Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hợp tác xã nông nghiệp: Cần chú trọng thực chất
Bài 1: Từng bước khẳng định
Chủ nhật: 16:17 ngày 01/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về bản chất, vai trò của hợp tác xã (HTX), ngoài yếu tố bảo đảm lợi ích kinh tế cho các thành viên, còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội, đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể xây dựng nông thôn mới.

Nông dân cấy lúa bằng cơ giới (ảnh minh hoạ - Thuý Hằng).

Về bản chất, vai trò của hợp tác xã (HTX), ngoài yếu tố bảo đảm lợi ích kinh tế cho các thành viên, còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội, đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể xây dựng nông thôn mới.

Chất lượng HTX “khá” hơn trước

Theo Liên minh HTX, toàn tỉnh có 138 HTX với 39.146 thành viên, 100% HTX là thành viên của Liên minh HTX tỉnh. Các HTX hoạt động chủ yếu trong 5 lĩnh vực: nông nghiệp, công thương, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải, tín dụng. Toàn tỉnh đang có khoảng 113 tổ hợp tác (THT) với trên 2.000 thành viên, có 8 THT là thành viên của Liên minh HTX tỉnh.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 71 HTX dịch vụ nông nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động với thu nhập trung bình 3,6 triệu đồng/tháng/người. Theo kết quả xếp loại gần đây, có 23 HTX khá, giỏi; 44 HTX trung bình và 1 HTX loại yếu, không xếp loại 3 HTX mới thành lập.

Hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp khá đa dạng, vừa sản xuất, vừa cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. HTX nông nghiệp cung ứng ít nhất là 3 dịch vụ cho thành viên (vật tư, tưới tiêu, khuyến nông) và nhiều nhất là 16 dịch vụ (giống, vật tư, tưới tiêu, khai thác cơ sở hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến...).

Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã tập trung hơn vào việc hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế; tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua các dịch vụ cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh các hoạt động chủ yếu là phục vụ các nhu cầu kinh tế, đời sống của thành viên, hộ thành viên, các HTX còn tạo ra lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội.

Cũng theo Liên minh HTX, thời gian gần đây, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. KTTT đã thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Thông qua việc mở rộng sản xuất, các HTX đã trở thành kênh huy động nguồn lực, góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một số HTX hoạt động có hiệu quả đã làm tốt công tác giải quyết các mối quan hệ sản xuất ở vùng nông thôn, giữa KTTT với kinh tế hộ gia đình và là thành phần kinh tế quan trọng đối với phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Về xã hội, HTX được thành lập không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì mục tiêu xã hội, phát triển cộng đồng như: mô hình HTX là tổ chức cộng đồng có tính tự chủ cao, có khả năng gắn kết, huy động và phát huy sức mạnh của người dân trong các phong trào bảo vệ an ninh trật tự địa phương và công tác xã hội khác. HTX thu hút lực lượng lớn lao động ở nông thôn, tạo việc làm, nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Ðồng thời, xuất phát từ bản chất và nguyên tắc hoạt động, các HTX phát huy tính dân chủ, bình đẳng và công bằng xã hội.

Nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Tuy nhiên, có nhiều HTX nông nghiệp đang tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể như năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ công nghệ lạc hậu, thiếu vốn. Số HTX hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp, được xếp loại trung bình chiếm tỷ lệ lớn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX có lãi tăng nhưng thấp, không có khả năng tích luỹ để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Ða số các HTX lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ lợi có vốn hoạt động thấp, chưa có trụ sở làm việc, chưa đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất; phương tiện - thiết bị - máy móc lạc hậu, ít được đầu tư mới. Ðồng thời, còn nhiều HTX không có phương tiện, máy móc để hoạt động.

Một thực trạng đáng chú ý nữa là trình độ cán bộ quản lý của HTX- nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, nhiệt tình, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển HTX trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, trong tỉnh vẫn còn một số HTX hoạt động chưa đúng với bản chất, chưa tuân thủ các quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Nhiều HTX hoạt động chưa tuân theo nguyên tắc của HTX, thành viên chưa thể hiện là người làm chủ của HTX.

Nhiều HTX chưa chú trọng kết nạp thành viên, còn hạn chế đối tượng, số lượng thành viên tham gia. Có HTX được thành lập nhưng hoạt động không đúng với bản chất HTX, chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần và trông chờ chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, vẫn còn một số HTX chưa hướng tới lợi ích kinh tế của thành viên, thành viên chưa gắn bó với HTX. Dịch vụ HTX cung cấp cho thành viên chiếm tỷ trọng thấp, không có sự ràng buộc kinh tế giữa HTX với thành viên qua hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ. Nhiều HTX chưa chủ động liên kết với các đơn vị kinh tế khác nhằm cung cấp các dịch vụ đầu vào và đầu ra trong sản xuất để hỗ trợ thành viên...

Trong khi đó, hoạt động liên kết của các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp - là hoạt động tất yếu trong kinh tế thị trường hiện chưa được các HTX quan tâm thực hiện, dẫn đến không cung cấp được các dịch vụ thiết yếu cho thành viên.

KTTT là nhu cầu tất yếu khách quan của nền kinh tế

Theo Liên minh HTX, giá trị cốt lõi của HTX không chỉ được đánh giá thông qua lợi nhuận và tăng trưởng về kinh tế mà còn ở việc HTX tham gia hỗ trợ thành viên và cộng đồng xã hội. Các HTX hướng đến mục tiêu tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Ðồng thời, HTX đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội - là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung lĩnh vực đào tạo, tín dụng, ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại để hỗ trợ HTX nâng cao năng lực quản trị và khả năng huy động nguồn lực.

Mục tiêu chung của tỉnh là trong giai đoạn 2020-2025 sẽ phát triển KTTT, HTX nhanh và hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của địa phương; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trong đó, mục tiêu tổng quát là tỉnh sẽ phát triển KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ thành viên phát triển; khắc phục yếu kém, hạn chế hiện nay; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, mang lại lợi ích thiết thực và liên kết chặt chẽ thành viên; xây dựng HTX kiểu mới gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có quy mô lớn và có sức lan toả phát triển bền vững; thu hút ngày càng nhiều hộ cá thể ở địa bàn nông thôn và thành thị, thành phần kinh tế khác tham gia; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.

Có thể khẳng định, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới hình thức HTX, tổ hợp tác là nhu cầu tất yếu khách quan của nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhất là địa bàn nông thôn, có khả năng tích tụ, tập trung ruộng đất và các nguồn lực để tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế.

Bảo Tâm

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục