Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến
Bài 2: Deepfake và trò hăm doạ “khoá SIM”
Chủ nhật: 09:48 ngày 02/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng như: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng…

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake

Deepfake đang là một mối đe doạ đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Nên khi người dân nhận được các cuộc gọi liên quan đến các nội dung về tài chính thì nên tỉnh táo xác nhận thêm.

Dấu hiệu nhận biết: Thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây; Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…

Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.

Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh; ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu... Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

Biện pháp phòng tránh: Nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên hãy bình tĩnh và liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không; Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.

Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.

Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.

Lừa đảo “khoá SIM” vì chưa chuẩn hoá thuê bao

Dấu hiệu nhận diện: Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khoá 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”.

Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...

Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hoá hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hoá thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hoá thông tin thuê bao. 

Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đối với các thuê bao đã bị khoá hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hoá và mở khoá liên lạc lại.

Hy Uyên

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục