Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Họ đã sống những năm tháng như thế
Bài 2: Cậu bé người khmer cứu sống anh giải phóng quân
Thứ sáu: 12:25 ngày 21/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thật may mắn, một cậu bé chừng 14-15 tuổi nhận ra anh giải phóng quân. Cậu bé này quả quyết với dân làng, đây là người đã gửi xe máy ở làng. Lúc đó, bà con người Campuchia vội đưa ông Lâm xuống hầm để tránh những trận pháo tiếp theo...

Ông Đinh Văn Lâm

Có những sự kiện trong chiến tranh, chỉ người trong cuộc mới hiểu, cảm nhận hết sự khốc liệt, đau thương. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết. Bây giờ, khi ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, họ thường nói với nhau, không hiểu bằng một sức mạnh nào đó, họ vượt qua được lằn ranh mong manh ấy.

XÉ BAO ĐỰNG GẠO LÀM BĂNG CÁ NHÂN

Như ông Phạm Văn Quynh (nhân vật chính trong bài viết trước), ông Đinh Văn Lâm sinh ra và lớn lên ở xứ sở Chùa Tháp. 16 tuổi, người thanh niên Đinh Văn Lâm rời gia đình đi học nghề kỹ thuật sửa chữa ô tô ở thủ đô của Campuchia. Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi, ông Lâm tham gia Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Có tay nghề sửa xe, Đinh Văn Lâm được phân công về một đơn vị vận tải cho đến năm 1970. Nhớ lại những năm tháng tham gia kháng chiến, ông Lâm nói, gian khổ, thiếu thốn, sự ác liệt là những “từ khoá” phổ biến vào thời đó. “Các bạn không thể hình dung hết được đâu. Vận tải là mục tiêu hàng đầu của các cuộc ném bom. Nhưng lúc đó, ngồi trong buồng lái, chúng tôi chỉ nghĩ, miễn sao bom không rơi trúng xe mình, thì mình cứ thế đi thôi. Rất nhiều ký ức và kỷ niệm”- ông Lâm mở đầu câu chuyện kể về những năm tháng phục vụ ở đơn vị vận tải- “những chiếc xe không kính”.

Bốn năm sau ngày nhập ngũ, chiến sĩ Đinh Văn Lâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam- năm 1971. Lúc này, theo yêu cầu công tác và tình hình chiến trường, ông Lâm- nhờ có vốn văn hoá, có tay nghề, lại biết ngoại ngữ nên được điều động tham gia xây dựng tổ chức cơ sở.

“Vừa chiến đấu vừa xây dựng cơ sở, đơn vị của chúng tôi chỉ cách Lộc Ninh 20 cây số, liên tục đối mặt những trận càn của đối phương. Ban đêm đi xây dựng chính quyền, củng cố cơ sở, ban ngày nghỉ ngơi, khi có trận càn của giặc thì tất cả tham gia chống càn”.

Trong một trận chống càn trên đất Campuchia, đơn vị cử ông Lâm cùng một tiểu đội liên lạc với đơn vị bạn, cách nơi xuất phát chừng năm cây số. Đến một khu vườn cao su, ông nghe một giọng nói miền Bắc. Nỗi nhớ quê trỗi dậy, ông Lâm cất tiếng hỏi xem có ai cùng quê cha đất tổ với ông không. Vừa định tiến lại gần nhưng bất giác, ông yêu cầu cả tiểu đội dừng lại, vì ông biết khu vực này không có đơn vị nào thuộc quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

“Cả hai bên đã nhận ra nhau nhưng chưa bên nào nổ súng. Tôi hỏi một người trong tiểu đội, khoảng cách này liệu B40 có bắn được không, cậu ta trả lời: được. Tôi ra lệnh khai hoả xong rồi rút quân ngay. Sau khi quả đạn B40 rời khỏi nòng, pháo của địch bất thần từ các hướng cấp tập dội xuống ngay nơi tiểu đội đang chiến đấu. Ba anh em bị thương nhẹ. Riêng tôi bị nặng nhất, nằm lại trận địa pháo, ngất xỉu mấy phút sau mới tỉnh dậy”- ông Lâm nhớ lại.

Ông Lâm bị một mảnh đạn pháo cắt ngang cằm, dùng tay nâng hàm răng lên thì thấy phần xương hàm đã vỡ, lòng thòng dưới cằm. Lúc này, ông biết mình bị thương rất nặng, dùng băng cá nhân băng bó không được vì vết thương quá lớn. “Tôi phải xé cái bao đựng gạo buộc chặt khu vực cằm và quai hàm của mình lại để cầm máu”- cựu chiến binh Đinh Văn Lâm nhớ lại khoảnh khắc đau đớn.

Ông kể tiếp, một lúc sau, mặc dù bị thương rất nặng, ông vẫn băng qua khu rừng về tới một ngôi làng. Ngôi làng này, trước khi trận càn diễn ra, là nơi đơn vị ông gửi một số trang thiết bị phục vụ chiến đấu. Về đến làng, mọi người không ai nhận ra vì gương mặt ông Lâm biến dạng.

Thật may mắn, một cậu bé chừng 14-15 tuổi nhận ra anh giải phóng quân. Cậu bé này quả quyết với dân làng, đây là người đã gửi xe máy ở làng. Lúc đó, bà con người Campuchia vội đưa ông Lâm xuống hầm để tránh những trận pháo tiếp theo, đồng thời sắc thuốc cho ông uống. Làm mọi cách nhưng vẫn không cầm được máu.

Nghĩ rằng để vết thương rỉ máu mãi, tính mạng bị đe doạ, ông Lâm xin một tờ giấy, mượn bút viết bằng hai thứ tiếng Việt và Khmer, nhờ người dân ở làng cầm tờ giấy, lần theo địa chỉ đưa đến đúng nơi có một y sĩ của quân giải phóng. Một lúc sau, ông Lâm được người của ta đưa về chăm sóc. Sau hai tháng, vết thương tạm ổn nhưng “hai cái môi của tôi cứ lòng thòng, phải băng bó giống như ta đeo khẩu trang vậy. Thấy tình hình không ổn, đơn vị báo cáo cấp trên và đưa tôi ra miền Bắc”- ông Lâm cho biết.

Ngày 30.4, đang điều trị vết thương, ông Lâm nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối. “Cảm xúc của tôi lúc đó không sao tả được. Dân tộc ta đã hy sinh vô cùng to lớn cho cuộc trường kỳ kháng chiến vì độc lập". Sau ngày hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, vết thương bình phục, ông Lâm trở về miền Nam, công tác tại huyện Tân Biên.

Ông Đàm Tuy

“MỖI LẦN GẶP MẶT LẠI VƠI ĐI MỘT ÍT”

Những ngày tháng tư này, ông có điều gì suy tư? “Đất nước mình có những khác biệt so với một số quốc gia khác cùng trải qua chiến tranh. Theo tôi, sau chiến tranh hầu như không quốc gia nào tránh được tình trạng xung đột kéo dài triền miên và đặc biệt, chết vì đói.

Nước ta có một giai đoạn thiếu thốn nhưng chưa đến mức chết vì đói. Chúng ta có những hạn chế, thậm chí có cả những sai lầm nhưng một phần bởi điều kiện lịch sử của đất nước. Đến hôm nay, tôi- một người đi qua chiến tranh cùng triệu triệu con người khác, thật lòng nói rằng, chúng ta sung sướng, may mắn được sống trong một đất nước hoà bình. Nước ta đã đổi mới.

Chúng ta quan hệ ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả các nước. Nhờ buôn bán, quan hệ thương mại, chúng ta có tích luỹ để phát triển đất nước. Tôi nhớ mãi câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam theo trường phái ngoại giao cây tre: kiên cường, không cứng nhắc, dẻo dai và uyển chuyển. Chúng tôi đã già, gần 80 cả rồi, tôi muốn có vài lời gửi đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, các cháu hãy cố gắng học tập thật giỏi để góp phần xây dựng đất nước hùng cường".

“Mười bảy tuổi, tôi khoác ba lô cùng một cây gậy (để đi đường rừng) vượt Trường Sơn. Là thanh niên, thời ấy ai cũng thế, không thể ngồi yên khi non sông gấm vóc bị quân thù giày xéo, đất nước chia cắt. Gần 80 tuổi rồi, tôi xin nói ngắn gọn thôi. Chỉ những ai sống, trải qua những năm tháng đó ở chiến trường mới thật sự hiểu hết những gian nan, hiểm nguy.

Ngày 30.4, tôi đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt của người thân, của đồng chí. Đó chắc chắn là giọt nước mắt của hạnh phúc: chiến tranh đã chấm dứt, Bắc Nam liền một dải, từ “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, dẫu rằng không thể không có những giọt nước mắt của khổ đau, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”- ông Đàm Tuy (ngụ Tân Lập, Tân Biên), một người lính từng đi qua chiến tranh bộc lộ cảm xúc.

Ông Đàm Tuy cho biết, mỗi lần anh em trong đơn vị cũ họp mặt, lại vơi đi một ít. Vừa rồi, ông cùng con trai làm một chuyến vượt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh bằng xe ô tô cá nhân. Đường Trường Sơn năm xưa, có nơi chưa có dấu chân người, bây giờ thành đại lộ thênh thang.

“Đất nước thống nhất, hoà bình, hội nhập thế giới để phát triển. Sự hy sinh của triệu triệu con dân đất Việt không uổng phí. Tôi chỉ hơi buồn khi trong chuyến hành trình ra miền Bắc, không còn thấy nhiều cánh rừng như khi chúng tôi vượt Trường Sơn mùa xuân 1967. Ngày ấy vượt Trường Sơn, chính cánh rừng của đại ngàn hùng vĩ đã che chở, giúp chúng tôi tránh được mưa bom bão đạn”- người cựu binh già bày tỏ cảm tưởng sau gần 50 năm trở lại Trường Sơn.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh