Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trí thức người dân tộc thiểu số: Họ đã vươn lên như thế
Bài 1: Từ nhiều phương trời họ đến với Tây Ninh
Thứ tư: 05:58 ngày 22/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trí thức người dân tộc thiểu số đã và đang tham gia lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung.

Thầy giáo Chăm. Ảnh: Dương Đức Kiên

“Cô Bạch Thị Hồng là người vui vẻ, nhiệt tình, luôn giúp đỡ chị em, đồng nghiệp trong trường. Hồng luôn tích cực học tập để làm giàu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Năm học 2019-2020, cô Hồng đạt giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh”- bà Lương Thanh Hồng, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trí Bình nhận xét về người giáo viên giàu nghị lực.

Sự hiện diện của đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng góp phần hoàn chỉnh bức tranh cơ cấu của tầng lớp trí thức ở Việt Nam. Trí thức người dân tộc thiểu số đã và đang tham gia lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Trí thức người dân tộc thiểu số lớn mạnh, gắn liền với cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn.

Sự phát triển của xã hội, cộng với đặc điểm của từng địa phương, những trí thức người dân tộc thiểu số không chỉ làm việc ở vùng sâu vùng xa, rẻo cao mà đang công tác ở vùng đô thị như bệnh viện, trường học, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các cấp.

Cô giáo người Mường

“Tôi là người dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hoà Bình, nơi có lòng hồ thuỷ điện được ví như “biển nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên”. Năm 2013, tôi công tác tại Trường mẫu giáo An Cơ, được 4 năm thì chuyển về Trường mẫu giáo Trí Bình. Trong quá trình công tác, tôi phấn đấu học liên thông lên đại học, các lớp đào tạo nghiệp vụ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một giáo viên mầm non.

Trong công tác, tôi luôn phấn đấu, nỗ lực, yêu nghề, mến trẻ. Hiện nay, Nhà nước đã xây dựng các trường dân tộc nội trú. Tại Tây Ninh cũng có trường này và con tôi đang học tại đó, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn nữa”- cô giáo Bạch Thị Hồng, giáo viên Trường mẫu giáo Trí Bình, huyện Châu Thành mở đầu cuộc trò chuyện.

Cô giáo Hồng nói tiếp: “Tôi vào Đảng năm 2000 và đang học lớp trung cấp chính trị. Tôi cảm thấy con đường mình chọn là con đường đúng đắn và tự hào về bản thân, từ hoàn cảnh khó khăn tôi đã vươn lên để trở thành giáo viên mầm non như hôm nay.

Tuy nhiên, mức lương dành cho giáo viên mầm non còn thấp, giáo viên chưa sống được với đồng lương của mình, nên tôi phải làm thêm các công việc khác vào thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Mong rằng Nhà nước có các chính sách quan tâm tới đồng lương của giáo viên để chúng tôi có thể an tâm công tác”.

Bạch Thị Hồng sinh ra trong gia đình có ba anh em. Cha làm giáo viên, đã nghỉ hưu và mẹ làm nội trợ, gia đình khó khăn, anh trai và em gái đi làm kiếm sống, nhường lại cho Hồng con đường học vấn.

Thi đại học, vì lý do bất khả kháng, Hồng không thể dự thi môn cuối cùng. Không thể học đại học như nguyện ước, cô giáo tương lai rời miền quê núi cao vào Bình Dương tìm việc làm. Bốn năm bươn chải ở Bình Dương, Hồng gặp người bạn đời, cả hai về Tây Ninh sinh sống.

Năm 2008, được sự động viên của gia đình bên chồng, Hồng theo học trung cấp mầm non tại Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Tốt nghiệp, Hồng về dạy tại Trường mẫu giáo An Cơ. Không dừng lại ở đó, bằng đồng lương eo hẹp của mình, cộng với sự động viên của gia đình, cô tiếp tục học và tốt nghiệp đại học sư phạm.

Năm 2017, Hồng rời ngôi trường đầu tiên, chuyển công tác về Trường mẫu giáo Trí Bình. Tại ngôi trường mới này, cô giáo người dân tộc thiểu số không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân, củng cố vị trí việc làm của mình, xem đó như thành quả, như món quà tinh thần để xứng đáng với sự hy sinh của người thân dành cho mình.

Cô giáo mầm non Bạch Thị Hồng.

“Nhà trường và Phòng Giáo dục mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, mình đều tham gia và đạt kết quả tốt. Trong quá trình giảng dạy và học, dù mình là người dân tộc thiểu số nhưng mọi sinh hoạt và học tập cũng như các bạn khác, đối với mình, học đi đôi với hành, theo lời Bác Hồ dạy.

Tự nhìn lại, mình nhận thấy bản thân tận tuỵ, yêu nghề, mến trẻ, được đồng nghiệp giúp đỡ. Ngoài công việc chuyên môn ở trường, mình tham gia các phong trào thiện nguyện, phong trào dạy tốt, luôn đạt thành tích xuất sắc trong các năm giảng dạy, được tín nhiệm, cấp trên tin cậy, bạn bè yêu mến”- cô giáo Hồng chia sẻ.

 “Lắm lúc cũng nhọc nhằn nhưng mình vẫn kiên cường và cố gắng. 39 tuổi rồi, không còn trẻ nữa. Mình nghĩ chọn đúng nghề rồi, không còn lông bông hết công ty này công ty nọ, kiếm nghề này nghề kia, bữa đói bữa no hay lo công việc cho ngày mai nữa. Ước mơ có nhiều người dân tộc thiểu số may mắn như mình. Mong Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn, góp phần xoá mù chữ, tạo công ăn việc làm”- cô giáo Hồng bày tỏ.

Anh cán bộ người Ê-Đê

Cũng ở huyện Châu Thành, có một cán bộ dân tộc thiểu số người Ê-đê - anh MLô Y Lợi, chuyên viên Phòng Nội vụ. MLô Y Lợi quê ở tỉnh Đăk Lăk. Năm 1995, anh đi học theo diện cử tuyển của địa phương. Năm 1998 tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Đà Nẵng.

Duyên số, chàng trai Ê-đê quen một cô gái rồi cả hai về Tây Ninh sinh sống. Năm 2000, Y Lợi công tác tại Phòng Tổ chức chính quyền huyện, theo chính sách tạo nguồn của tỉnh Tây Ninh.

Sau đó, địa phương biệt phái anh về công tác tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, phụ trách nông lâm, thuỷ lợi của xã. Năm 2005, anh Y Lợi về UBND huyện Châu Thành và công tác tại Phòng Tôn giáo - Dân tộc, sau khi Phòng giải thể, anh công tác tại Phòng Nội vụ cho đến nay.

Chuyên viên Phòng Nội vụ huyện Châu Thành, anh MLô Y Lợi, người Ê-đê.

“Tôi cũng như bao anh em công chức khác, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2003, khi chưa là đảng viên, tôi được cử đi học lớp trung cấp chính trị, mới đây nhất được đi học lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Châu Thành có 6 xã biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tôi mong muốn ngày càng có nhiều thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số làm công tác dân tộc, làm nhịp cầu nối giữa chính quyền địa phương với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Từ đó, truyền tải chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến đồng bào nhanh hơn. Mong rằng các thế hệ trẻ sau này, trong quá trình học tập luôn cố gắng tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao tính đoàn kết giữa các dân tộc”- anh Y Lợi chia sẻ.

“Quá trình công tác, anh Y Lợi rất chịu khó, có tinh thần cầu tiến, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa qua, anh Y Lợi được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngoài anh Y Lợi, còn một chị tên Hồng, dân tộc Hoa, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trí Bình.

Đây là hai trường hợp người dân tộc thiểu số làm việc trong hệ thống chính quyền của huyện. Ngoài ra, ngành Giáo dục của huyện còn có tám giáo viên người dân tộc thiểu số công tác tại các trường học trên địa bàn”- bà Huỳnh Thị Kim Nhanh, Phó trưởng Phòng Nội vụ Châu Thành thông tin.

Việt Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh