Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần ngăn chặn hiệu quả việc khai thác cát trái pháp luật
Bài 2: Sẽ không còn “điểm đen” khai thác cát lậu?
Thứ tư: 06:45 ngày 25/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước sự bức xúc của người dân về nạn khai thác cát trái phép trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua xã Phước Chỉ, cũng như trong hồ Dầu Tiếng, Sở TN&MT cho biết đã có kế hoạch ngăn ngừa, xử lý trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ngành các cấp cần có động thái quyết liệt hơn trước mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề- nhất là đối với thực trạng “cát tặc” ở Phước Chỉ.

Một bãi cát trong hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Theo ý kiến trả lời cử tri của UBND tỉnh vào cuối năm 2017, trước đây, Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Tây Ninh có giấy phép khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua xã Phước Chỉ, nhưng hiện giấy phép cấp cho công ty này đã hết hạn, nên việc khai thác cát ở khúc sông này là hoàn toàn trái phép.

Do khu vực Lộc Giang - Phước Chỉ là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Long An nên việc quản lý, bảo vệ khoáng sản tại đây là nhiệm vụ chung của 2 tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kết hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất khu vực này, xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp khai thác trái phép để bảo vệ nguồn tài nguyên.

“Vài tháng gần đây, nước kênh chính Đông luôn đục ngầu, đục hơn nước vo gạo, dù trước đây nước kênh này trong vắt. Người dân một số xã ở Trảng Bàng như Đôn Thuận, Hưng Thuận, Lộc Hưng rất lo- nhất là những hộ nuôi cá, phải sử dụng nước kênh Đông. Cử tri cũng đã phản ánh vấn đề này lên HĐND các cấp. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây đục nước là do hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng gây ra. Nếu đúng là vậy thì tỉnh cần có giải pháp xử lý triệt để”- lãnh đạo UBND một xã ở Trảng Bàng nói.

UBND tỉnh cũng cho biết, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, Khoản 2, Khoản 3, Điều 18, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp như sau:

“UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải toả, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.

 UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn”.

Như vậy, UBND cấp huyện, cấp xã phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của mình theo luật quy định. Đồng thời, tại Công văn số 2943/UBND-KTN ngày 4.12.2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nêu: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.

Theo nội dung trên, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở khúc sông mà cử tri phản ánh, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết, quy định trên chưa phù hợp với thực tế khách quan đối với thực trạng khai thác cát lậu ở Phước Chỉ.

Do đây là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh - Long An nên ngành chức năng cấp tỉnh có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với tỉnh bạn trong việc tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa, xử lý hành vi khai thác cát trái phép. UBND huyện Trảng Bàng và ngành chức năng huyện không đủ thẩm quyền, điều kiện để xử lý vi phạm trong trường hợp này.

Sở Tài nguyên - Môi trường: “Xin nhận trách nhiệm”

Theo Sở TN&MT, hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động khai thác khoáng sản từng bước được chấn chỉnh, đi vào nề nếp.

 Dù vậy, qua công tác kiểm tra, xử lý, vẫn còn những sai phạm như một số tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi; phương tiện vận chuyển quá tải trọng, vận chuyển không che chắn làm rơi vãi cát trên đường; bến thuỷ nội địa không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn được cấp phép hoạt động; nhiều tàu được trang bị dụng cụ bơm hút cát dù không có trong danh sách tàu được tham gia khai thác cát...

Sở TN&MT “xin nhận trách nhiệm do chưa có quy chế phối hợp giữa các sở, ngành trong và ngoài tỉnh trong khai thác khoáng sản khu vực lòng hồ Dầu Tiếng nên triển khai chưa đồng bộ, chặt chẽ”.

Theo Sở này, nguyên nhân để tồn tại những sai phạm trong quá trình khai thác cát, trước hết là do công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và sự phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ.

Các sở, ngành, địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ Công văn số 3229/UBND-KTN ngày 2.11.2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, chưa kịp thời. Hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước dù không cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng, nhưng vẫn cấp giấy phép hoạt động bến bãi.

Đây là một kẽ hở lớn dẫn đến hoạt động khai thác cát trái phép thời gian qua ở hồ. Sở TN&MT cũng cho rằng Công an Hồ nước và Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà là đơn vị quản lý hồ chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc ngăn ngừa, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép.

Mặc dù UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, các ngành chức năng tích cực vào cuộc, Tổ công tác giám sát thường xuyên, có nhiều biện pháp xử lý, nhưng việc khai thác cát lậu trong khu vực hồ Dầu Tiếng vẫn còn xảy ra- nhất là trong mùa khô, thời điểm thị trường có nhu cầu cao về cát xây dựng.

 Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc được cấp giấy phép khai thác khoáng sản để hợp đồng gia công với các chủ tàu không có giấy phép khai khác, tạo điều kiện cho tàu, ghe bên ngoài vào trong hồ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đưa cát về Bình Dương tiêu thụ. Bình Dương chỉ có 1 giấy phép khai khác nhưng có đến 19 bến thuỷ nội địa.

Trong khi đó, các sở, ngành của 2 tỉnh Tây Ninh - Long An đã tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh nhưng chưa ngăn ngừa triệt để nạn khai thác cát trái phép.

“Đáng chú ý là nhận thức trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cấp huyện và cấp xã một số nơi chưa đầy đủ, chưa cao; công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản có lúc chưa chặt chẽ, chưa xác định rõ trách nhiệm nên chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh cũng như chưa mạnh dạn đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm”- Sở TN&MT nhận định.

Khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

 Sẽ giám sát chặt chẽ, quyết liệt xử lý vi phạm

Để tăng cường quản lý khối lượng cát được khai thác, trong thời gian tới, Sở TN&MT yêu cầu các đơn vị khai thác cát lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Sở TN&MT cũng sẽ tăng cường quản lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên địa bàn.

Cụ thể, trong 82/194 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của 18 giấy phép khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng, ngành chức năng sẽ buộc đưa ra khỏi khu vực hồ 65 tàu, ghe (Tây Ninh 20 chiếc, Bình Dương 45 chiếc). Còn 17 tàu, ghe ngoài giấy phép khai thác không xác định được chủ phương tiện hoặc tổ chức quản lý sẽ bị xử lý theo quy định.

“Nếu nói việc khai thác cát lậu ở Phước Chỉ hay trong hồ Dầu Tiếng tồn tại, kéo dài trong thời gian qua là do những khu vực này giáp ranh với tỉnh bạn nên khó xử lý là không thể hiện hết trách nhiệm của mình. Dù ở khu vực nào, các cơ quan và địa phương có liên quan cũng phải quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu cương quyết làm, làm hết trách nhiệm sẽ dẹp được thôi. Tàu hút cát to đùng, hoạt động ầm ĩ chứ có phải con ruồi, con muỗi đâu mà khó phát hiện, khó xử lý”- một cử tri bày tỏ.

Các ghe đã được đăng ký trong các giấy phép khai thác khoáng sản của Tây Ninh và Bình Dương sẽ phải nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến hơn để tránh gây tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng (gây đục nước trên diện rộng).

Tây Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương rút giấy phép 17 bến thuỷ nội địa của tổ chức, cá nhân hoạt động không có giấy phép khai thác khoáng sản nhằm ngăn chặn hoạt động tập kết cát lậu.

Sở TN&MT kiến nghị cơ quan có liên quan chỉ cấp giấy phép bến thuỷ nội địa cho tổ chức, cá nhân khi tổ chức, cá nhân đó đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải rà soát bến bãi hiện hữu, rút giấy phép những bến bãi sử dụng vào mục đích xếp dỡ hàng, tập kết cát của các tổ chức, cá nhân ngoài giấy phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Cụ thể như rút giấy phép bến thuỷ nội địa của Công ty TNHH Đầu tư khai thác Datico tại ấp B4, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, do hoạt động không có giấy phép khai thác khoáng sản. UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước cũng cần có những động thái quyết liệt tương tự Tây Ninh để bảo đảm hiệu quả trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở hồ Dầu Tiếng.

BẢO TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh