Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Rẻ, tiện lợi, đa dạng và hợp khẩu vị, thức ăn đường phố đang là mặt hàng “hấp dẫn” của nhiều người dân hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua.
Thực phẩm đường phố được bày bán trước cổng trường học.
“Bao la” hàng, quán vỉa hè
Không khó để người dân tìm mua các loại thức ăn đã được chế biến sẵn. Bất cứ nơi đâu, từ cổng trường học, bệnh viện, chợ truyền thống, vỉa hè công viên, sân vận động, người tiêu dùng đều dễ dàng nhìn thấy các loại thịt nướng, chân gà, cánh gà, chả giò, gỏi cuốn, trà sữa, cà phê, các loại bánh, chè, trái cây... bày bán bắt mắt trên xe đẩy di động, xe đạp hay gánh hàng để trên vỉa hè. Hình ảnh không còn hiếm thấy nữa là thức ăn, đồ uống không được che chắn, người bán trực tiếp dùng tay trần, không mang khẩu trang khi chế biến hay lấy thức ăn. Thậm chí, có những xe đẩy còn đặt ngay cạnh khu tập kết rác thải tự phát.
Tại khu vực công viên Xuân Hồng (phường 3, TP. Tây Ninh), thức ăn vỉa hè đang “hot” về đêm, với đầy đủ các món như nước mía, dừa tắc, chân gà nướng, trứng vịt lộn, xiên que các loại... Thời điểm cuối tuần, nhiều xe đẩy tập trung đến bày bán, chia theo từng khu vực riêng với bàn ghế có màu sắc riêng biệt. Khách hàng đa phần là học sinh, sinh viên, người trung niên, thường ngồi vỉa hè thưởng thức tại chỗ. Hầu hết thực khách đến đây đều có hàng, quán “mối”. Bởi họ cảm thấy có một số món ăn “an toàn” sau khi dùng, và vì thế, thức ăn vỉa hè đã trở thành điều bình thường với họ, thậm chí còn có ưu điểm là giá rẻ, nhanh, tiện lợi.
Không riêng khu vực này, trên các tuyến đường gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công viên 30.4, hai bên bờ rạch Tây Ninh, công viên Hoà Thành... các loại thức ăn chế biến sẵn như đậu hủ, cá viên, bò viên, xúc xích, bún, thịt nướng, bánh mì... được bày bán bắt mắt trên bàn, xe đẩy. Tuy nhiên, nhìn kỹ, có quầy dù đã được đậy bằng tấm vải mỏng hay đặt trong tủ nhôm kiếng, nhưng vẫn có ruồi đậu lên thức ăn, chưa kể bụi bẩn bám lên thức ăn từ mặt đường. Tình trạng này, chính quyền địa phương và lực lượng y tế đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đến nay vẫn tồn tại.
Người lớn cần “làm gương”
Có con gái đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn phường 2 (thành phố Tây Ninh), anh Nguyễn M.T. (40 tuổi) chia sẻ việc anh lo lắng nhất là thức ăn bày bán trước cổng trường học. “Mỗi khi đưa con đến trường, điều tôi bất an nhất là có quá nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường. Qua nhiều vụ việc trẻ em bị ngộ độc thực phẩm thời gian qua, tôi mong nhà trường và chính quyền địa phương có giải pháp triệt để xử lý hình thức kinh doanh này, để bảo đảm an toàn cho con trẻ”- anh T. bày tỏ thêm: “Không chỉ các em tự ý mua, có rất nhiều phụ huynh vì chiều con mà mua các loại đồ ăn chế biến sẵn, điều này có nguy cơ làm nguy hại đến sức khoẻ của con em mình. Tại sao phụ huynh không thể làm gương cho con?”.
Từng là khách hàng của một số cửa hàng bán thức ăn chế biến sẵn trên địa bàn TP. Tây Ninh, chị Thuỳ Trang đã có những trải nghiệm không tốt sau vài lần sử dụng: “Cả 4 người trong gia đình tôi đã bị đau bụng, tiêu chảy sau khi dùng đồ ăn mua ở ngoài, hầu hết là quán quen. Chúng tôi đã không đến quán đó nữa. Nhiều khi vì quỹ thời gian không cho phép, tôi chọn mua đồ ăn chế biến sẵn về cho gia đình. Nhưng sau lần đó, tôi chọn mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh có giấy phép, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để an toàn hơn”- chị Trang chia sẻ.
Cha mẹ cần làm gương cho con khi chọn mua các loại thực phẩm an toàn.
Ý thức, trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu
Tại cổng trường các cấp học, không khó để thấy các xe bán hàng rong, quà vặt cho học sinh. Theo cô Trần Thị Thanh Quyên- Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 3, TP. Tây Ninh), phụ huynh cần làm gương cho con em mình hiểu những nguy cơ ngộ độc nếu sử dụng thực phẩm không chất lượng.
“Hầu hết phụ huynh mua thức ăn cho con khi con đòi hỏi, yêu cầu mà không cân nhắc đối với những loại thực phẩm này. Đã có nhiều vụ học sinh bị ngộ độc, đau bụng, nôn ói sau khi ăn cá viên, kem, xúc xích, bánh kẹo bày bán trước cổng trường, sau đó lại đổ lỗi cho nhà trường. Tuy nhiên, sau khi xác nhận lại thời điểm, loại thức ăn, hầu hết do các em đã ăn thực phẩm bày bán trước cổng trường”.
Cô Quyên cho biết thêm: “Tình trạng buôn bán tự phát trước cổng trường học đã tồn tại nhiều năm nay. Chính quyền địa phương thường xuyên ra quân chấn chỉnh, nhà trường không ngừng tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng họ vẫn mua. Chính vì có người mua nên người bán vẫn cứ bán”.
Chắc hẳn, độc giả còn nhớ vụ việc hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng sushi bày bán trước cổng trường học các cấp, các ngân hàng, khu vực đông dân cư trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành xảy ra vào tháng 11.2022, khiến nhiều trẻ nhập viện với cùng triệu chứng đau bụng, nôn ói, sốt cao, tiêu chảy, sốc giảm nhiệt. Hầu hết các em đều ăn sushi (loại cơm cuộn rong biển, tôm, chả...) vào buổi sáng do phụ huynh mua từ xe bán hàng lưu động trước cổng trường.
Điều đáng nói, ngoài sushi, các loại thức ăn nhanh khác như: hotdog, hamburger, sandwich được bày bán rộng rãi đều do một cơ sở kinh doanh (không giấy phép) phân phối. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, tất cả các mặt hàng được bày bán đều không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm, điều kiện bảo đảm ATVSTP; sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, không nhãn mác, không có hạn sử dụng...
Hiện tại, số lượng hàng, quán thức ăn đường phố, vỉa hè rất lớn nên việc kiểm soát tất cả sẽ không hề dễ dàng, hơn nữa, hầu hết loại hình kinh doanh này đều là nhỏ lẻ, theo mùa vụ, không cố định. Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần thay đổi tư duy trong chọn lựa, sử dụng thực phẩm. Và sự thay đổi này, trước hết, phải bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ nên làm gương cho con, chỉ chọn mua các loại thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng...
Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh ý thức của người mua, không thể không đặt ra vấn đề về ý thức trách nhiệm của người bán- kể cả người sản xuất. Bởi khi họ có trách nhiệm đối với sản phẩm, sử dụng nguyên liệu an toàn thì nguy cơ mất ATTP sẽ hạn chế đáng kể.
Tâm Giang
(Còn tiếp)