Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khởi sắc nông thôn mới 20 xã biên giới Tây Ninh
Bài 2: “Nâng chất” nông thôn mới vùng biên giới
Thứ bảy: 00:30 ngày 22/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, những giá trị của chương trình này mang lại đang hiện diện rõ trong sự phát triển của 20 xã biên giới của Tây Ninh, để những nơi được coi là “phên giậu của Tổ quốc” thêm phần vững chãi.

Trang trại 60 ha khóm của gia đình ông Nguyễn Văn Sáu- nông dân xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng

Đích đến cuối cùng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn, mang lại những giá trị phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình xây dựng NTM còn được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp đơn thuần đến nông nghiệp sinh thái... Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, những giá trị của chương trình này mang lại đang hiện diện rõ trong sự phát triển của 20 xã biên giới của Tây Ninh, để những nơi được coi là “phên giậu của Tổ quốc” thêm phần vững chãi.

Đích đến là nâng cao đời sống người dân

Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2016, xã biên giới Long Thuận, huyện Bến Cầu tiếp tục vươn lên xây dựng NTM nâng cao với xuất phát điểm đạt 6/16 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người 56 triệu đồng/năm. Năm 2021, xã Long Thuận được huyện Bến Cầu chọn làm xã điểm đăng ký xây dựng chuẩn NTM nâng cao. “Đây là mục tiêu không dễ, bởi năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công xây dựng cơ bản, thực hiện các tiêu chí và kể cả công tác vận động, huy động sức dân. Tuy nhiên, nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân, cuối năm 2021, xã đạt 16/16 tiêu chí NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm”, ông Huỳnh Văn Hùng- Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết.

Với việc được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021, Long Thuận trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh “về đích” NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này, Long Thuận huy động đa dạng nguồn lực, từ ngân sách và xã hội hoá, tập trung đầu tư hoàn thiện, nâng chất lượng các công trình hạ tầng và tiêu chí chưa đạt với tổng nguồn vốn gần 65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Quỹ tín dụng nhân dân Long Thuận, hai kênh này được coi là điểm tựa để nông dân mạnh dạn phát triển sản xuất.

Từ các nguồn vốn vay ưu đãi và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ dân ở Long Thuận ăn nên làm ra nhờ cây bắp, lúa và tiếp tục duy trì hơn 230 ha cây thuốc lá truyền thống. Về hạ tầng, hơn 26,5km đường chính nối từ trung tâm xã đến các ấp, ngõ xóm được thảm nhựa, bê tông, cứng hoá; toàn xã lắp trên 500 đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; hai trạm bơm, 42 tuyến kênh thuỷ lợi trên địa bàn điều tiết nước tưới tiêu cho 100% diện tích nông nghiệp. Hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế, nhà văn hoá ấp đều được xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị.

Các công trình văn hoá - thể thao công cộng được xã Long Thuận đặc biệt chú trọng đầu tư, vận hành hiệu quả. Xã vừa xây dựng hoàn thành công trình Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng (TTVH-TT-HTCĐ) rất quy mô với hai nhà mát, khu vui chơi trẻ em, sân bóng chuyền, bóng rổ, tennis và lắp đặt các dụng cụ tập thể dục thể thao. Buổi sáng sớm và chiều hằng ngày, người dân trong xã đến đây chơi bóng chuyền, đi bộ, chạy xe đạp, đá bóng, đá cầu, thể dục dưỡng sinh, sinh hoạt văn hoá văn nghệ... “Đây là ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí, tạo môi trường sống văn minh, xanh - sạch - đẹp, giúp công tác chăm sóc người già, trẻ em ngày càng tốt hơn. Hoạt động cộng đồng còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư”- ông Hùng cho biết thêm.

Cùng chúng tôi đi trên con đường trải đá mi thẳng tắp, sạch đẹp nối từ trung tâm xã ra đường tuần tra biên giới, ông Nguyễn Văn Pha- Trưởng ấp Long An, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, trước đây, con đường này rất nhỏ hẹp, vào mùa mưa thì sình lầy, mùa khô thì bụi bặm mù mịt. Việc đi lại, vận chuyển hàng hoá nhìn chung gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mỗi khi vào mùa mưa. Để giải quyết khó khăn trên, Chi bộ cùng các đoàn thể ra sức vận động người dân tham gia đóng góp tiền và ngày công lao động sửa sang con đường.

Chứng kiến sự đổi thay ở nơi này, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (38 tuổi, ngụ ấp Long An) phấn khởi chia sẻ: “Chính quyền địa phương vận động, bà con trong ấp đóng góp ngày công, hỗ trợ tiền để đắp đường, đổ đá mi, mở rộng đường. Người có nhiều góp nhiều, ít góp ít, tất cả cùng nhau góp lại để có được con đường cho dân đi. Giờ được vậy còn gì bằng”.

Những nông dân vùng biên tiên phong

Cuộc sống ngày một đi lên, người dân 20 xã biên giới của tỉnh càng thêm gắn bó với biên giới, biên phòng. Nhiều người dân tiên phong làm nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, đường biên, cột mốc.

Điển hình là bà Keo Onl- già làng ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, người đã tích cực vận động các nhà hảo tâm tặng hàng trăm phần quà, nhiều ngôi nhà tình thương cho người dân khó khăn trong xã. Bà còn được người dân tin tưởng, chọn làm “người hoà giải” của ấp và là “tai, mắt” của Đồn Biên phòng Phước Tân trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp biên giới nhiều năm qua.

Hay ông Lê Xuân Phong (ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu)- người đã dành hơn 150m2 đất của gia đình giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dựng chốt kiểm soát, bảo vệ biên giới. Năm 2008, ông bàn giao hơn 2.000m2 đất ruộng của gia đình để phục vụ cho công tác phân giới cắm mốc.

Ông Bùi Văn Nghĩa (Tà Nghĩa)- một lão nông ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu, người góp phần duy trì Tổ liên kết sản xuất vùng biên, vừa giúp bà con trong xã, vừa tích cực giúp đỡ kỹ thuật sản xuất, vật nuôi, cây giống, phân bón cho người dân nước bạn Campuchia. Ông còn được ví như một “đại sứ” trong công tác đối ngoại nhân dân với các ấp, xã giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.

Ngược về vùng biên giới cánh Tây thị xã Trảng Bàng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sáu- nông dân xã Phước Bình vừa đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021, người biến vùng đất hoang, phèn chua ở vùng biên giới thành cơ ngơi bạc tỷ. Người dân trong vùng vẫn gọi ông là Sáu “khóm” bởi ông là người sở hữu 60 ha trồng khóm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến nông sản và các chợ đầu mối lớn. Ngoài ra, ông xây dựng 4 nhà yến, trồng gần 100 mẫu lúa ST24, nếp mới. Tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Viện Y học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa cây dược liệu thuốc nam trồng thử nghiệm trên vùng đất phèn này. Nếu thành công, ông Sáu sẽ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tiến tới nhân rộng mô hình cho bà con trong xã Phước Bình.

Chia sẻ về quá trình cải tạo cánh đồng bưng ấp Bình Quới, xã Phước Bình, ông Sáu cho biết, khu vực này giáp đường tuần tra biên giới, xa khu dân cư, đất nhiễm phèn bị bỏ hoang, hầu như chỉ cỏ dại mới sống nổi. Từ nguồn vốn gia đình tích cóp, ông dần mua lại vùng đất phèn bỏ hoang, tính đến nay, cả phần đất của gia đình và đất thuê nơi ông canh tác lên tới 200 ha. Năm 2016, khi tỉnh, các cấp Hội Nông dân có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, ông được đi tham quan, học tập nhiều mô hình canh tác ở các tỉnh miền Tây và Thái Lan. Nhận thấy cây khóm phù hợp hơn cả với vùng đất phèn, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang khóm. Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Năm 2018, khi chưa làm đê bao, mùa nước nổi đã làm ngập chết 3 ha khóm. Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng đắp đê bao, cứ làm tới đâu thì đắp đê bao tới đó, lắp đặt hệ thống tưới tự động và làm đường giao thông nội bộ, trồng cây ăn trái như bưởi, dừa, cà na dọc các tuyến đường. Có làm, có thất bại mới tự rút ra được kinh nghiệm. Trước đây cây khóm cứ sau 2 năm thu hoạch là phải bỏ gốc thì nay chúng tôi chăm sóc, duy trì được tới 4 năm mới phải thay gốc mới”.

Toàn bộ quy trình chăm sóc cây khóm của ông Sáu đều theo hướng hữu cơ, sinh học, có truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn nước tưới được ông lấy trực tiếp từ sông, mùa nước nổi sẽ kết hợp dẫn dụ cá tự nhiên về trong ruộng khóm, tạo thành mô hình nuôi, trồng khép kín. Về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Sáu cùng một số hội viên nông dân xã Phước Bình sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Thành viên hợp tác xã sẽ hỗ trợ nhau trong việc trồng các loại cây nông nghiệp chất lượng cao như lúa, khóm, các loại cây ăn trái, kể cả cây thuốc nam sau khi thử nghiệm thành công. Ông còn dự định xây dựng homestay để phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm. “Làm nông nghiệp rủi ro cao, đó là thời tiết, giá cả, đầu ra sản phẩm. Trong quá trình làm, tôi được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, khó khăn tới đâu được tháo gỡ tới đó. Trong thời đại chuyển đổi số, muốn hướng tới nông dân 4.0 thì nông dân phải chuyên nghiệp hơn, phải có kiến thức, biết ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, quy hoạch vùng trồng hiệu quả”- ông Sáu chia sẻ. Không chỉ tiên phong về chuyển đổi cây trồng hiệu quả trên vùng đất phèn, những ý tưởng của ông Sáu cũng rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, ông hiến hơn 500m2 đất cho Đồn Biên phòng Phước Chỉ và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài xây dựng chốt bảo vệ biên giới và cho các chốt biên phòng câu điện xài miễn phí. Ông còn đầu tư làm đường giao thông nội đồng cho bà con, ủng hộ chương trình thắp sáng đường quê, làm hai cổng chào chào mừng xã Phước Bình đạt chuẩn NTM và ủng hộ rất lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tấm lòng của ông Sáu “khóm”, bà Keo Onl, ông Phong, Tà Nghĩa và rất nhiều tấm gương sáng người dân khu vực biên giới đều rất đáng tôn vinh và trân trọng. Họ chính là những “cột mốc sống” vùng biên giới, không chỉ trực tiếp làm giàu, làm đẹp cho quê hương mà từng ngày góp sức xây dựng khu vực biên giới bình yên, phát triển.

Phương Thuý - Tâm Giang

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục