Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh - “không chỉ hôm qua, hôm nay, mãi mãi”
Bài 1: Trường học ngoại giao Hồ Chí Minh
Thứ năm: 11:15 ngày 06/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những cột mốc, sự kiện có tính lịch sử của đất nước không tách rời hoạt động đối ngoại, như chủ trương của Đảng: dùng đối ngoại đẩy lùi chiến tranh, đối ngoại hoà bình.

Việt Nam đang bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI trong tâm thế của một quốc gia tầm trung trong khu vực. Năm 2025, nước ta có nhiều hoạt động kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại: 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những cột mốc, sự kiện có tính lịch sử của đất nước không tách rời hoạt động đối ngoại, như chủ trương của Đảng: dùng đối ngoại đẩy lùi chiến tranh, đối ngoại hoà bình. Người đặt nền móng cho đường lối đối ngoại “lấy chí nhân thay cường bạo” chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tái bản năm 2008) thể hiện rõ điều này. Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngoại giao dân tộc ta.

Trường học ngoại giao của Hồ Chí Minh, theo tác giả Nguyễn Dy Niên, là trường học cách mạng.

Hoạt động đối ngoại đầu tiên

Tác giả cuốn sách chỉ ra, hoạt động đối ngoại tiêu biểu đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là vào tháng 6.1919: nhân danh những người yêu nước Việt Nam ở Pháp gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị quốc tế ở Versailles đòi quốc tế công nhận các quyền tự do, dân chủ, bình quyền cho người Việt Nam. Những yêu sách này là “khiêm tốn”, như Nguyễn Ái Quốc từng nhận xét trong bản yêu sách này và trong bài viết “Đông Dương (1923-1924)”.

Mở đầu, bản yêu sách viết: “Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của văn minh chống dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.

Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân An Nam trước kia, nay là xứ Đông - Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây...”.

Hướng tới nhân dân Pháp, trong phần cuối, bản yêu sách viết: “... vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới.

Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại”. Bản yêu sách còn được gửi cho tất cả các nghị sĩ Quốc hội Pháp. Báo Dân chúng của Đảng Xã hội Pháp đã đăng những lời yêu cầu của người Việt Nam.

Một bài báo Nguyễn Ái Quốc viết trên tờ L’ Humamté

Tác giả Nguyễn Dy Niên nhìn nhận, hoạt động ngoại giao này tuy không mang lại kết quả cụ thể, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã cho thuê in bản yêu sách thành truyền đơn phát cho người Pháp trong các cuộc mít tinh, cho những người Việt Nam ở Pháp và gửi về Việt Nam. Bản yêu sách “... đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc... người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao”.

Năm 1920, có hai sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước. Tháng 7, Người đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin, đăng trên báo L’ Humamté.

Tác phẩm này đã “tìm được lời giải đáp cho vấn đề bức xúc mà Người “muốn biết hơn cả”: con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ thời điểm này, như Người nhận xét, “tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Tháng 12, tại Đại hội Tours của Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Nga, hoạt động trong Quốc tế cộng sản, vừa học tập, vừa viết báo, viết sách. Thế giới quan và phương pháp luận Marxist đã giúp Nguyễn Ái Quốc đánh giá, phân tích đúng đắn các sự kiện quốc tế, nhận biết được chiều hướng phát triển của tình hình thế giới.

Các hoạt động lý luận và thực tiễn qua các chặng đường lịch sử thế giới có nhiều biến động phức tạp, đầy thử thách gian khổ đã tôi luyện Nguyễn Ái Quốc thành một nhà hoạt động quốc tế có tầm nhìn bao quát, hiểu biết sâu sắc về chính trị và ngoại giao quốc tế.

Viết báo

Những phân tích và quan sát của Nguyễn Ái Quốc về các vấn đề chính trị quốc tế - ngoại giao xuất hiện trên báo chí quốc tế trong những năm từ 1919 đến 1940 đề cập đến cách mạng vô sản thế giới, chủ nghĩa thực dân, đế quốc và các vấn đề thuộc địa.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về một số vấn đề thời đại được hình thành bởi: tầm quan trọng của chính đảng cách mạng và chủ nghĩa Marx-Lenin đối với Việt Nam; liên minh giữa các dân tộc thuộc địa và giữa giai cấp vô sản tại các nước đi xâm lược thuộc địa với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa...

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925, Nguyễn Ái Quốc viết: “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”.

Muốn cứu nước, muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, vào lực lượng của bản thân mình, trong sự liên kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nghĩa là những “người cùng hội cùng thuyền”.

Báo Người cùng khổ (Le Paria).

Xuất phát từ thực tiễn phương Đông và Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu một số luận điểm sáng tạo. Trong một bản phân tích viết tại Moskva năm 1924, Người nhận xét Việt Nam và phương Đông “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây... Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại...”.

Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xô Viết hoá và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”.

Nguyễn Ái Quốc đã có mặt ở các trung tâm chính trị - kinh tế ở châu Âu, Bắc Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc vào chính thời điểm có những biến động dữ dội, tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống thế giới, Người quan sát, nhận xét và phân tích các vấn đề chính trị quốc tế từ tầm nhìn hiện đại.

Trong các năm 1926-1927, hoạt động Quảng Châu, dưới các bút danh khác nhau, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều phân tích, bình luận trên báo chí quốc tế. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ở châu Âu, Nguyễn Ái Quốc vừa từ Liên Xô đến Trung Quốc.

Nguyễn Ái Quốc viết hàng loạt bài đăng trên các báo Trung Quốc và Việt Nam phân tích diễn biến của tình hình. Người nhận rõ cuộc chiến tranh thế giới đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc thực dân ở châu Á.

Cuộc chiến tranh lần này tạo cơ hội cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á giải phóng khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản tháng 7.1939, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Một cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người”. Trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản, tháng 7.1940, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: đối với cách mạng Đông Dương, đây là cơ hội “nghìn năm có một”.

Lịch sử sau đó diễn ra đúng như nhận định của Nguyễn Ái Quốc viết trong các bài báo.

Dày dạn trong đấu tranh thực tiễn đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc có những hiểu biết sâu sắc về ngoại giao và chính trị quốc tế hiện đại. Tầm văn hoá ngoại giao, cùng với việc nắm vững chiều hướng phát triển của tình hình thế giới là những phẩm chất quan trọng của một nhà lãnh đạo cách mạng và một nhà hoạt động ngoại giao. Từ tháng giêng 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, mang theo hành trang phong phú của 30 năm tìm hiểu, nghiên cứu và hoạt động trong các môi trường chính trị quốc tế.

Việt Đông

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục