Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Ðề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Ða khoa tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Ðây là một đề án lớn, một kế hoạch cụ thể để nâng cấp toàn diện cơ sở y tế này với hơn 61 tỷ đồng đã được duyệt.
Phó Giáo sư Võ Văn Thành- chuyên gia đầu ngành về cột sống thăm hỏi bệnh nhân sau khi được ông tiến hành ca mổ tại Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh.
Mặc dù là cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất, quan trọng nhất của tỉnh nhưng trong nhiều năm qua, Bệnh viện Ða khoa tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn cả về con người lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, do vậy, dù đã rất nỗ lực, nhưng Bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Xuất phát từ thực tế đó, tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Ðề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Ða khoa tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Ðây là một đề án lớn, một kế hoạch cụ thể để nâng cấp toàn diện cơ sở y tế này với hơn 61 tỷ đồng đã được duyệt.
NHIỆM VỤ NHIỀU, NHÂN LỰC ÍT
Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) tỉnh là bệnh viện đa khoa hạng II, chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện được quy định tại Quyết định số 1895/1997/QÐ-BYT ngày 19.9.1997 của Bộ Y tế. Theo quyết định này, BVÐK tỉnh có nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội và ngoại trú tại bệnh viện, cấp cứu ngoại viện; tổ chức khám sức khoẻ và chứng nhận sức khoẻ theo quy định của Nhà nước; tổ chức khám giám định sức khoẻ, khám giám định pháp y khi Hội đồng giám định y khoa của tỉnh hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu.
Bệnh viện còn có nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế, là cơ sở thực hành của Trường trung cấp Y tế, đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo cho nhân viên bệnh viện và nhân viên của các cơ sở y tế tuyến dưới. Cơ sở y tế này còn được giao hàng loạt nhiệm vụ, chức năng khác như nghiên cứu khoa học về y học, cụ thể là tổ chức nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các đề tài y học cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành hoặc cấp cơ sở; nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng phù hợp với tình hình địa phương; kết hợp với tuyến trên để phát triển khoa học kỹ thuật trong bệnh viện và cho tuyến dưới.
Bệnh viện có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật, kết hợp với tuyến dưới thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Theo quy định, bệnh viện có nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng trong công tác phòng bệnh, phòng dịch; hợp tác quốc tế: hợp tác với các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước theo quy định của Nhà nước…
BVÐK tỉnh có quy mô 700 giường bệnh, 31 khoa, phòng, 6 phòng chức năng, 19 khoa lâm sàng, 3 khoa cận lâm sàng và 3 khoa hỗ trợ hậu cần. Bệnh viện hiện vẫn còn thiếu các phòng chức năng như sau: Phòng Ðào tạo và Chỉ đạo tuyến; Phòng Quản lý chất lượng; Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Công tác xã hội.
Về nhân lực, bệnh viện có 787 người, trong số này có 121 bác sĩ, gồm cả 18 bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng do nhu cầu nên bệnh viện tiếp tục hợp đồng làm việc. Theo đánh giá, nhân lực của bệnh viện còn không ít hạn chế cả về đội ngũ lẫn môi trường làm việc.
Theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5.6.2007 hướng dẫn định mức biên chế và Ðề án vị trí việc làm của BVÐK tỉnh với chỉ tiêu 700 giường bệnh, số bác sĩ cần có là 180 người. Như vậy, so với định mức vẫn còn thiếu 77 bác sĩ. Trong khoảng thời gian dài, BVÐK tỉnh bị thiếu hụt đội ngũ bác sĩ kế thừa, số lượng bác sĩ bổ sung không bù lại đủ số nghỉ hưu và nghỉ việc.
Gần đây, BVÐK tỉnh đã được ưu tiên bổ sung các bác sĩ trẻ được đào tạo chính quy. Tính từ năm 2015 đến nay, bệnh viện đã bổ sung được 37 bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ trong vòng 5 năm nay vẫn giữ mức hơn 100 bác sĩ. Trong 4 năm tới sẽ có 26 bác sĩ nghỉ hưu trong khi số lượng bổ sung dự kiến không quá 20 người, nên tình hình thiếu nhân lực bác sĩ vẫn chưa được cải thiện.
Do thiếu nguồn kế thừa nên có khoảng cách lớn trong độ tuổi của đội ngũ bác sĩ, làm khó khăn cho công tác phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Hiện tại, BVÐK tỉnh có 40% bác sĩ trên 50 tuổi (đối với nữ) và 55 tuổi (đối với nam). Ðây là lực lượng có kinh nghiệm, uy tín về chuyên môn nhưng lại sắp về hưu, không phù hợp để đào tạo, phát triển các kỹ thuật mới. Ngược lại, 19% là bác sĩ dưới 30 tuổi, chưa đủ thâm niên công tác theo quy định để được đưa đi đào tạo, cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.
Số lượng bác sĩ thiếu hụt cũng gây khó khăn trong phân công nhiệm vụ cũng như đưa đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý Nhà nước. Theo Quyết định 2992/QÐ-BYT ngày 17.7.2015 về kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015-2020, BVÐK tuyến tỉnh phải có ít nhất 50% bác sĩ trên tổng số bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I trở lên, trong đó có ít nhất là 20% có trình độ chuyên khoa cấp II.
Tương ứng, BVÐK tỉnh phải có 90 bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I (hiện chỉ có 46), trong đó có 36 bác sĩ chuyên khoa cấp II (hiện chỉ có 7 người). Theo nhu cầu còn thiếu 10 bác sĩ chuyên khoa ngành hiếm và 36 bác sĩ chuyên khoa đặc thù. Ðược biết, bệnh viện đang cử đi đào tạo 4 bác sĩ can thiệp tim mạch và kế hoạch hằng năm cử đào tạo bác sĩ học chuyên khoa hiếm như da liễu, chẩn đoán hình ảnh, ung thư, tim mạch can thiệp… để đến năm 2020 sẽ triển khai khoa ung bướu và tim mạch can thiệp.
Ðối với nhân lực điều dưỡng, theo đề án vị trí việc làm, bệnh viện cần 538 điều dưỡng/kỹ thuật viên/nữ hộ sinh. So với hiện nay là 388 người thì số lượng còn thiếu đến 150 người. Về nhân lực khác, bệnh viện còn thiếu nhân lực quản trị. Phần lớn cán bộ quản lý là cán bộ y tế nên không được đào tạo chuyên ngành, gặp khó khăn trong công tác, nhất là việc triển khai các hoạt động xã hội hoá và thực hiện tự chủ tài chính, biên chế của bệnh viện.
Các trang thiết bị hiện đại của bệnh viện đòi hỏi phải nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ kỹ sư, trong khi bệnh viện còn thiếu đội ngũ kỹ sư này. Công tác quản lý chất thải y tế cũng là yêu cầu bức xúc, và bệnh viện vẫn chưa có kỹ sư môi trường.
Về chế độ đãi ngộ và điều kiện, môi trường làm việc, mức lương nhân viên so với các cơ sở y tế ngoài công lập khác trong tỉnh còn thấp, mức thu nhập tăng thêm chưa cao. Việc tổ chức tham quan nghỉ dưỡng cho tập thể hằng năm chưa đều, các hoạt động văn nghệ thể thao chưa thường xuyên, hồ sơ quản lý sức khoẻ chưa đầy đủ, mức khen thưởng còn thấp, chưa tạo động lực thực sự thúc đẩy tinh thần làm việc.
Công tác đánh giá năng lực cán bộ chỉ mới dừng lại ở việc xác định mức độ hoàn thành công việc của cá nhân, chưa đánh giá một cách đầy đủ năng lực của các nhân viên và sự phù hợp với vị trí việc làm hiện tại. Bệnh viện chưa tổ chức được các lớp đào tạo về kỹ năng làm việc cho nhân viên. Thực tế, một số kỹ năng cần thiết còn yếu như làm việc nhóm, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý công việc, giao tiếp và xử lý tình huống…
CƠ SỞ VẬT CHẤT XUỐNG CẤP
Ðang trong quá trình cải tạo, nâng cấp nên BVÐK tỉnh hiện có hai khối cơ sở cũ và mới. Khối cũ xây dựng từ cuối năm 1997 và hoàn thành vào năm 2000 (các khối hành chính, khoa Nội B-C, khoa Nhiễm được nâng cấp từ các khối nhà xây dựng từ cuối những năm 1980). Diện tích xây dựng của bệnh viện phù hợp với quy mô 500 giường bệnh, bình quân 6m2/giường bệnh theo tiêu chuẩn tối thiểu của Bộ Y tế.
Dự án nâng cấp, cải tạo BVÐK tỉnh giai đoạn I khởi công xây dựng từ năm 2014 gồm có khối nhà kỹ thuật cao, khối điều trị nội trú và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, có khu nội trú 200 giường để bổ sung cho nhu cầu nâng quy mô giường bệnh lên 700 giường. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện giúp giải toả bớt tình trạng quá tải bệnh nhân tại các khoa nội B-C, Nhi.
Theo kế hoạch ban đầu, sau khi hoàn thành giai đoạn I, BVÐK tỉnh sẽ khởi công dự án nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2 đối với khối nhà cũ để giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng của bệnh viện 700 giường, dự trù phát triển lên 1.000 giường. Bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ AAO có công suất 700m3/ngày và lò đốt rác y tế công suất 400-600 kg/ngày, bảo đảm xử lý chất thải y tế cho các hoạt động của bệnh viện.
Kết cấu hạ tầng của bệnh viện được nhìn nhận là vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, khối cơ sở cũ được xây dựng gần 20 năm đã chật chội, xuống cấp, hư hỏng và thấm dột nhiều nơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy không bảo đảm an toàn. Hiện nay, do các công trình xây dựng lớn, khiến các hoạt động của bệnh viện bị ảnh hưởng khá nhiều.
Theo kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020, dự án nâng cấp, cải tạo BVÐK tỉnh giai đoạn 2 chỉ được thực hiện sau năm 2020. Do vậy, cần phải có phương án sửa chữa cơ sở cũ, việc sửa chữa phải cân nhắc vừa bảo đảm nhu cầu phục vụ vừa tránh lãng phí khi tháo dỡ để thực hiện dự án nâng cấp giai đoạn 2, ưu tiên cho khu vực cấp cứu - khám - cận lâm sàng là khu vực tập trung bệnh nhân nhiều nhất để sớm cải thiện điều kiện phục vụ.
Việc xử lý chất thải rắn bằng lò đốt tạo ra khói gây ảnh hưởng đến tâm lý của dân cư khu vực xung quanh bệnh viện. Thiết bị xử lý nước thải hợp khối FRP theo công nghệ AAO mặc dù tiết kiệm diện tích nhưng cần có hệ thống xử lý dự phòng khi hư hỏng đột xuất, các tiêu chuẩn nước thải sau xử lý vẫn chưa ổn định.
Ðối với trang thiết bị y tế, từ các nguồn đầu tư của tỉnh cũng như các nguồn xã hội hoá, nguồn tài trợ khác, trong đó có dự án hợp phần BVÐK tỉnh Tây Ninh thuộc dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư là 149 tỷ đồng, BVÐK tỉnh trước mắt có đủ nguồn lực trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chức năng, nhiệm vụ.
Một số trang thiết bị y tế chủ yếu hiện được triển khai hoạt động như máy chụp cộng hưởng từ 1.5 tesla, CT Scanner 2 lát cắt, X- quang kỹ thuật số (DR), siêu âm 3-4D, hệ thống khám và phẫu thuật nội soi các loại, tán sỏi niệu ngược dòng- qua da, xét nghiệm sinh học phân tử realtime-PCR...
Bệnh viện đã triển khai xã hội hoá để lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn như: máy CT scanner 2 lát cắt, máy X-quang số hoá (CR), máy siêu âm, máy thận nhân tạo, khoa điều trị theo yêu cầu 33 giường, khám ngoại trú ngoài giờ, xe chuyển bệnh dịch vụ có hỗ trợ y tế 115… để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và tăng nguồn thu cho bệnh viện.
Song song đó, bệnh viện còn có các trang thiết bị phục vụ cho các dự án bệnh viện vệ tinh tại BVÐK tỉnh, hệ thống thông tin tim mạch (MUSE), hệ thống y học từ xa Telemedicine, đã có chủ trương đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong thời gian tới, BVÐK tỉnh cần được trang bị thêm một số trang thiết bị khác để phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu như X quang C-Arm, dao cắt đốt Ligasure, dao cắt đốt siêu âm, Hệ thống chụp OCT phần trước và sau mắt.
VIỆT ÐÔNG
(còn tiếp)