Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có câu hát rằng: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh”. Với tinh thần đó, không chỉ thanh niên, người dân Tây Ninh năm tháng đó cũng theo lời hiệu triệu để lên công trường, góp sức xây nên công trình thuỷ lợi có tầm vóc thế kỷ. Ngày tháng đó đã trở thành những hồi ức đẹp trong lòng nhiều đồng bào Tây Ninh.

Ta đi đào kênh
Xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) từng là một trong những địa phương nổi bật của tỉnh trong phong trào vận động người dân tham gia nghĩa vụ xây dựng lòng hồ. Ông Đặng Thanh Hải- nguyên Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, là Chỉ huy trưởng Công trường xã Thanh Điền ngày đó cho biết, khi ấy cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động thanh niên, người dân tham gia xây dựng hồ Dầu Tiếng. Khi được vận động, người dân tập hợp nghe sinh hoạt và đăng ký tham gia. Mỗi đợt, người dân trong độ tuổi lao động luân phiên nhau, thu xếp hành lý lên công trường làm việc.
“Tại công trường có tổ chức thi đua theo từng đội, từng địa phương, không khí thi đua sôi nổi lắm. Sau khi được nghiệm thu, mỗi đội hay địa phương sẽ chọn ra người giỏi nhất để phong kiện tướng. Hoạt động này mỗi năm tổ chức nhiều đợt. Người được phong kiện tướng cũng thấy rất tự hào. Xã Thanh Điền ngày đó có 6-7 người được phong kiện tướng”, ông Hải kể lại.
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Ngẫu (75 tuổi, ngụ ấp Thanh Đông) một trong những kiện tướng của xã Thanh Điền khi đi xây dựng hồ. Ông Ngẫu chậm rãi kể lại: “Ngày đó, tôi đi đào kênh từ Truông Mít đến Cẩm Giang về Thanh Điền đến Bưng Rã Miệt (xã Tân Hội- Tân Châu). Sức người khi ấy chỉ đào đắp các kênh cấp 3, cấp 4 là chính, máy sẽ móc, đào những kênh cấp 1 cấp 2”, ông Ngẫu nói.
Suốt nhiều năm liền, ông Ngẫu mỗi năm đi làm nghĩa vụ một tháng, mỗi tháng chia ra 2 đợt. Theo ông Ngẫu, lúc đó mỗi người luân phiên nhau đi làm, ai làm trước thì nghỉ trước. Ông nhớ lần đầu đi làm nghĩa vụ tại xã Truông Mít, dù là nông dân quen việc cầm cuốc, xẻng đào đất, đắp bờ nhưng để đầm những lớp đất dày đôi tay ông cũng bị chai, phồng cả lên, do không quen việc.
“Giờ nhớ lại cũng oải cả người, nhưng lúc đó có sức khoẻ, vả lại đi xây dựng lòng hồ là nghĩa vụ của công dân, nên dẫu cực, tôi vẫn không nề hà. Làm kênh cực, mệt, nhưng được Nhà nước lo hết. Nhất là ai làm tốt được khen thưởng, tôi cũng đã được đi tắm biển Vũng Tàu vài lần nhờ có thành tích”, ông Ngẫu nói.
Chia sẻ về kỷ niệm được phong kiện tướng khi đi xây hồ, ông Ngẫu cho biết, bản thân ông có sức khoẻ và biết áp dụng kỹ thuật vào việc thi công. Ông nói: “Phải biết tính toán để làm sao cho công trình đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành thuỷ lợi đưa ra. Khi tính toán đúng, kênh đào hợp lý, người ta đến sẽ được nghiệm thu ngay, không phải sửa tới sửa lui, rất cực”.
Nhờ anh em trong tổ đoàn kết, cố gắng làm nhanh và đạt chất lượng nên tổ của ông luôn hoàn thành trước thời hạn. Trước khi chia tay, mọi người mang số gạo được cấp phát còn dư lại đổi lấy hủ tiếu, thức ăn khác làm thành bữa tiệc nho nhỏ lưu kỷ niệm.
Cho đến nay, ông Ngẫu vẫn phụ trách làm quản lý thuỷ lợi tại ấp Thanh Đông. Tuyến kênh mang nguồn nước mát lành từ lòng hồ dẫn đến vùng đất xa xôi này để tưới xanh những cánh đồng. Điều mà hơn 40 năm trước những người nông dân nơi đây chưa hề dám nghĩ tới.
“Hồi ấy, cũng có một số người không tin vào công trình và bàn ra. Bởi mọi người chưa thấy được hiệu quả hoặc nghĩ tới việc dẫn nước khá xa vời. Nhưng công sức đó cuối cùng được đền đáp khi nước dẫn về tưới mát khắp nơi. Bây giờ có người dân đã làm giàu nhờ có nước tưới. Chỉ nghĩ vậy là thấy vui lắm!”, ông Ngẫu chia sẻ.
Không chỉ gói gọn niềm vui của ông Ngẫu khi là một kiện tướng, nhiều nông dân khác cũng hăng say lên đường tham gia nghĩa vụ đào, đắp công trình. Ông Trần Thanh Tân ở xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cũng có một thời thanh niên tham gia nghĩa vụ công trình. Lúc đó, ông Tân mới ngoài 20 tuổi đã góp sức đào các tuyến kênh tại khu vực Chòm Dừa, Sa Nghe (huyện Châu Thành), vét kênh tại Cầu Trà Phí (thành phố Tây Ninh ngày nay).
Giờ nhớ lại thời điểm đó, ông Tân không khỏi bồi hồi: “Hồi đó tuy cực thật nhưng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong thời thanh niên. Rất vui khi bản thân mình cũng góp sức thực hiện công trình lớn để ngày nay có thể giúp cho người dân địa phương sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Tân chia sẻ.
Ông Thân Văn Đường, ngụ ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng cũng có nhiều năm gắn với hệ thống thuỷ lợi địa phương. Ngày trẻ, ông Đường cũng tham gia nghĩa vụ đi xây đắp hồ Dầu Tiếng suốt 3 năm liền. Sau này, ông rất tích cực trong việc hỗ trợ đào vét để tuyến kênh nhánh T511 dẫn nước đi qua khu vực ấp Ninh Thuận được thông suốt cung cấp nước tưới cho người dân.
Ông nói: “Trước đây, kênh T511 còn là kênh đất lại bị đắp cao nên khi dẫn nước từ kênh TN5 về thường bị vỡ, nước không chảy suốt. Tôi vận động người dân tham gia nạo vét, đắp bờ để cho kênh chảy thông dòng chảy. Lúc đầu, kênh T511 chỉ dẫn nước tưới hơn chục ha nhưng đến giờ đã mở rộng cung cấp nước tưới cho vài chục ha đất tại ấp và nối dẫn qua tới phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành”.
Những tuyến kênh cấp 3, cấp 4 đã mang nguồn nước hồ toả đi nhiều cánh đồng mà trước đó tưởng mãi khô cằn. Có nước tưới, nông nghiệp các địa phương cũng đa dạng cây trồng, vụ mùa hơn. Điều đó chính nhờ sự góp sức của những người dân.
Hoà nhịp cùng dòng chảy
Công trình xây dựng hồ Dầu Tiếng khi đó có thể khẳng định là sự kiện kinh tế - chính trị lớn nhất của Tây Ninh từ sau ngày giải phóng. Để hoà vào không khí của ngày hội, không thể thiếu sự tham gia của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.
Nhà báo Phan Kỷ Sửu (phường I, thành phố Tây Ninh), nguyên là Phó phòng Văn nghệ - Giải trí (Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh) từng có mặt trong ngày trọng đại này. Thời điểm đó, ông Phan Kỷ Sửu là phóng viên mảng Văn xã - Chính trị của Đài Phát thanh Tây Ninh.
Hơn 40 năm qua đi, ông vẫn nhớ rõ không khí ngày khởi công: “Ngày hôm đó đúng là ngày hội với đông đảo người dân, rợp biểu ngữ và cờ đỏ, đông nhất là thanh niên và học sinh. Huyện Dương Minh Châu thường ngày vắng vẻ nhưng ngày hôm ấy như một ngày hội lớn của Nhân dân vậy”.
Lễ khởi công xây hồ Dầu Tiếng là sự kiện lớn nhất trong gần 10 năm làm phóng viên của ông và là một vinh dự trong nghề. Với nhiệm vụ thu trọn bài phát biểu của cố Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, nhà báo Phan Kỷ Sửu không khỏi lo lắng. “Thời đó chưa có máy ghi âm như bây giờ. Tôi phải mang theo cả cái máy cattset to đùng của Nhật cùng với bình ắc quy tích điện. Dù chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, nhưng tôi vẫn rất lo, chẳng may, máy bị trục trặc không thu được đầy đủ bài phát biểu của cố Phó Thủ tướng thì thật có lỗi với thính giả nghe đài. Nhưng may mà mọi việc thuận lợi, trơn tru”, ông Phan Kỷ Sửu nhớ lại.
Buổi đưa tin đó, đến giờ ông Sửu vẫn nhớ vì sự thân thiện, hoà đồng của vị nguyên thủ quốc gia và sự nô nức, đông vui đầy khí thế của người dân tham dự. “Vào tới hiện trường để thực hiện tác nghiệp, nhìn không khí sôi nổi khiến tôi thấy vui như quên mệt nhọc. Lúc đó cũng có nhiều đồng nghiệp cùng dự đưa tin như nhà báo Võ Hữu Thành (cố Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh), các phóng viên của Báo Nhân Dân, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam”- ông Phan Kỷ Sửu kể lại.
Những năm đó, ông Sửu viết nhiều tin, bài về sự kiện xây dựng hồ. Ông cũng sáng tác nhiều bài thơ ghi nhận vẻ đẹp lao động trên công trường như “Cô em gái nhỏ”, hay hình ảnh đám cưới mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm lứa đôi trong bài thơ “Đám cưới trên công trường”.
Ngày ấy, công trường hồ Dầu Tiếng không chỉ có hoạt động đào kênh, đắp đất, mà còn rất nhiều những kỷ niệm đẹp để lại trong lòng thanh niên, người dân, đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó là không khí trang nghiêm của lễ kết nạp đoàn, kết nạp đảng; là tinh thần vui tươi, phấn khởi của những hội thao, đêm giao lưu văn nghệ.
Sở Văn hoá (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhiều trại sáng tác, giao lưu văn nghệ tại công trường với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Văn Tý... tham gia. Từ đó, những ca khúc “Phù sa nồng nàn” của nhạc sĩ Trần Quang Huy, “Trăng sáng trên hồ chứa nước Tây Ninh” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý… ra đời.
Công trình hồ Dầu Tiếng không chỉ là minh chứng cho trí tuệ mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của hàng ngàn người dân Tây Ninh. Những bàn tay lao động cần mẫn ấy đã góp phần tạo nên một công trình thuỷ lợi vĩ đại, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Tây Ninh.
Vi Xuân – Khải Tường
(còn tiếp)