Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giải pháp nào khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên
Bài 2: Nhìn thấy trước bất cập
Thứ sáu: 00:24 ngày 08/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu chuyện thừa-thiếu giáo viên không phải là mới nảy sinh gần đây trong ngành Giáo dục. Tuy nhiên, nhận diện nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục một cách căn cơ nhất chưa được đề cập đến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm Trường mầm non Thái Chánh, thành phố Tây Ninh (ảnh chụp năm 2019)

Trước khi xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn và khu công nghiệp, giai đoạn 2017-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực trạng tại 40 xã nông thôn, kết quả cho thấy, nhiều xã không huy động được học sinh độ tuổi nhà trẻ.

Cụ thể, tại 40 xã nông thôn này, số học sinh ra lớp trong độ tuổi nhà trẻ là 435/13.632 em, đạt tỷ lệ 3,2%; số học sinh trong độ tuổi mẫu giáo 13.515/23.451 em, tỷ lệ 57,6%. Tỷ lệ huy động ở các xã rất thấp so với tỷ lệ chung của tỉnh và đây là nguyên nhân làm cho tỷ lệ huy động trẻ mầm non - mẫu giáo ra lớp thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Theo tính toán, hiệu quả đầu tư mang lại của đề án khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ ước đạt 22,9% (3.280/14.314 em); tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo ước đạt 79,2% (19.506/24.624 em).

Thiếu giáo viên cho bậc học mầm non

Năm 2018 và 2019, trong những dịp trao đổi, trả lời cử tri về tình hình giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, đội ngũ giáo viên bậc học mầm non còn thiếu so với quy định của Bộ GD&ĐT. Đối chiếu với quy định của Bộ GD&ĐT, năm học 2017 - 2018, Tây Ninh đang thiếu 566 giáo viên mầm non; nếu chỉ bố trí 2 giáo viên/lớp, tức thấp hơn mức quy định của Bộ thì vẫn thiếu 398 người.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học ở các cấp học có quy mô nhỏ để tiết kiệm nguồn biên chế, tinh thần là ưu tiên cho đội ngũ giáo viên ngành học mầm non. Trước mắt, các phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục tuyển giáo viên mầm non (nếu còn biên chế) và tuyển bổ sung do giáo viên mầm non nghỉ hưu.

Ngành tiếp tục công tác xã hội hoá, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, từng bước phát triển loại hình trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện để ưu tiên nguồn biên chế cho bậc học mầm non. Tuy vậy, để thực hiện được điều này cần phải có lộ trình, trong khi đó, việc huy động trẻ mầm non ra lớp ngày càng tăng.

Sau đó, UBND tỉnh có công văn đồng ý để các huyện, thành phố tuyển bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non. Theo tinh thần này, toàn tỉnh tuyển mới 375 chỉ tiêu, cụ thể: Bến Cầu 26 chỉ tiêu, Châu Thành 48, Dương Minh Châu 33, Gò Dầu 31, Tân Biên 82, Tân Châu 80, Trảng Bàng 50 và thành phố Tây Ninh 25.

Thời hạn hợp đồng không quá 3 năm, kể từ năm học 2018-2019. Người ký hợp đồng phải bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, sức khoẻ theo quy định. UBND các huyện, thành phố chi trả chế độ cho giáo viên theo quy định về phân cấp chi ngân sách địa phương. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng sau đó cho thấy, số giáo viên tuyển được thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển.

Trong năm học 2018-2019, UBND tỉnh cho chủ trương để UBND các huyện, thành phố được tuyển dụng hết số lượng biên chế sự nghiệp giáo dục được giao nhưng chưa sử dụng (tổng cộng 237 biên chế), ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non.

Để bảo đảm bố trí đủ giáo viên mầm non theo định mức tối thiểu 2 giáo viên/lớp, tháng 10.2018, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện hợp đồng giáo viên mầm non. Theo tinh thần này, UBND tỉnh đồng ý chủ trương để UBND các huyện, thành phố ký 375 hợp đồng giáo viên mầm non trên toàn tỉnh.

Trong thời gian trên, Tây Ninh triển khai đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn và khu công nghiệp, giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập. Xây dựng mới trường mầm non tại các xã nông thôn, khu công nghiệp có tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp thấp, các trường chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, bảo đảm quy mô và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch giai đoạn 2017-2018, tỉnh xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó có nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm 14 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 132 phòng. Nhu cầu diện tích đất tối thiểu là 41.950m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 346 người.

Trong hai năm 2019-2020, xây tiếp 8 trường mầm non mới, và mở rộng thêm 10 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 140 phòng. Nhu cầu diện tích đất tối thiểu 45.850m2, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 350 người. Đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tăng trường mầm non ngoài công lập, giảm số lượng nhóm, lớp mầm non ngoài công lập.

Ưu đãi để thu hút giáo viên mầm non

Trước tình hình thiếu giáo viên mầm non, trong dịp khai giảng năm học mới, lãnh đạo tỉnh, tại thời điểm đó, phát biểu chỉ đạo rằng, việc các địa phương chậm triển khai tuyển dụng giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng là điều lẽ ra không nên có.

Lý do, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhanh chóng đi tìm việc làm, vì thế, chậm trễ trong tổ chức tuyển dụng sẽ dẫn đến hoặc thiếu nguồn tuyển hoặc tuyển được nhưng chất lượng không cao. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, trong đó có Sở Nội vụ rà soát, hạn chế những thủ tục hành chính không cần thiết để công tác tuyển dụng giáo viên diễn ra thuận lợi hơn.

Nhân dịp tổng kết năm học 2018 - 2019, ông Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT tổng hợp, thống kê thật chính xác về đội ngũ giáo viên, xem thừa, thiếu như thế nào, môn nào thiếu, môn nào thừa, từ đó khắc phục chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ như lâu nay.

Năm 2020, một chính sách mới được Chính phủ ban hành, trong đó dành nhiều ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được thụ hưởng nhiều chính sách hơn.

Cụ thể, giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non công lập được hỗ trợ thêm một khoản tiền lương, bằng 50% mức lương cơ sở/tháng. Thời gian hỗ trợ được hưởng theo số tháng thực dạy, tối đa 9 tháng/năm học. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đã được cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, không bao gồm cơ sở giáo dục mầm non hợp tác đầu tư với nước ngoài/hoặc có yếu tố nước ngoài, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm một khoản tiền, tối thiếu bằng 50% mức lương cơ sở/tháng.

Thời gian được hưởng theo tháng thực dạy, tối đa 12 tháng/năm học. Mức hỗ trợ này do ngân sách Nhà nước chi trả, nằm ngoài mức lương thoả thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và giáo viên hợp đồng giảng dạy. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non được hưởng hỗ trợ tính theo định mức quy định của các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành.

Nhìn chung, sau khi các giải pháp về việc bổ sung thêm nguồn nhân lực cho bậc học mầm non, nhất là việc tăng chế độ chính sách cho một số giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập tại các khu, cụm công nghiệp nêu trên để đảm bảo công tác ra lớp, chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh bậc học mầm non con của những công nhân. 

Thiết nghĩ, tỉnh cần kiến nghị Trung ương có giải pháp phù hợp, căn cơ hơn trong việc thu hút giáo viên cho bậc học mầm non nói riêng, giáo viên cho các bậc học khác nói chung, nhất là chính sách về chế độ và lương cho giáo viên, đảm bảo có thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, tập trung cho việc nâng cao công tác giảng dạy và chăm sóc các em học sinh, nhất là các mầm non tương lai của đất nước.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục