Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tây Ninh sau 50 năm giải phóng:
Bài 2: Đi lên từ xuất phát điểm “gần như không có gì”
Thứ tư: 09:08 ngày 30/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau ngày giải phóng 30.4.1975, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng lại quê hương từ xuất phát điểm có thể nói là “gần như không có gì”.

Sau ngày giải phóng, vết thương chiến tranh chưa kịp phục hồi, đất và người Tây Ninh được hưởng hoà bình chưa bao lâu thì lại nghe âm thanh của chiến tranh từ đường biên giới dài hàng trăm cây số từ hướng Bắc và hướng Tây địa bàn tỉnh vọng đến.

Rồi từ những vụ việc quấy phá nhỏ lẻ vùng biên, bọn diệt chủng Khmer đỏ Pol Pot- Ieng Sary đã đẩy lên thành cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mà trọng điểm là vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, cao điểm là việc bọn chúng xua quân thảm sát đồng bào ta ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu đêm 25.9.1977. Một lần nữa, người Tây Ninh phải cầm súng ra biên giới thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời còn cưu mang hàng chục ngàn người dân Campuchia chạy sang Tây Ninh tị nạn diệt chủng của chế độ Pol Pot.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và tỉnh Tbong Khmun thắp hương tại Khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ (huyện Tân Biên).

Đồng chí Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, phải đến 5 năm sau ngày 30.4.1975, Tây Ninh mới thực sự có hoà bình để bắt tay vào khắc phục hậu quả của 35 năm, chứ không phải 30 năm chiến tranh như hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Hoàn cảnh ấy, điều kiện ấy thực sự là thử thách không kém phần nghiệt ngã đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh.

Sau chiến tranh, Tây Ninh có đến hơn 80% số xã (60/73) bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn, cơ sở vật chất gần như không có gì ngoài những mái nhà tranh, vách đất của dân, kể cả nơi làm việc của chính quyền xã ấp, đồng ruộng hoang hoá và chi chít hố bom. Có thể gọi “địa bàn hơn 80%” ấy là “vùng trắng”, vì trong suốt các thời kỳ chiến tranh, phía đối phương - những kẻ có thừa bom đạn để trút xuống “vùng oanh kích tự do”. Còn “địa bàn dưới 20%” ấy thực chất là “vùng tạm chiếm” để kẻ địch gom dân về kìm kẹp, nên chúng chẳng cần xây dựng gì khác ngoài một ít cơ sở để phục vụ chiến tranh. Cơ sở hạ tầng toàn tỉnh Tây Ninh gần như không có gì ngoài có hai con đường trải nhựa là quốc lộ 22A, quốc lộ 22B chủ yếu là để các đoàn “công-voa” của quân viễn chinh Mỹ chở binh lính và vũ khí đến Tây Ninh “tìm và diệt” cơ quan đầu não cách mạng là Trung ương Cục miền Nam.

Tây Ninh bước vào giai đoạn mới với nhiều thử thách, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng chỉ sản xuất được “nhờ vào nước trời” trong mùa mưa; công nghiệp gần như không có gì ngoài một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp như lò đường, lò mì, trại cưa, nhà máy xay lúa… nhưng phần nhiều đặt ở các khu dân cư cách xa vùng nguyên liệu, giá trị sản xuất rất thấp chỉ chiếm 2% giá trị tổng sản phẩm của tỉnh (GDP); thương nghiệp, dịch vụ manh mún, nhỏ lẻ…

Cơ sở văn hoá xã hội của tỉnh thấp kém, cả tỉnh chỉ có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo phần lớn được cải tạo từ các cơ sở cũ bị hư hỏng do chiến tranh. Đời sống Nhân dân ở nông thôn, thị trấn, thị xã còn khó khăn, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói trở thành vấn đề nghiêm trọng ở địa phương; y tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; hệ thống giao thông ngoài hai đường nhựa 22A, 22B cũng có một số tỉnh lộ, liên tỉnh lộ nhưng hầu hết bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn giao thông bị gián đoạn hoàn toàn.

Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nghi thức chào cờ tại trụ sở Tỉnh uỷ.

Đối mặt với khó khăn, thử thách đó, quân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đã từng bước phấn đấu khắc phục, vượt qua. Sách “Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh 1975-1995” trang 15-16 có đoạn ghi: “Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào một số mặt của Tây Ninh có chuyển biến tốt, mở ra khả năng thực tế to lớn về mặt xây dựng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Về nông nghiệp, quân dân Tây Ninh đã giành được thắng lợi to lớn, bước đầu đã giải quyết nạn đói, thiếu lương thực triền miên của tỉnh do hậu quả chiến tranh để lại, đồng thời mở ra triển vọng mới trên mặt trận sản xuất nông nghiệp của tỉnh…”.

Triển vọng mới đó là gì, cho đến ngày nay cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Tây Ninh ai ai cũng đã biết. Đó là việc Tỉnh uỷ nhận thức rõ tiềm năng to lớn về nông nghiệp toàn diện với đa dạng cơ cấu cây trồng vốn là thế mạnh của tỉnh, tuy nhiên, tiềm năng ấy chỉ có thể khai thác tốt khi giải quyết được yếu tố cơ bản hàng đầu là “nước cho cây trồng”, tức là yêu cầu phải thực hiện “thuỷ lợi hoá” trong nông nghiệp; kế đến là phải xây dựng cho được hệ thống công nghiệp chế biến để giải quyết “đầu ra” nông sản mới có thể thu được hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hồ Dầu Tiếng- công trình thuỷ nông lớn nhất nước, với sức chứa 1,5 tỷ mét khối nước.

Xác định đúng hướng đi để phát triển kinh tế - xã hội cho một tỉnh thuần nông, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi phong trào “toàn dân làm thuỷ lợi”, chỉ trong 5 năm (1981-1985) đã xây dựng thành công cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ngay trên quê hương mình là công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Tây Ninh với hồ thuỷ lợi lớn nhất nước, sức chứa 1,5 tỷ mét khối nước, mặt hồ rộng 27.000 ha, cùng hệ thống kênh mương phủ khắp vùng tưới rộng hàng trăm ngàn ha, không chỉ cung cấp nước ngọt phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho các địa phương trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số vùng ở các tỉnh, thành lân cận.

Người dân thu hoạch lúa.

Đi đôi với thuỷ lợi hoá hoàn thành từ trước năm 1986, đến thời kỳ đổi mới, Tây Ninh tiếp tục tiến hành đẩy mạnh hiện đại hoá ngành công nghiệp chế biến nông sản để đến nay, tỉnh nhà đã có hệ thống các nhà máy chế biến mía đường, khoai mì, hạt điều, cao su đều có tổng công suất đứng đầu trong nước.

Thực tế cho thấy, thuỷ lợi và công nghiệp chế biến đã đẩy diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng lên cao đem lại hiệu quả, đa số nông dân Tây Ninh đã làm giàu trên mảnh đất của mình. Từ đó đem lại hiệu ứng tích cực, khởi sắc bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tại Di tích địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Tây Ninh tại Giồng Nần.

Nhận định về việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh từ sau ngày giải phóng và trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đồng chí Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cho biết: “Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975 đến nay, Đảng bộ, chính quyền cùng toàn hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh đã từng bước không ngừng lớn mạnh. Với vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ của tỉnh Tây Ninh đã lãnh đạo quân dân Tây Ninh khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành kiến thiết xây dựng lại quê hương Tây Ninh từ những ngày đầu coi như là bị tàn phá hoàn toàn. Trong khi đó, Tây Ninh lại có một điều không thuận lợi so với những địa phương khác. Đó là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary gây ra, nên quân và dân Tây Ninh lại một lần nữa tiếp tục chiến đấu để đẩy lùi bọn diệt chủng, và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn kiến thiết đất nước.

Có thể nói mãi đến năm 1990, Tây Ninh mới bắt đầu thật sự xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Từ những khó khăn ban đầu hạ tầng kiến thiết, hạ tầng đô thị của địa phương không có gì, hiện nay, tỉnh đã phát triển rất mạnh về hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia phủ khắp tất cả các địa phương với 100% hộ dân sử dụng điện đã nhiều năm qua. Công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào nghèo đã được Đảng lãnh đạo đạt nhiều thành tựu rất quan trọng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái và lãnh đạo thị xã Trảng Bàng trao quyết định bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.

Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh chỉ còn khoảng trên 330 hộ nghèo chuẩn Trung ương và Đảng bộ tỉnh cũng đang tập trung quyết liệt để đến ngày 30.4.2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Tây Ninh sẽ xoá toàn bộ hộ nghèo ở trên địa bàn tỉnh, đồng thời cùng với cả nước Đảng bộ tỉnh đang lãnh đạo thực hiện đẩy mạnh việc chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 này; cũng như tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.

Tấn Hùng – Tố Tuấn

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục