Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giữ hồn ẩm thực chay
Bài 1: Tinh hoa ẩm thực chay
Thứ sáu: 14:02 ngày 17/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nghị quyết Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Tây Ninh chọn nghệ thuật chế biến món ăn chay làm bệ phóng phát triển ngành công nghiệp không khói.

Du khách thưởng thức ẩm thực chay tại một nhà hàng trên địa bàn tỉnh

Ẩm thực chay Tây Ninh được biết đến với sự phong phú, đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá thuần chay bản địa, ngày 12.1.2022, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 75, công nhận Nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Từ món ăn dân dã

Đến Tây Ninh, ngoài bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng hay muối ớt... du khách còn được trải nghiệm ẩm thực chay cũng không kém phần hấp dẫn. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo nên những món ăn độc đáo mang đậm hương vị truyền thống.

Các món chay ở Tây Ninh đã tồn tại lâu đời, từ xa xưa, từ những sản vật của thiên nhiên, người dân chế biến món chay như: măng luộc, canh măng đến các loại nấm, đặc biệt là nấm mối, nấm mèo và nấm tràm dùng để kho, nấu canh, nấu cháo (ăn với rau đắng) tạo vị ngọt thay cho thịt. Sản vật của sông thì có rau nhút, rau dừa, đọt lục bình, bông điên điển, sen, súng… làm gỏi hoặc nấu canh chua cùng trái bần mọc ven sông. Hiện nay, số người ăn chay ở Tây Ninh rất đông. Có người ăn chay trường hoặc ăn chay kỳ. 

Tuy nhiên, dễ nhận thấy ở món chay của người Tây Ninh là các món ăn đa dạng, ngon không kém gì những món ăn mặn. Thực phẩm địa phương để chế biến các món chay rất phong phú, từ các sản vật đặc trưng đến các thực phẩm thông thường như: đậu hủ, đậu hủ ky non, nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm dai, bắp chuối, trái chuối, các loại khoai, bột mì, bột gạo và các gia vị khác.

Du khách thưởng thức ẩm thực chay tại một nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Đức Chuyển, đầu bếp Trai đường Toà thánh Cao Đài Tây Ninh- người chế biến món ăn chay trong nhiều năm qua cho biết: Từ việc ăn chay thường xuyên, người Tây Ninh đã sáng tạo, biến tấu những món rau, củ, quả trong vườn nhà trở thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng, như: lẩu chua chay, các loại mắm chay, bó sổ kho, tàu hủ ky chiên giòn, tàu hủ kho với nấm rơm, mít kho sả… và món cơm (hoặc bún) ăn với mắm. Các món ăn được chế biến bảo đảm dinh dưỡng.

Đối với những ai đã từng có dịp đến với “Vùng đất thánh” Tây Ninh, ngoài được đến tham quan các điểm nổi tiếng như: Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, thì việc được thưởng thức các món ăn tại vùng đất này, nhất là các món chay đều không thể quên.

Bà Pha Mỹ Hạnh, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh có dịp thưởng thức món chay tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh cho biết: "Năm nào tôi cũng đến đây Tây Ninh để chiêm bái, lễ phật đầu năm và tham quan, thưởng thức món ăn chay tại Toà thánh Cao Đài. Các món chay ở đây rất đa dạng, phong phú và rất là ngon, với các món như: mắm đậu, canh chua, muối sả ớt, rồi rất nhiều món ăn nữa...".

Món ăn chay Tây Ninh đầy đủ hương, sắc, vị.

Chị Trần Ngọc Thuý, một khách hành hương đến từ Đồng Tháp có dịp thưởng thức món ăn chay tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho hay: “Lên trên này ăn chay về nhà không muốn ăn mặn nữa, bởi vì người ta làm rất là bắt mắt, khẩu vị rất vừa ăn, mình ăn rất là ngon, nên rất thích ăn. Nếu trước đây mọi người hay nói đi Tây Ninh phải ăn bánh tráng, muối tôm thì bây giờ tôi nghĩ phải bổ sung thêm là ăn chay”.

Đến di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Tây Ninh chọn nghệ thuật chế biến món ăn chay làm bệ phóng phát triển ngành công nghiệp không khói.

Văn hoá ẩm thực chay Tây Ninh được hình thành bởi những yếu tố kế thừa truyền thống lâu đời của tổ tiên, vừa mang tính đặc thù sản phẩm của địa phương do điều kiện thiên nhiên, điều kiện sống tạo nên và vừa do sự giao lưu văn hoá các vùng miền. Với 2 đặc trưng lớn làm nên nét riêng đặc sắc: hầu hết các món ăn chay được chế biến từ ngũ cốc và thực vật trồng tỉa của địa phương, không sử dụng sản phẩm chế biến nhanh.

Trong nghệ thuật chế biến, nghệ thuật trưng bày được các nghệ nhân chăm chút dựa trên nền tảng ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ (sự kết hợp năm vị: chua (là hành mộc), cay (là hành kim), mặn (là hành Thuỷ), đắng (là hành hoả), ngọt (là hành thổ) tạo vị riêng.

Nhằm bảo tồn và phát huy nét độc đáo trong cách chế biến và ý nghĩa của nghệ thuật chế biến các món chay Tây Ninh, năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê, khảo sát và lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa “Nghệ thuật ẩm thực chay Tây Ninh” vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.  Đến 12.1.2022, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định chính thức công nhận Nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Ngày 17.2 lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh sẽ là dịp để tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo văn hoá ẩm thực chay Tây Ninh, quy tụ các nghệ nhân, các doanh nghiệp tham gia giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong nghệ thuật chế biến ẩm thực chay, đẩy mạnh xúc tiến đưa ẩm thực chay Tây Ninh đến thị trường ẩm thực trong nước và quốc tế

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức Lễ hội quảng bá “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh”, tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế, đây là lễ hội hứa hẹn thu hút đông khách du lịch đến với Tây Ninh trong dịp đầu năm mới 2023.

Còn nữa...

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục