Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cuộc đấu tranhvì chân lý và sự thật
Bài 2: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện
Thứ bảy: 09:24 ngày 23/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quan điểm của Đảng là: “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”.

Dân chủ là một hình thức nhà nước

Từ năm 1998, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản quan trọng như Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa dân chủ đi vào đời sống ở cấp gần gũi nhất với từng người dân, nhất là ở nông thôn. Trong đó, người dân thực hiện dân chủ không chỉ bằng hình thức gián tiếp mà cả trực tiếp.

Từ kinh nghiệm này cho thấy, đồng thời với hình thức dân chủ gián tiếp ngày càng được hoàn thiện, hình thức dân chủ trực tiếp cũng có thể được áp dụng rộng rãi hơn, ở mức độ cao hơn, không chỉ ở cấp độ cơ sở, cấp độ địa phương mà còn có thể ở cấp độ quốc gia.

Khẳng định điều này, trong quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 về mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, Đảng đề ra chủ trương “Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội tạo động lực phát triển đất nước”.

Trong mối quan hệ giữa dân chủ và hệ thống chính trị, từ Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng xác định đổi mới hệ thống chính trị là hướng tới xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là làm cho dân chủ của hệ thống chính trị phát triển hơn nữa.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Trong hệ thống chính trị, nhà nước là một công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là thành phần cơ bản và chủ yếu của cơ chế dân chủ gián tiếp. Theo quan niệm phương Tây truyền thống, dân chủ là một hình thức nhà nước (Lenin cũng khẳng định điều này). Đảng quan niệm, dân chủ xã hội chủ nghĩa luôn gắn liền vấn đề tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các văn kiện của Đại hội XI đều khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bản chất và nguyên tắc tổ chức là một nhà nước dân chủ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực thiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”.

Như vậy, để thể hiện dân chủ, Nhà nước phải hoàn thiện về mặt pháp lý cơ chế hoạt động của chính bộ máy nhà nước. Đó là sự phân công, phối hợp, kiểm tra và giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan, các thể chế nhà nước như quốc hội, chính phủ, toà án, viện kiểm sát. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 dùng khái niệm “kiểm soát” giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm bảo đảm dân chủ trong cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước. Đây là một điểm mới đáng ghi nhận trong tư duy về tổ chức nhà nước của Đảng ta. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua cho thấy không tách rời với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh chức năng xã hội, các tổ chức đó còn có chức năng chính trị, là các thể chế của nền dân chủ. Trong điều kiện một đảng lãnh đạo như nước ta, vai trò của Mặt trận lại càng quan trọng. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước... Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Khẳng định vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đối với Đảng, Nhà nước là một điểm mới trong chủ trương mở rộng, phát triển dân chủ ở nước ta và sẽ được cụ thể hoá thành quy định, thể lệ trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Dân chủ phải trở thành văn hoá

Theo tác giả cuốn sách, đã từ lâu, dân chủ không còn bó hẹp trong phạm vi truyền thống của nó là hình thức nhà nước, là hoạt động của hệ thống chính trị. Dân chủ đã được xem là vấn đề của văn hoá, văn minh, nghĩa là đi vào đời sống tinh thần, lối sống, cách ứng xử, cách thức tổ chức sinh hoạt của các tập thể, cơ quan, nhóm, cộng đồng và xã hội nói chung. Người không có học vấn, thiếu tri thức thì sẽ rất hạn chế trong thực hiện quyền làm chủ. Vì vậy xây dựng, phát triển dân chủ cần phải đi đôi với phát triển văn hoá, nâng cao dân trí. Văn hoá phải mang tinh thần dân chủ, hướng tới phát triển dân chủ và dân chủ phải đi vào văn hoá, thấm vào văn hoá. Giáo dục đào tạo, thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn học, nghệ thuật... phải mang tinh thần dân chủ và hướng tới phát triển dân chủ. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) thể hiện quan điểm của Đảng ta: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ... Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...”. Những khẳng định như vậy là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện nhận thức toàn diện, rộng rãi về dân chủ của Đảng ta.

Từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986), Đảng đã tự phê bình về khuyết điểm trong sự lãnh đạo của mình đối với Nhà nước, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội. Đó là những biểu hiện của sự bao biện, làm thay dẫn đến làm giảm vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước, hạn chế tính chủ động, độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy, cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và trong thực tế những năm vừa qua phương thức lãnh đạo của Đảng đã có nhiều đổi mới. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Đảng nhận thức: “Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền và có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Hoàn thiện nội dung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của các cấp uỷ đảng; tăng cường dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế. Coi trọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền”.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục