Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xét lại lịch sử - một hành vi nguy hiểm
Bài 1: Việt Nam phải tranh đấu
Thứ năm: 21:54 ngày 19/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau hàng chục năm đấu tranh bất khuất kiên cường để giành quyền tự quyết và bảo vệ độc lập dân tộc, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào cộng đồng quốc tế.

Một trong những biểu hiện vừa cụ thể vừa tinh vi của chiến lược “diễn biến hoà bình” là hành vi xét lại lịch sử, một biểu hiện cụ thể của “chủ nghĩa xét lại”. Chủ nghĩa hay hành vi xét lại được nhìn nhận là nguy hiểm nhất, bởi từ đây, những người có tư tưởng xét lại có thể đổi trắng thay đen, chính tà lộn ngược, “chiêu tuyết” cho ngoại xâm, đánh phá chế độ từ bên trong. Thực tế chứng minh, trong một số trường hợp, lịch sử có thể lặp lại nhưng không ai thay đổi được quá khứ. Sau hàng chục năm đấu tranh bất khuất kiên cường để giành quyền tự quyết và bảo vệ độc lập dân tộc, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào cộng đồng quốc tế. Nhưng, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, nhiều người, trong đó có người từng giữ vị trí cao trong hàng ngũ, nay lại có dấu hiệu “trở cờ”, muốn xét lại lịch sử.

“Việt Minh, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết không cho phép thực dân Pháp tái lập chế độ thuộc địa, bảo hộ trên đất nước mình. Ở hoàn cảnh của một người tranh đấu cho đất nước vào lúc đó, bất cứ ai ở địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ của các nước để chống quân Pháp xâm lược”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đi dạo trên bãi biển Biarritz, Pháp năm 1946. Ảnh tư liệu

Tiếng nói từ bên kia chiến tuyến

Để khách quan, khỏi mang tiếng “nhà trồng được”, xin bắt đầu bài viết này bằng quan điểm, ý kiến của một người từng phục vụ cho cả hai chế độ khi nước ta còn chia cắt, vì một vài lý do, xin viết tắt tên nhân vật.

Năm 2013, trên mạng Youtube xuất hiện một cuộc phỏng vấn dài gần hai tiếng đồng hồ với ông V.Q.T. Trước năm 1945 và những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, ông V.Q.T từng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền cách mạng non trẻ.

Sau đó, trước những biến động của thời cuộc và xuất phát từ toan tính của cá nhân, ông V.Q.T từ bỏ chính quyền cách mạng, vào miền Nam. Tại đây, sau thời gian “phấn đấu” ông giữ chức vụ cao trong chính quyền Sài Gòn. Năm 1978, ông định cư tại nước Pháp.

Trong cuộc phỏng vấn dài gần hai tiếng đồng hồ, người phỏng vấn đã cố tình “mồi” để dẫn dắt ông V.Q.T nói theo ý đồ của cô ta. Nhưng, trong một chừng mực nào đó, ông V.Q.T đã khách quan khi nói về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Việt Nam phải tranh đấu để giành độc lập, không thể khác”- ông V.Q.T trả lời câu hỏi của người phỏng vấn khi người này cố tình xuyên tạc lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ta lần thứ hai, năm 1946.

Ông V.Q.T thẳng thắn rằng, chính phủ Pháp trở lại Đông Dương, trong đó trọng tâm là Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp, dù thất bại khi để quân phát xít Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ hai nhưng họ vẫn nuôi tham vọng, dã tâm kiểm soát Đông Dương, khôi phục thuộc địa.

Sau ngày 9.3.1945, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tuy mang tiếng độc lập nhưng “thực chất chỉ độc lập trên giấy tờ” vì nhà cầm quyền Pháp không từ bỏ sự chiếm đóng của họ đối với nước ta. Vì lẽ đó, Việt Nam, cụ thể là Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh phải tranh đấu, đánh đuổi thực dân Pháp để giành quyền độc lập cho dân tộc.

“Việt Minh, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết không cho phép thực dân Pháp tái lập chế độ thuộc địa, bảo hộ trên đất nước mình. Ở hoàn cảnh của một người tranh đấu cho đất nước vào lúc đó, bất cứ ai ở địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ của các nước để chống quân Pháp xâm lược.

Tôi không phải đảng viên cộng sản nên tôi nói sòng phẳng, chúng ta không được xét lại lịch sử, bất cứ ai có sự hiểu biết cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tự đặt mình vào địa vị của những người (cách mạng) đang có trách nhiệm lúc đó, mới hiểu được người ta.

Mình xét theo con mắt bây giờ, tâm trạng bây giờ thì dễ sa vào xét đoán và đi đến những nhận định vô cùng bất công về những con người đã đóng góp rất lớn vào công cuộc giải phóng đất nước”- lời ông V.Q.T.

Vẫn theo ông này, không có chuyện một dân tộc khoanh tay chờ thực dân tự nguyện trao trả độc lập. “Nước Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ không phải vì đế chế thực dân này tự nguyện làm điều đó.

Người dân Ấn Độ đã tranh đấu chống thực dân Anh từ lâu, nếu họ không tranh đấu, không dễ gì thực dân Anh buông Ấn Độ”. Ông này nói tiếp, tranh đấu để giành độc lập thật sự (không phải độc lập giả hiệu) là điều không thể khác, bất cứ ai ở vào địa vị đứng đầu đất nước cũng vậy.

“Tôi xin hỏi, thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới xuất phát từ đâu, có phải chính từ những nước thuộc địa bị thực dân chiếm đóng?”- ông này nêu một câu hỏi tu từ, tức hỏi không cần câu trả lời. “Không ai sẵn sàng đem miếng bánh độc lập cho các dân tộc bị áp bức và chiếm đóng”- người này nói.

“Ông từng theo Việt Minh trong chín năm kháng chiến chống Pháp, ông thấy tinh thần chiến đấu của quân Việt Minh như thế nào?”- người phỏng vấn hỏi. Ông V.Q.T trả lời: Lực lượng kháng chiến lúc đó thiếu thốn, trang bị kém nhưng chính phủ kháng chiến biết dựa vào nhân dân, tinh thần anh dũng, ngay từ lúc đó, tôi tin không kẻ nào, kể cả cường quốc có thể chiếm đóng được nước Việt Nam, kẻ chiếm đóng dẫu sao vẫn chỉ là thiểu số. Đó là logic của lịch sử.

Những gì diễn ra tiếp theo sau năm 1945, tức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 9 năm, nhiều người không có điều kiện tìm hiểu. Ngoài nhân vật V.Q.T nêu trên, cũng tại nước Pháp, một nhân vật từng công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó chuyển ngành qua cơ quan báo chí, thập niên 90 của thế kỷ XX, trước những biến động ở Đông Âu, người này bỏ chạy qua phương Tây với hy vọng, một ngày không xa sẽ trở về “lãnh đạo Việt Nam”.

Như vậy, có thể nói, nhân vật này đã trên tuyến đầu chống chế độ trong nước. Tại nước Pháp, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, khi người phỏng vấn chủ ý dẫn dắt rằng, nước Pháp đánh Việt Nam lần thứ hai một phần lỗi ở chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Nhân vật được coi là trùm phản động ngay lập tức bác bỏ thẳng thừng câu dẫn dắt có tính gài bẫy của người phỏng vấn. “Không, cuộc xâm lược của Pháp lần thứ hai ở Đông Dương là do chính phủ nước này muốn khôi phục hệ thống thuộc địa”- người được phỏng vấn trả lời không chút đắn đo.

Điều này hoàn toàn không có gì khó hiểu, vì thực tế lịch sử diễn ra đúng như vậy: Việt Nam không muốn chiến tranh nhưng tại thời điểm đó, chính tư tưởng thực dân của Pháp khiến dân tộc ta không còn lựa chọn nào khác. Nhận định vừa nêu đã được chứng minh không thể hùng hồn hơn trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngày 19.12.1946, không phải lý luận suông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc 1954. Ảnh tư liệu

“Tôi không muốn ra về tay không”

Công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội ra đời, dòng chảy thông tin toàn cầu ngày càng làm rõ hơn những sự thật lịch sử về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ngày 19.3.2022, trên trang cá nhân của một người chuyên làm nghề phục chế ảnh, chuyển ảnh đen trắng thành ảnh màu có đăng một bức ảnh kèm theo chú thích: “Ánh mắt Cụ Hồ”. Sau đó, một số trang khác lấy lại bức ảnh này và chú thích: “Lần đầu Bác nổi giận”.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc ánh mắt giận dữ của Bác Hồ sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại. Nhìn thấy ánh mắt giận dữ đó, ngày 17.8.1946, tờ Franc-Tireur hỏi, vì sao ngài nổi giận? “Tôi muốn cứu vãn hoà bình, tôi không muốn ra về tay không”- Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời.

Gần đây nhất, ngày 10.5, Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022, trong đó có chi tiết, năm 1946, khi Hội nghị Fontainebleau lâm vào bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với chính phủ Pháp rằng: “Chúng tôi coi máu của binh sĩ Pháp cũng như máu của nhân dân chúng tôi, phải tránh cuộc chiến tranh này”.

Các tư liệu được công bố gần đây có dẫn ra câu chuyện Bác Hồ trả lời báo chí phương Tây. Tại Paris, tháng 6 năm 1946, trong buổi tối chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo người Mỹ David Schoenbrun hỏi: “Hồ Chủ tịch, làm thế nào Ngài có thể tiến hành cuộc chiến chống lại quân đội Pháp được?”.

Bác đã trả lời như sau: “Ông Schoenbrun, chúng tôi có một thứ vũ khí bí mật, chớ cười khi tôi nói cho ông điều này. Vũ khí bí mật của chúng tôi chính là chủ nghĩa dân tộc. Có được tinh thần dân tộc, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, là lớn lao hơn bất cứ loại vũ khí nào trên thế giới.

Nếu con hổ đứng yên hoặc nó bị kẹt ở ngoài trời, con voi dũng mãnh của Pháp sẽ đè bẹp nó. Tuy nhiên, con hổ của Đông Dương sẽ ẩn náu trong rừng vào ban ngày. Nó sẽ nhảy lên lưng con voi vào ban đêm và cào xé những mảnh lớn từ da của con voi - rồi từ từ con voi sẽ chảy máu cho đến chết. Có thể mất ba năm, có thể mất năm năm, có thể mất mười năm, nhưng đó sẽ là cuộc chiến tranh ở Đông Dương”.

Lịch sử diễn ra sau đó như thế nào, hẳn nhiều người đã biết. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm này phải điều trần trước Quốc hội Pháp. Tại phiên điều trần, ông ta chỉ nói đúng một câu, không giải thích gì thêm khiến Quốc hội Pháp chưng hửng: “Người ta có thể thắng một đội quân nhưng không thể thắng một dân tộc”.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục