Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giá trị văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước
Bài 2:Khai thác nguồn “tài nguyên tinh thần” như thế nào cho hiệu quả ?
Thứ ba: 23:55 ngày 22/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, Đảng ta xác định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đóng góp gì cho sự phát triển của đời sống xã hội?

Thầy giáo Chăm. Ảnh: Dương Đức Kiên

“… Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đã có thời kỳ, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo không những không được xem là yếu tố đóng góp cho sự phát triển, ngược lại còn là nhân tố cản trở sự phát triển xã hội, hoặc tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, điều đó đã được thay đổi cùng với quá trình đổi mới đất nước. Hiện nay, Đảng ta xác định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đóng góp gì cho sự phát triển của đời sống xã hội?

Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá, cần xem văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo như một nguồn lực. Để phát triển đất nước, cần rất nhiều nguồn lực như tự nhiên (tài nguyên, khoáng sản, đất đai, biển), con người (lực lượng lao động, đội ngũ trí thức, nhân tài...), nhân văn (tư tưởng, triết lý, kinh nghiệm, đạo đức, tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương con người). Nói cách khác, để phát triển đất nước, chúng ta cần đến nguồn lực vật chất và tinh thần. Văn hoá nói chung, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng không chỉ đóng góp vào nguồn lực tinh thần mà cả vật chất cho sự phát triển xã hội.

Các tín ngưỡng, tôn giáo góp phần tạo ra các di tích văn hoá, những quần thể di tích, danh lam thắng cảnh chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử văn hoá, nghệ thuật. Đây chính là nguồn “tài nguyên” quý giá cho sự phát triển đất nước. Nguồn “tài nguyên” này có thể vừa bảo tồn, vừa khai thác một cách bền vững, không lo cạn kiệt như nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cốt lõi của phát triển bền vững là cần khai thác nhiều hơn nguồn lực văn hoá, nhân văn, con người, chứ không phải là nguồn lực tự nhiên. Cơ cấu hợp lý của phát triển bền vững có lẽ nên là: khai thác nguồn lực tự nhiên từ 20%-30%, khai thác nguồn lực văn hoá, nhân văn, con người từ 70%-80%.

Nếu như nhìn vào cơ cấu, tỷ lệ này ở Việt Nam hiện nay thì có thể thấy, chúng ta đang khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, trong khi khai thác ít (hoặc thiếu hiệu quả) nguồn lực văn hoá, nhân văn. Một số nhà nghiên cứu nêu vấn đề, phải chăng chúng ta chưa nhìn thấy, chưa đánh giá đúng mức vai trò của nguồn lực văn hoá, nhân văn? Hay chúng ta đã nhìn thấy, nhưng chưa biết cách khai thác?

Hiện nay, các giá trị của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo bước đầu được khai thác phục vụ mục đích du lịch. Như đã biết, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cho thấy tầm quan trọng của du lịch trong phát triển đất nước. Có ý kiến còn so sánh, thu hút được một khách du lịch giá trị kinh tế cao hơn hút được một thùng dầu thô.

Trong những năm qua, du lịch tâm linh trở thành xu hướng thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Các địa điểm du lịch và lễ hội nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, miếu bà Chúa Xứ núi Sam, núi Bà Đen, lễ hội Katé, thánh địa La Vang, di tích Mỹ Sơn... thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Nhiều địa phương khai thác các di sản tín ngưỡng, tôn giáo (vật thể, phi vật thể) để xây dựng điểm tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước. Thành công và hiệu quả mang lại của một số mô hình du lịch tâm linh thúc đẩy nhiều địa phương đề xuất kế hoạch phát triển hình thức này, thậm chí có nơi xuất hiện những dự án đầu tư du lịch tâm linh quy mô rất lớn.

Các địa phương quan tâm đến phát triển du lịch tâm linh không chỉ bởi nguồn thu cho ngân sách hằng năm, mà còn mong đợi du lịch tâm linh mang lại tác động tích cực khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua phát triển du lịch tâm linh, một lực lượng lao động không nhỏ tại địa phương có công ăn việc làm.

Du lịch phát triển, khách tham quan đông, các ngành kinh tế khác của địa phương cũng được kích thích phát triển như nông nghiệp, thủ công nghiệp (mây tre đan, dệt, gốm sứ, mộc). Sản phẩm của các ngành nghề tại địa phương có dịp quảng bá rộng rãi, tiêu thụ được nhiều hơn, có cơ hội ký kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm với các đối tác trong, ngoài nước.

Nếu biết khai thác di sản tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch một cách có chiến lược, có mục tiêu rõ ràng và hướng đến phát triển bền vững thì có thể kích thích phát triển kinh tế - xã hội rất hiệu quả. Không chỉ các ngành nghề liên quan đến du lịch mới được phát triển, tất cả các ngành, lĩnh vực khác cũng được kích thích. Thông qua đó, hạ tầng cơ sở của địa phương được xây dựng; cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với địa phương vì thế được mở rộng.

Tuy nhiên, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo không phải không có những chuyện cần bàn. Nêu ra vấn đề này không có ý gì khác ngoài mục đích nhìn nhận để văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo ngày một phát triển lành mạnh hơn. Đó là sự suy thoái của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số ý kiến của giới nghiên cứu chỉ ra rằng, văn hoá nói chung suy thoái đã là điều đáng lo, văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo suy thoái còn đáng lo hơn. Bởi vì đây là phương diện, địa hạt thiêng liêng, trân quý và ở tầng sâu trong đời sống tinh thần con người.

Biểu hiện suy thoái của văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện ở chỗ có dấu hiệu lệch lạc trong nhận thức, niềm tin, có những hành vi, việc làm mang tính chất thái quá, thậm chí mù quáng. Không gian tín ngưỡng, tôn giáo là nơi để con người thức tỉnh lương tâm, sám hối những việc làm sai trái, là nơi để khơi gợi mầm thiện trong mỗi con người, nơi lan toả những giá trị nhân văn cao đẹp, để con người tìm được sự thanh thản, trong sạch trong tâm hồn.

Thế nhưng, không ít người đến nơi đây chỉ để cầu xin danh lợi, thăng quan tiến chức, mong giàu sang phú quý, buôn may bán đắt, cầu cho người khác bị hại để mình được lợi. Thậm chí, những người làm ăn phi pháp đến để cầu cho công việc của mình may mắn. Nhiều người nhận thức rằng, chỉ cần làm lễ dâng sao giải hạn là có thể hoá giải được mọi vận hạn, có những người tin vào “oan gia trái chủ” và tin rằng chỉ cần bỏ ra một số tiền và nhờ thầy “cao tay” sẽ giúp hoá giải mọi chuyện.

Văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đóng vai trò không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội như đã nói ở trên, nhiều địa phương đã khai thác tốt được lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những điều “chưa kịp mừng đã vội lo” bởi cách làm thiếu bài bản. Muốn phát huy văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo cho sự phát triển đất nước, cần giữ gìn, bảo tồn tốt văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa là không gian tín ngưỡng, tôn giáo đang bị xâm lấn bởi những dịch vụ ăn theo. Vì lợi nhuận và cả sự quản lý yếu kém, ở các di tích, lễ hội có hàng loạt dịch vụ “ăn theo”, thậm chí có cả những dịch vụ, mặt hàng không phù hợp được bày bán (như bán thịt thú rừng), khiến nhiều nơi không khác gì cái chợ.

Hoạt động bói toán, cúng thuê, các nghi lễ mê tín dị đoan cũng đua nhau phát triển, làm cho không gian tín ngưỡng, tôn giáo trở nên xô bồ, hỗn loạn, mất đi nét đẹp của chốn thiêng liêng. Ở một số địa phương, lợi ích từ việc khai thác các giá trị tín ngưỡng, tôn giáo đang rơi vào tay doanh nghiệp.

Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp khai thác, đầu tư ngân sách để xây dựng hạ tầng cơ sở, nhưng thu ngân sách không đáng kể. Trình bày những điều trên, không có hàm ý phê phán gì, chỉ mong muốn những biểu hiện suy thoái trong văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cần được nhận diện đầy đủ và có biện pháp khắc phục.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục