Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
Bài 2: Tập trung nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch năm 2023
Thứ bảy: 05:43 ngày 03/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để hoàn thành kế hoạch năm 2023 trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngoài các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện sớm các thủ tục để thu hút các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thi công một tuyến đường. Ảnh minh hoạ: An Khang

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm đầu tiên của kế hoạch trung hạn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho từng chương trình, dự án và triển khai kịp thời các công tác chuẩn bị đầu tư, sẵn sàng triển khai thực hiện và giải ngân khi được cấp vốn.

Vốn phân bổ ưu tiên bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành, đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp và các chương trình, đề án, dự án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, dự án trọng điểm, dự án kết nối vùng có sức lan toả phát triển kinh tế - xã hội.

Đến ngày 10.11.2022, UBND tỉnh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2022 cho 52 dự án với tổng số vốn 72,663 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành.

Đến ngày 31.10.2022, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 27 dự án/37,359 tỷ đồng, còn lại 25 dự án chưa thực hiện giải ngân do vừa được bố trí vốn trong tháng 11. Dự kiến đến cuối năm 2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được bố trí.

Năm 2022, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai... chủ động hướng dẫn và giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, quyết toán và giải ngân vốn đầu tư.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp quản lý ngân sách đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm gắn với kế hoạch hằng năm, đồng thời cắt giảm, giãn-hoãn tiến độ đầu tư của một số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách để tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và dự án đầu tư trọng điểm, dự án giao thông kết nối vùng, kết nối liên huyện, liên tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục giải ngân đạt kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT tham mưu các dự án chậm thực hiện, xây dựng lại sơ đồ Gantt để bảo đảm tiến độ; điều chuyển vốn đối với những dự án chậm tiến độ sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt; thực hiện quyết liệt cam kết của các địa phương, sở, ngành trong công tác giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh (quý I đạt 25%, quý II đạt 50%, quý III đạt 75%, quý IV đạt 100%); giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập tổ kiểm tra các công trình trên toàn tỉnh, đồng thời giải đáp những vướng mắc trong công tác giải ngân, tạo điều kiện cho chủ đầu tư giải ngân tốt nhất. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải ngân của các địa phương tương đối ổn, có địa phương đạt 100% như thị xã Hoà Thành.

Theo Sở KH&ĐT, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 do Bộ KH&ĐT dự kiến giao tại Văn bản số 7248/BKHĐT-TH ngày 12.10.2022 là 4.061,544 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2023 do Hội đồng nhân dân tỉnh dự kiến giao là 3.314,818 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tập trung tăng 6,059 tỷ đồng; nguồn thu tiền sử dụng đất tăng 381,813 tỷ đồng; xổ số kiến thiết tăng 130 tỷ đồng).

Để hoàn thành kế hoạch năm 2023 trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, ngoài các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện sớm các thủ tục để thu hút các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ngoài ra, đơn vị hoàn thành việc cập nhật kế hoạch đầu tư công năm 2023 lên Hệ thống đầu tư công của tỉnh trước ngày 31.1.2023, thực hiện báo cáo kế hoạch đầu tư công định kỳ hằng tháng cả trên hệ thống và bằng văn bản. Trong đó, chủ đầu tư cập nhật tình hình thực hiện, triển khai các dự án trên Hệ thống đầu tư công của tỉnh ngay khi có biến động (về công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, phân khai vốn, điều chỉnh dự án, kết quả đấu thầu, tình hình giải ngân...).

Đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chuyển tiếp ngay từ đầu năm, khắc phục tình trạng đầu năm chủ quan thiếu tích cực, dồn vào những tháng cuối năm dẫn đến không hoàn thành kế hoạch vốn được giao.

Các chủ đầu tư phối hợp các nhà thầu thi công thực hiện tốt quyết toán dự án hoàn thành và tất toán theo quy định, nhất là các dự án tồn tại cũ. Trong hợp đồng thi công cần có điều khoản chế tài cụ thể về việc chậm lập hồ sơ quyết toán, hoặc giữ lại tối thiểu 5% giá trị hợp đồng trong thời gian chờ nhà thầu lập hồ sơ quyết toán.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, đặc biệt trong khâu lập dự án, thẩm định, bố trí vốn đầu tư, bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt; quản lý, sử dụng vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước đúng mục đích, nâng cao hiệu quả đầu tư; ngăn ngừa và khắc phục những hiện tượng tiêu cực như: thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thi công nghiêm túc triển khai thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công. Thực hiện nghiêm các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm để bảo đảm chất lượng công trình.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục