻ, huỷ hoại tương lai của bản thân, bi kịch cho gia đình và nhiều nỗi đau chồng chất.
Cơn mơ hoa…
Chúng tôi đến Cơ sở cai nghiện ma tuý tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, nơi tiếp nhận học viên đến điều trị cai nghiện, trong đó có không ít những gương mặt còn khá trẻ.
N.T.V (16 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu) trước đây là bóng hồng được bao chàng trai săn đón. Cách đây hơn 1 năm, V vướng vào ma tuý, phải đi cai nghiện bắt buộc
V nói, em buồn chuyện gia đình, bị bạn bè dụ dỗ nên sử dụng ma tuý đá như một cách thể hiện đẳng cấp của bản thân. “Em lỡ yêu bạn trai nghiện ma tuý, trong một buổi sinh nhật bạn bè nói em sợ, sẵn có chút men trong người nên em dùng ma tuý với đám bạn. Sau lần đó, em lao vào ma tuý như con thiêu thân. Lúc tỉnh táo, nghĩ mình cần phải dừng lại nhưng khi lên cơn nghiện em lại không giữ được mình”- V tâm sự.
Vào cơ sở cai nghiện 8 tháng, V nói, em đã bình tâm suy nghĩ về quá khứ và rất ân hận bởi sự mù quáng của bản thân, chỉ vì vài lời khích bác của bạn bè mà lao vào cái chết trắng. V nói: “Giờ em đã cắt cơn nghiện và đang rất nỗ lực sinh hoạt, rèn luyện tốt để sớm hoà nhập cộng đồng, cố gắng sẽ có nghề nghiệp ổn định, đi làm phụ giúp gia đình”.
Trong một lần đi chơi game, T.B.A (18 tuổi, ngụ thành phố Tây Ninh) nghe lời dụ dỗ của nhóm bạn, thử hút thuốc lá điện tử, tiếp đến bóng cười, rồi ma tuý kẹo. Nhóm bạn nói với A “chơi” ma tuý kẹo thì không bị nghiện, chỉ có cảm giác nhớ.
“Mấy lần đầu dùng “kẹo”, em thấy phấn chấn, tinh thần thoải mái, ngủ ngon. Nhưng sau này, mỗi lần hút xong là cơ thể rất khó chịu, cáu kỉnh, hay xuất hiện những cơn buồn ngủ, mỏi mệt, không tập trung được… Sau đó, một người trong nhóm bạn cho em thử ma tuý đá, tất cả cảm giác khó chịu không còn. Em biết mình đã nghiện, nhưng không thể kiềm chế được mỗi khi lên cơn nghiện”- A nói.
Không có việc làm ổn định, để có tiền thoả mãn cơn nghiện, A lấy trộm tiền của bố mẹ và mang những vật dụng có giá trị của gia đình đi bán. Dịp tết năm 2023, khi đang sử dụng ma tuý với nhóm bạn, A bị bắt, đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma tuý rèn luyện thể thao.
A tâm sự: “Lúc cắt cơn, tỉnh táo lại, em thấy sợ chính bản thân. Em ân hận lắm, nhất là khi nghĩ đến bố mẹ”.
Ở tuổi 19, N.T.T (ngụ huyện Tân Châu) đánh mất tương lai chỉ vì dùng thử… ma tuý. “Đó là một sai lầm lớn nhất cuộc đời em. Ban đầu thì được bạn cho thử, đến khi nghiện em hùn tiền với bạn mua ma tuý về dùng, 1 lần/ngày, sau tăng lên 2-3 lần/ngày. Mất việc, không có tiền, em về xin ba mẹ nhưng không được. Đỉnh điểm là em đã mắng, chửi cả ba mẹ của mình. Vào đây khoảng 2 tháng là em cắt cơn. Tỉnh táo rồi cũng là lúc em ân hận, có lỗi với gia đình vì không nghe lời khuyên của ba mẹ. Em tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm đoạn tuyệt với ma tuý để làm lại cuộc đời”- T tâm sự.
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm trường hợp đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý. Họ đã tự đánh mất đi những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ, cơ thể phải gánh chịu những nỗi đau nhức nhối, dai dẳng... đã không quên nhắn nhủ đến những thanh niên trẻ không thử ma tuý dù chỉ một lần, đừng vì ham vui nhất thời mà ảnh hưởng đến cả tương lai, sức khoẻ, tài sản.
Công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, những năm qua, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma tuý đã đạt được một số kết quả nhất định.
Qua đó, phục hồi sức khoẻ cho đối tượng có tiếp xúc với ma tuý, giảm tác hại đối với an ninh, an toàn cộng đồng, giảm tội phạm ma tuý. Đây cũng là cơ hội để bản thân người nghiện ma tuý làm lại cuộc đời. Thế nhưng, công tác cai nghiện vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, đối tượng đi cai nghiện bắt buộc thuộc 2 độ tuổi, từ 18 tuổi trở lên và từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo đó, người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện; trong thời gian cai nghiện tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; người nghiện các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai mà tái nghiện.
Đối với độ tuổi từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi có quy định gần giống với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, nhưng cụ thể và khắt khe hơn. Bởi đây là đối tượng chưa đủ tuổi công dân, cần có bố, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp làm đại diện tham gia vào một số khâu, thủ tục, quy trình…
V và các học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý trò chuyện cùng các đại biểu HĐND tỉnh trong một đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi), các cơ quan chức năng đánh giá là đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trước đó. Đặc biệt là việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là điểm mới so với trước đây, giúp người trẻ vướng vào ma tuý có cơ hội phục hồi về sức khoẻ, điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn để tiếp tục học tập, trở thành người có ích.
Ông Lê Bình Thanh- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý cho biết, cơ sở đang cai nghiện bắt buộc cho 343 học viên, không có trường hợp học viên cai nghiện tự nguyện. Trong đó có 11 học viên tuổi đời còn khá trẻ, từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Các học viên được tư vấn tâm lý, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách. Dựa vào trình độ và năng lực của đối tượng, điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở và tình hình thực tế, Cơ sở cai nghiện ma tuý tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương để dạy nghề, hướng dẫn học viên lao động sản xuất...
Tuy nhiên, việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh gặp không ít khó khăn. Ông Lê Bình Thanh- Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý cho biết: Đa phần người vào cai nghiện là thành phần rất phức tạp, nhận thức về lợi ích cai nghiện còn hạn chế nên sự tự giác chưa cao; nhiều đối tượng chưa tuân thủ tốt nội quy, quy chế của cơ sở...
Bên cạnh đó, nguồn lực của địa phương về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện chưa bảo đảm theo quy định pháp luật nên rất khó trong công tác quản lý và điều trị; công tác xác định tình trạng nghiện còn khó khăn do một số địa phương chưa bố trí địa điểm bảo đảm xác định tình trạng nghiện, các trạm y tế cấp xã không bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ…
Bác sĩ Nguyễn Thành Cao, công tác tại Cơ sở cai nghiện ma tuý cho biết thêm, nhiều đối tượng sử dụng ma tuý dài ngày, gây tổn thương nghiêm trọng về não bộ, nên việc điều trị phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp. Dù vậy, sức khoẻ của một số người ít có sự chuyển biến rõ rệt về thể chất, tinh thần. Về phía gia đình học viên thường giấu hoặc không phối hợp đưa học viên đi khám, xác định về sức khoẻ tâm thần. Do đó, phương án điều trị càng không dễ thực hiện, đồng nghĩa khả năng tái hoà nhập cộng đồng không cao.
Vũ Nguyệt
(còn tiếp)