Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ
Bài 1: Trọn nghĩa, vẹn tình
Thứ năm: 16:25 ngày 27/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau ngày đất nước ta thống nhất 30/4/1975, tập đoàn phản động Pol Pot đã xua quân đánh chiếm các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta.

Nằm ngay cửa ngõ Tây Nam, các đơn vị bộ đội tỉnh Kiên Giang chủ động đối phó trước mọi tình huống xâm lược của Pol Pot suốt trong giai đoạn 1975 - 1979, vừa bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp Campuchia đập tan chế độ Pol Pot, giải cứu nhân dân "đất nước Chùa Tháp" thoát họa diệt chủng. 

Description: Chú thích ảnh

Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam

Ngày 3/5/1975, tập đoàn phản động Pol Pot lợi dụng lúc ta vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn nhiều khó khăn đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc và sau đó 1 tuần lễ chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, giết hơn 500 dân thường. 

Đại tá Đinh Quốc Khải, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang (Tỉnh đội Kiên Giang), nhớ lại: Lúc đó, tôi làm công tác thông tin trong Tỉnh đội, biết được quân phản động Pol Pot bắt đầu có hành động gây hấn ở biên giới với tỉnh Kiên Giang từ tháng 4/1975, khiến cho một trung sĩ Biên phòng của ta hy sinh.

Ngay sau đó, Tỉnh đội chủ động điều động lực lượng bộ đội lên phòng thủ khu vực biên giới Hà Tiên và Tiểu đoàn 207 làm nhiệm ở khu vực biên giới xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành tiếp giáp với Campuchia. Trận đánh đầu tiên của bộ đội Kiên Giang với quân xâm lược Pol Pot diễn ra ngày 14/6/1975, chỉ trong một thời gian ngắn, quân ta đã giành thắng lợi, đẩy lùi đợt tiến công của chúng.

Đại tá Đinh Quốc Khải nhấn mạnh, tất cả hoạt động của Tỉnh đội từ lúc điều quân lên vùng biên giới và những diễn biến sau đó đều cho thấy bộ đội Kiên Giang đã có sự chủ động rất cao trong việc phòng thủ, bảo vệ biên giới lãnh thổ và đủ khả năng đối phó với mọi tình huống xâm lược của đối phương.

Đại tá Võ Hữu Thời, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, cho biết: Lúc đó, tôi làm Phó Tham mưu của Tỉnh đội, phụ trách tác chiến. Trước khi triển khai lực lượng, tổ chức phòng thủ, Tỉnh đội đã cho quân lên tiền trạm trước để có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng trong hoạt động phòng thủ, bảo vệ biên giới.

Đặc biệt, sau hành động xâm lược, gây hấn của quân xâm lược Pol Pot ở biên giới An Giang, các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang), Ban chỉ huy Tỉnh đội càng nêu cao tinh thần cảnh giác trong các đơn vị trực thuộc, chuẩn bị, triển khai lực lượng, sẵn sàng tác chiến trong mọi tình huống.

Nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam trước quân xâm lược Pol Pot, không thể không nhắc đến vai trò chủ lực của Tiểu đoàn 207 Anh hùng, đơn vị đã trực tiếp tham chiến, phòng thủ tại chốt xung yếu vùng biên giới Hà Tiên, từng bước đánh bại quân xâm lược trước khi tiến quân, giúp đỡ quân và dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot.

Chúng tôi đã gặp Thiếu tướng Ngô Văn Dương, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, trực tiếp tham chiến trên chiến trường biên giới Tây Nam với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 207 giai đoạn 1977 - 1979 lịch sử.

Tướng Ngô Văn Dương kể lại: Tôi đang làm Trợ lý Tham mưu của Tỉnh đội Kiên Giang thì được lệnh điều lên biên giới làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 207 vào ngày 25/12/1977, lúc này quân số của Tiểu đoàn khoảng hơn 200 người.

Tiểu đoàn 207 đóng quân tại hang Thạch Động, chốt phòng ngự suốt dải biên giới, giữ các điểm cao thuộc phía bắc Hà Tiên. Sau đó, Bộ Quốc phòng điều Sư đoàn 341 vào để phối hợp với Tiểu đoàn 207 cùng bảo vệ biên giới.

Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả

Từ tháng 12/1978, sau một thời gian phòng ngự, được lệnh của cấp trên, cùng với bộ đội địa phương, các cánh quân chủ lực, Tiểu đoàn 207 cùng các đơn vị thuộc Tỉnh đội bắt đầu tấn công, tiến vào giải phóng Campuchia, tổ chức truy quét lực lượng diệt chủng Pol Pot.

Theo Tướng Dương, đánh quân xâm lược Pol Pot nhiều khi không ác liệt bằng các trận chiến với lính Mỹ song lối đánh du kích khó chịu của chúng gây cho ta rất nhiều khó khăn và tổn hao về lực lượng.

Tuy nhiên, với sự dũng cảm, mưu trí, lòng yêu nước không ngại hy sinh gian khổ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế với nước bạn, lực lượng của ta phối hợp cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đã giành được thắng lợi cuối cùng, tiêu diệt quân phản động Pol Pot, khôi phục chính quyền, giải cứu nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng.

Với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Vùng 5, hình ảnh chiến đấu anh dũng của các anh trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn cách đây 40 năm vẫn luôn in đậm trong tâm trí các cựu quân nhân. Tiêu biểu là các trận đánh của tàu 203 và tàu 215 (Lữ đoàn 171 Hải quân) với sự ngoan cường, táo bạo, khiến các đợt phản kích của địch bị chặn đứng.

Các tiểu đoàn 863, 864, 863 (Lữ đoàn 126 Hải quân) có những lúc bị địch bao vây, cô lập nhưng vẫn kiên cường giữ vị trí, liên tục chiến đấu cả ngày lẫn đêm, giằng co với địch trên từng ụ súng. Đó là hình ảnh của Trung úy Trần Văn Hóa, Ngành trưởng tàu HQ-07, dù bị thương nặng vẫn gượng dậy để chỉ huy bộ đội, trước lúc hy sinh anh gửi gắm với mọi người: “Hãy chiến đấu để bảo vệ nhân dân!”.

Hay như khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Vĩnh bị mảnh đạn bắn xuyên vào chân, phải cắt bỏ nhưng vẫn ngồi trên mâm pháo chiến đấu cho đến trận cuối cùng. Binh nhất Bùi Văn Sáng mới chưa đầy một tuổi quân, một mình đánh lui và tiêu diệt hàng chục tên địch. Binh nhất Phạm Văn Đạm vừa làm nhiệm vụ vừa giữ vững thông tin liên lạc cho đơn vị, vừa chiến đấu tiêu diệt 6 tên địch, bảo vệ an toàn cho 21 đồng chí thương binh của ta… Kết quả cuối cùng, Hải quân Vùng 5 đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, chiến thắng trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, góp phần giải phóng đất nước Campuchia.

Thấm thoát đã tròn 40 năm ngày chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đứng đầu là tập đoàn phản động Pol Pot (7/1/1979 - 7/1/2019), Thiếu tướng Ngô Văn Dương, Đại tá Võ Hữu Thời, Đại tá Đinh Quốc Khải cũng như các cựu quân nhân khác của tỉnh Kiên Giang vừa tự hào về một thời oanh liệt vừa cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến sự hy sinh anh dũng của đồng đội mình.

Description: Chú thích ảnh

Người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam di chuyển trên Quốc lộ 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), do không thể sống nổi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary. Ảnh: Xuân Bân/TTXVN

Các cựu quân nhân bày tỏ lòng biết ơn vô hạn các bậc anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh và lớp lớp chiến sĩ cách mạng đã hy sinh thân mình để giành giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Sự hy sinh của các anh góp phần cho đất nước Campuchia hồi sinh, dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang vô cùng biết ơn những người mẹ, người cha có công sinh thành, nuôi dưỡng những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để đem lại vinh quang cho Tổ quốc, sự trường tồn của dân tộc Việt Nam và tô thắm thêm tinh thần đoàn kết hữu nghị, hợp tác, phát triển giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương 2.141 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia đưa về nước an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.

Qua đó, tỉnh Kiên Giang thể hiện lòng biết ơn, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và quyết tâm giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Thiếu tướng Ngô Văn Dương cho chúng tôi biết, con trai của ông là Trung úy Ngô Đức Tài đang làm nhiệm vụ quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong Đội chuyên trách K92 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. 

Quân và dân tỉnh Kiên Giang vẫn đang tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia đưa về nước an táng bên cạnh những đồng chí, đồng đội thân yêu - những người con anh dũng đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cho "đất nước Chùa Tháp” hồi sinh, phát triển phồn vinh.

Bài 2 - Những ngày tháng không thể quên trong ký ức người lính tình nguyện Việt Nam

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh