Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Đại hội XIII của Đảng với vấn đề an ninh con người
Bài 2: Bảo vệ an ninh quốc gia chính là bảo vệ an ninh con người
Thứ bảy: 08:40 ngày 19/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đảng khẳng định “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội…”.

Lễ thượng cờ ở Lăng Bác.

Các chuyên gia phân tích, điều nêu trên là sự tiếp nối nhất quán nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề xã hội như một nội dung đặc biệt quan trọng vì mục tiêu phát triển con người.

Đó cũng là hạt nhân của định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đứng trước những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, sự phân tầng xã hội, tình trạng tội phạm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... thì việc bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, trong đó có “an ninh con người” nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của con người và xã hội, thể hiện tính chất ưu việt của chế độ xã hội ta, coi con người là mục tiêu phát triển xã hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc cần “phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhận thức mới về an ninh quốc gia. Vấn đề này cần được hiểu một cách toàn diện hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống.

An ninh quốc gia bao gồm: an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hoá, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh môi trường, an ninh con người…

Ở đây, nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng”. Do vậy, bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” trong đó có những dấu ấn về phát triển con người, an ninh con người.

Năm 2020, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4% kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Việt Nam cũng ngày càng bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi cho người dân. Chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn.

Vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, kết hợp có hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ động đấu tranh có hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm, phòng ngừa, ứng phó kịp thời với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống…

Những thành tựu trên đều hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm, vì một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C.Mác và Ph.Ăngghen,), tức hướng tới “an ninh con người” và “bảo vệ an ninh con người”, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh thành tựu đạt được, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “an ninh con người” ở Việt Nam còn một số hạn chế, năng lực, trình độ nền kinh tế còn thấp, ảnh hưởng đến đời sống vật chất của người dân.

Tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội... ở một số nơi chậm khắc phục, giảm nghèo chưa bền vững, phân hoá giàu - nghèo chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý.

Chất lượng dịch vụ y tế- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn; công tác lãnh đạo, quản lý “bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội”.

Những hạn chế vừa nêu bắt nguồn từ nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, cán bộ đảng viên còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất, công tác chỉ đạo, tổ chức yếu. Năng lực quản lý, điều hành hạn chế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tiếp diễn tạo ra những hậu quả xấu cho con người, xã hội…

Theo dự báo của Đại hội XIII, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, phức tạp, gia tăng nhiều rủi ro với môi trường kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế, “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”.

Điều đó không chỉ tác động đến cộng đồng quốc tế mà cả đối với Việt Nam, trong khi đó, các nguy cơ được Đảng ta dự báo trước đây không chỉ vẫn tồn tại mà có mặt còn diễn ra gay gắt hơn, “tiến bộ và công bằng xã hội”, “an ninh con người” đứng trước nhiều thử thách to lớn, đòi hỏi phải kịp thời giải quyết.

Một trong những vấn đề cần ưu tiên là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cần xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền và nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành luật.

Thực hiện đúng đắn dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Để bảo đảm an ninh con người cần phải phát triển kinh tế, kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người dân.

Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin… Phương hướng này thể hiện rõ nét tinh thần bảo đảm an ninh con người phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm; an ninh con người trong lĩnh vực kinh tế phải gắn chặt với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Phương hướng này đòi hỏi phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

Đảng ta yêu cầu quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, cơ bản của người dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm. Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm giúp các đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững.

Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân và chất lượng khám, chữa bệnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh…

An ninh con người là một trong những nội dung lý luận mới được Đảng ta chỉ ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, những cơ hội và thách thức đặt ra đối với sự an toàn của con người cũng như sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, việc nhận thức đầy đủ tư duy lý luận của Đảng về an ninh con người, nắm bắt và quán triệt vào thực tiễn cuộc sống là hết sức cần thiết, cấp bách.

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, cần có những chủ trương, biện pháp có tính chất vĩ mô, lâu dài, cần thiết phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả yếu tố nội lực và ngoại lực.

Những phương hướng mà Đảng ta chỉ ra trong Đại hội phải được cụ thể hoá thành những cách làm, bước đi phù hợp với tình hình thực tế nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ con người, đưa đất nước ngày một phát triển bền vững.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục