Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Tây Ninh: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bài 1: Y tế vùng biên thực hiện chuyển đổi số
Thứ tư: 09:34 ngày 04/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác Học viện, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị khu vực II đã đi tìm hiểu thực trạng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở một số xã, phường của Tây Ninh. Qua thực tế cho thấy, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Tây Ninh còn nhiều việc phải làm.

Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với lãnh đạo huyện Tân Châu (ảnh: Chí Thành)

Trong đợt khảo sát, đoàn công tác Học viện có buổi làm việc tại UBND huyện Tân Châu. Tiếp đoàn có ông Võ Hồng Sang- Chủ tịch UBND huyện, ông Bùi Trọng Bình- Phó Chủ tịch HĐND huyện, bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện. Theo đánh giá của đoàn, bước đầu công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở huyện biên giới này đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Một số kết quả tích cực

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tân Châu cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả tích cực. Các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn kết nối internet 100%, đồng thời được trang bị máy vi tính để làm việc.

Mạng số liệu chuyên dùng của tỉnh được kết nối từ huyện đến xã qua hệ thống Một cửa, hệ thống họp trực tuyến bảo đảm an toàn thông tin. Các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được số hoá đạt 71,9%. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang là 85%. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh khoảng 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử (VNeID) khoảng 30%.

Hiện nay, UBND huyện đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư thực hiện Phòng điều hành thông minh (IOC) huyện Tân Châu.

Về cơ sở hạ tầng y tế, huyện Tân Châu có 1 Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, thực hiện 3 chức năng là dự phòng, điều trị và dân số, truyền thông giáo dục sức khoẻ. Trung tâm Y tế huyện có quy mô 100 giường bệnh, gồm 5 phòng chức năng, 9 khoa chuyên môn, 2 khoa thuộc khối y tế dự phòng và 12 trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc. Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện có tổng số cán bộ, công chức, viên chức 215 người.

PGS.TS Lê Văn Chiến- Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, trưởng đoàn công tác Học viện phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Châu (ảnh: Chí Thành)

Trong những năm qua, ngành Y tế huyện Tân Châu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn huyện. 100% cơ sở y tế trực thuộc đã hướng dẫn người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh thay thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chip, bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Y tế huyện đã triển khai thực hiện báo cáo trực tuyến trên phần mềm thống kê y tế điện tử, 100% trạm y tế xã, thị trấn thao tác thành thạo và bảo đảm theo quy định; 100% văn bản được ký số, trao đổi liên thông qua phần mềm eGov; đã triển khai thực hiện chữ ký số cho bác sĩ khám, chữa bệnh để thực hiện kê đơn thuốc điện tử, đến nay 100% đơn thuốc điện tử được liên thông trên hệ thống đơn thuốc quốc gia; đồng thời, thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm trên phần mềm thống kê báo cáo bệnh không lây, bảo đảm đúng quy định.

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT theo đúng quy định. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thực hiện việc liên thông các dữ liệu, như liên thông các loại chứng từ lên Cổng giám định BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, thị trấn sử dụng phần mềm VNPT-HIS. Hiện tại, hệ thống cơ bản đã kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu của các Trung tâm IOC tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Còn không ít khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện cho biết thêm, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của ngành Y tế huyện Tân Châu cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Trung tâm Y tế đã triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và đặt lịch hẹn qua số điện thoại 0845247115, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, đến nay việc tư vấn khám chữa, bệnh từ xa, đăng ký trực tuyến đã không còn thực hiện; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử trên 80% đến nay chưa thực hiện được.

Ở Tân Châu, việc thực hiện hồ sơ sức khoẻ điện tử và bệnh án điện tử tuy có triển khai thực hiện, nhưng chưa có hiệu quả (ảnh minh hoạ)

Trụ sở hoạt động của Trung tâm Y tế huyện xây dựng đã lâu, do đó hệ thống hạ tầng mạng của Trung tâm không đồng bộ, không được lắp đặt, thiết kế theo khoa học; đường truyền internet không ổn định, hệ thống máy tính đã được trang bị từ lâu, xuống cấp, hư hỏng nhiều, đa phần sử dụng máy tính cũ, hệ điều hành thấp, phần mềm chưa được cài đặt đồng bộ từ Sở Y tế đến Trung tâm Y tế huyện; nhân lực, kinh phí chưa bảo đảm... Tất cả những yếu tố trên dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế giai đoạn hiện nay.

Việc ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống của ngành y tế đã được triển khai, tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được. Lý do, Trung tâm Y tế huyện không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Mặt khác, trình độ dân trí trên địa bàn huyện cũng như mức độ tiếp cận về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tiện ích số, chuyển đổi số còn thấp, người dân chưa tiếp cận, sử dụng tiện ích số, dịch vụ công trực tuyến liên quan trực tiếp đến phòng ngừa, đăng ký khám, tư vấn, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Việc triển khai thực hiện hồ sơ sức khoẻ điện tử và bệnh án điện tử chưa có hiệu quả, kết quả mới chỉ dừng lại ở việc cài đặt phần mềm nhưng chưa khai thác, sử dụng các phần mềm này.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn tồn tại trong giai đoạn 2020-2025, UBND huyện Tân Châu đề xuất một số giải pháp và kiến nghị: Ngành Y tế phải chủ động rà soát tất cả những khó khăn, vướng mắc chưa thực hiện được chuyển đổi số trong lĩnh vực của ngành, như con người, hạ tầng cơ sở vật chất, đường truyền, thiết bị, hệ thống phần mềm, kinh phí... để tổng hợp báo cáo, đề xuất cụ thể gửi đến Bộ Y tế hoặc UBND các cấp giải quyết; thường xuyên tổ chức đào tạo, bổ túc kiến thức sử dụng các công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện nói chung và của ngành Y tế nói riêng.

Bệnh nhân là đối tượng cần được hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế (ảnh minh hoạ)

Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin được tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo về chuyển đổi số y tế, nâng cao năng lực khai thác các nền tảng công nghệ số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Phát triển ứng dụng cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khoẻ của mình, nhắn tin thông báo về thông tin sức khoẻ cho người dân trên ứng dụng, đặt lịch khám bệnh, tư vấn sức khoẻ từ xa, quản lý lịch sử khám bệnh, quản lý kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, quản lý đơn thuốc, thanh toán viện phí, tra cứu thông tin bệnh tật, thuốc, cơ sở y tế, quản lý các bài tập nâng cao sức khỏe.

Đại Dương

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục