Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở tuổi 85, ông Nguyễn Văn Lập, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành hàng ngày vẫn còn dùng xe máy đi quanh ấp thăm người thân, uống trà, trò chuyện với nhau ở tuổi xế chiều.

Một phần do tuổi cao, phần do trải qua bom đạn trong chiến tranh, tai ông Lập hơi nặng, rất khó khăn, nhiều lúc phải nhờ vợ ông giải thích, nhóm phóng viên mới chắp nối thông tin thành câu chuyện của cuộc đời ông, kể từ năm 1960.
“Chỉ còn mình tôi”
Bằng trí nhớ của một người gần 90 tuổi, ông Lập kể, ông tham gia đội quân kháng chiến bằng cột mốc thời gian đáng nhớ: ngày 1.1.1960. Chín năm kể từ ngày tham gia cách mạng, ông Lập nhớ nhất vào năm 1969. Theo trí nhớ, thời điểm này ông có mặt tại một đơn vị có tên gọi Trung đoàn 170 của Miền.
Ông cho biết, trong những năm 1968–1969, có hai sự kiện ông không bao giờ quên được: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần và đơn vị của ông hy sinh rất nhiều trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. “Trận đánh ác liệt. Lúc bấy giờ trung đội của tôi, sau mấy ngày chiến đấu chỉ còn bốn người sống sót. Tình hình diễn biến quá xấu, xuất hiện tâm trạng bi quan.
Như vừa nói, nhóm chúng tôi chỉ còn bốn người nhưng vài ngày sau, ba người trong số đó chịu không nổi với bom đạn. Ba anh em nói với tôi rằng, “tụi em chịu không nổi nữa, tụi em có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn uống, khát nước không thể chịu được. Tụi em đi đây. Nói xong, cả ba người rời đi. Họ đi đâu, tôi không biết. Mang tiếng một đơn vị, một nhóm chiến đấu nhưng giờ chỉ còn một mình tôi trụ lại.
Một thời gian sau, tôi đi học đặc công. Từ người lính lên đến cán bộ đại đội, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt. Tôi kể cho thế hệ hôm nay biết chiến tranh khốc liệt như thế nào chứ không phải “báo cáo thành tích hay công trạng này kia. Đến hôm nay, tôi còn nhớ trận càn Junction City ngay trên mảnh đất Tây Ninh này. Hôm đó, tôi vào trận lúc năm giờ sáng. Chiến đấu, tôi bị thương ở tay trái.
Ngày hôm đó, địch huy động hàng loạt máy bay ném bom vô cùng ác liệt. Bom rải từ sông Vàm Cỏ Đông lên Lò Gò, đánh vòng lên Xa Mát rồi qua Đồng Rùm. Rải bom xong, pháo địch bắn như mưa. Xe tăng, xe thiết giáp của họ đi hàng đống ngoài cánh đồng, đúng tính chất trận càn quét. Trong tư thế chiến đấu, tôi chỉ chờ xe địch lọt vào mục tiêu và nhả đạn. Phải nói trận càn đó quá ác liệt. Sau trận đánh đó tôi biết mình còn sống”.
Những ngày tháng bao trùm bởi khói lửa chiến tranh, ông mong muốn điều gì nhất? “Tôi chỉ mong hoà bình, không còn bom rơi đạn nổ, quân thù cũng không còn để tôi lăn ra ngoài đường… ngủ một giấc. Giấc ngủ bình yên ngay trên quê hương Tây Ninh của mình, không mong gì hơn. Trong những năm tháng chiến tranh, tôi từng thuộc biên chế của nhiều đơn vị khác nhau. Tôi được biết, có chừng hai ngàn đồng đội của tôi ở những đơn vị đó đã hy sinh, phần lớn ngã xuống trong trận Mậu Thân 1968.
Hôm nay, ngồi đây, trong chiều tháng tư lịch sử, ở tuổi gần đất xa trời, tôi nghĩ bản thân mình may mắn trở về sau chiến tranh. Tôi tin rằng mình đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người thanh niên khi Tổ quốc gọi. Tôi mong con cháu sau này ráng noi gương cha ông, phải biết giữ nước”.
Cô gái “Mười tám thôn vườn trầu”
Cũng như trong câu chuyện vợ chồng ông Trịnh Minh Tấn và bà Nguyễn Thị Là trong bài đầu tiên của loạt bài này, trong chiến tranh, có những câu chuyện vừa đẹp vừa đau. Trong thời gian tham gia chiến đấu giải phóng quê hương, anh lính Nguyễn Văn Lập quen người con gái tên Nguyễn Thị Sáng, quê Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Kém chồng 5 tuổi, năm nay bà Sáng tròn 80. Bà Sáng chính là người đã “phiên dịch” cho nhóm phóng viên khi chúng tôi trò chuyện với chồng bà. Nhưng cũng thật thú vị, qua đó chúng tôi biết bà từng có thời gian dài tham gia kháng chiến tại quê hương “Mười tám thôn vườn trầu” – Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.
Tuổi 80 nhưng còn tinh anh, bà Sáng kể, gia đình bà, anh chị em ruột, kể cả thế hệ con cháu ở Hóc Môn ngày ấy, hàng chục người tham gia cách mạng. Bà có một người anh ruột, một người chị ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Sáng tham gia cách mạng (hoạt động bí mật) năm bà tròn mười bảy tuổi.
“Suốt thời gian hoạt động bí mật, tuổi mười bảy, còn trẻ, tôi dễ dàng đánh lừa được quân địch, phục vụ chiến đấu cho quân dân ta vùng “tam giác sắt”. Nhưng thật không ngờ, thân phận tôi bị bại lộ bởi chính một đồng đội nữ của mình. Người này không phản bội tôi. Cô bạn ấy có chồng. Chồng cô ấy, bề ngoài hoạt động cho ta nhưng chúng tôi không thể ngờ anh ta là người của địch cài vào hàng ngũ của ta.
Tôi với người bạn của tôi cùng đơn vị nên những gì tôi biết về bạn, bạn cũng biết về tôi. Có thể chính bạn tôi cũng không thể ngờ chồng mình lại là một điệp viên hoạt động cho giặc. Bại lộ và có nguy cơ bị bắt, mẹ tôi đưa tôi vào hoạt động trong nội thành (Sài Gòn) vì nhà tôi có người thân ở trong đó, cũng là cơ sở cách mạng”– bà Sáng lần hồi về thời tuổi trẻ tham gia cách mạng.
Một thời gian sau, khi tình hình thay đổi có lợi cho ta, người mẹ tìm cách đưa con gái mình về hoạt động ở vùng Hóc Môn, Củ Chi. “Những năm tháng đó gian khổ nói sao cho hết. Nhưng tôi quyết tâm chiến đấu, chiến đấu đến cùng để góp phần đánh đuổi quân thù. Khi mẹ tôi đưa tôi từ nội thành về, tôi đã nói với mẹ, con sẽ chiến đấu cho đến khi gặp lại mẹ tại ngôi nhà của mình trong hoà bình, thống nhất”– bà Sáng nhớ lại.
Khi nhóm phóng viên đặt câu hỏi về việc tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, lại là nữ, bà có điều gì muốn nói về những đồng đội nữ của mình không? Bà Sáng nói: “Chiến tranh gian khó, hy sinh, không lời nào nói hết được. Nhưng đối với phái nữ, chúng tôi có những cái khó, cái khổ riêng. Có những đồng đội nữ của chúng tôi chẳng may rơi vào tay giặc. Điều gì xảy ra sau đó, không khó đoán đâu”.
Trước khi chia tay nhóm phóng viên, bà Sáng rót một ly trà, uống. Bà cho biết, cả đời bà, từ khi còn thanh xuân cho đến nay, tuổi 80, bà chưa bao giờ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì có chất kích thích. Nhưng “hôm nay gặp hai anh em mày, tao vui quá, phải uống một ly trà mới được”!
“Em bò thêm vài mét, phía sau bớt đổ máu”
Buổi chiều tháng tư, trong lúc nhóm phóng viên đang “’khai thác thông tin” của vợ chồng ông Lập, bà Sáng, có một người đàn ông đạp xe qua nhà ông bà chơi. Biết ý, người này im lặng nghe cuộc trò chuyện, trao đổi giữa khách và chủ nhà. Nhìn ngoại hình, chúng tôi đoán người này chỉ tầm sáu mươi tuổi. Cuộc trò chuyện với người này sau đó khiến chúng tôi ngạc nhiên: ông đã 78 tuổi, một cựu bộ đội đặc công, tên ông là Đỗ Văn Sậu.
Khi chúng tôi nói rõ lý do, mục đích của cuộc gặp, cụ ông 78 tuổi nhưng rất trẻ bỗng dưng bật khóc và chỉ nói một câu ngắn ngủn “thôi đừng nói nữa, đau lắm”. Hiểu được “sự khẩn nài” của nhóm phóng viên, ông cho biết, quê ông ở Hà Tây (Hà Nội hiện nay) cùng bao thanh niên miền Bắc, họ rời mái trường giữa mùa ve kêu, phượng nở.
“Ba tháng kể từ ngày lên đường, đơn vị chúng tôi có mặt tại Phước Long (Bình Phước hiện nay) và lâm trận. Trước khi vào đến Phước Long, dọc đường đi, nhiều khi thiếu lương thực, người dân, đồng bào dân tộc thiểu số luộc khoai mì (sắn) cho chúng tôi ăn. Khi lên đường, vì là lực lượng đặc công, chúng tôi hành quân gọn nhẹ.
Tôi còn nhớ, hồi đó chúng tôi được biết sẽ hành quân vào miền Nam theo hai “đường dây”: một đường dây của nước bạn anh em và một đường dây của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Do tính chất, vị trí chiến đấu, bộ đội đặc công, trinh sát bao giờ cũng đi trước mở đường. Chúng tôi phải bò, cắt nhiều lớp thép gai công sự của quân địch. Có đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, được lệnh rút ra nhưng báo cáo chỉ huy “để em bò thêm vài mét nữa, khi nổ súng, bộ đội bớt đổ máu”– ông Sậu kể.
Việt Đông – Hoàng Yến
(còn tiếp)